Theo đó, Bộ này đánh giá cao sự quan tâm đề xuất ý kiến của Hiệp hội Vận tải Hà Nội trong việc tạo thuận lợi giữa các bến xe buýt và đa dạng hoá dịch vụ xe buýt.
Bộ yêu cầu Sở nghiên cứu ý tưởng của Hiệp hội
Theo ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Lê Đình Thọ, Bộ GTVT “Đề nghị Hiệp hội làm việc với Sở GTVT Hà Nội về đề xuất phương án thí điểm tổ chức chuyến xe buýt nội đô không trợ giá. Sở GTVT Hà Nội nghiên cứu đề xuất của Hiệp hội Vận tải Hà Nội, báo cáo UBND TP.Hà Nội và các Bộ, ngành liên quan”.
Trước đó, để giảm bớt gánh nặng ngân sách trợ giá của thành phố cho xe buýt nội đô, kết nối giữa các bến xe khách, đáp ứng tập quán của người dân Việt Nam khi đi lại thường mang theo hành lý, hàng hóa và thực hiện chủ trương khuyến khích xã hội hóa loại hình xe buýt, Hiệp hội Vận tải TP.Hà Nội đã có ý tưởng nghiên cứu xây dựng phương án thí điểm tổ chức các tuyến xe buýt nội đô không trợ giá.
Hành trình cơ bản theo một số tuyến nội đô hiện có, chạy lệch giờ hoặc điều chỉnh chút ít cho phù hợp với hạ tầng hiện có, được sử dụng hạ tầng phục vụ xe buýt nội đô theo quy định của thành phố.
Đối tượng tham gia: Các HTX vận tải và các doanh nghiệp vận tải đã có kinh nghiệm quản lý, điều hành vận tải trên địa bàn Hà Nội, ưu tiên kinh tế tập thể.
Để thực hiện ý tưởng này, trước mắt Hiệp hội Vận tải Hà Nội đề nghị các cơ quan thẩm quyền kiến nghị Bộ GTVT điều chỉnh lại quy định về quản lý xe buýt. Sau khi được phép, Hiệp hội sẽ tiến hành khảo sát, xây dựng đề án trình Sở GTVT, UBND TP xem xét.
Hành khách đi lại dễ dàng
Quan sát tại các bến xe ở Hà Nội như Mỹ Đình, Giáp Bát, điều dễ nhận thấy là phần nhiều hành khách (đến và đi) đều “tay xách nách mang” hành lý. Đặc biệt, vào những dịp lễ tết thì hành lý của hành khách lại càng cồng kềnh. Trong khi đó, một trong những “điều kiện” để được đi xe buýt, tiết kiệm chi phí là “hành khách không được mang hành lý cồng kềnh lên xe”.
Thực tế, hiện tại xe buýt tại Hà Nội đang tồn tại hai loại hình gồm xe buýt nội đô và xe buýt liền kề - Hà Nội đi về các tỉnh lân cận Bắc Ninh, Phủ Lý, Hưng Yên… trong vòng 70km trở lại. Thực hiện chủ trương khuyến khích người dân sử dụng phương tiện vận tải công cộng để giảm ùn tắc giao thông, giảm phương tiện cá nhân, TP.Hà Nội cũng trích một khoản ngân sách trợ giá cho các tuyến buýt nội đô, ví dụ năm 2013 con số này hơn 1.000 tỷ đồng. Còn xe buýt liền kề đi các tuyến lân cận TP không được trợ giá, nhưng doanh nghiệp được xây dựng giá cước kinh doanh.
Hiện tại xe buýt nội đô của Hà Nội có khoảng hơn 100 tuyến, và khoảng 1.400 xe, tính cả xe buýt liền kề. Cả hai loại hình xe buýt này đều không có điều kiện phục vụ những hành khách mang theo hành lý cồng kềnh.
Về lý do đưa ra ý tưởng đề xuất thực hiện xe buýt nội đô không cần trợ giá mà vẫn có thể phục vụ được các hành khách mang theo hành lý cồng kềnh, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết: “Xét thấy Chính phủ có chủ trương xã hội hóa xe buýt kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư phát triển loại hình vận tải công cộng này, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, các doanh nghiệp nếu tham gia cũng được hưởng một số chính sách ưu đãi như miễn thuế thuê đất, miễn thuế nhập khẩu phương tiện, phụ tùng… thế nên đề xuất của Hiệp hội Vận tải Hà Nội xây dựng tuyến xe buýt nội đô không cần trợ giá nhằm giảm việc bù lỗ cho xe buýt nội đô mà vẫn đảm bảo giá cước như thành phố quy định đối với các tuyến buýt nội đô”.
Thực tế, thói quen di chuyển của người dân Việt Nam là thường đem theo hàng hóa và hành lý cồng kềnh. Trong khi đó xe buýt nội đô và xe buýt liền kề đi về các địa phương lân cận Hà Nội đều không cho mang hàng hóa, hành lý cồng kềnh lên xe, nên nhiều hành khách buộc phải chấp nhận tốn kém thêm chi phí khi tìm phương tiện khác như xe ôm, taxi hoặc xe khách để thực hiện hành trình.
Theo ông Bùi Danh Liên, các tiêu chí của loại hình xe buýt không cần trợ giá như ý tưởng đề xuất, nếu được cho phép triển khai thực hiện cũng hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật về tiêu chuẩn xe buýt; cùng lúc đạt nhiều mục tiêu, kêu gọi được xã hội hóa; giảm được gánh nặng cho ngân sách; nâng cao năng lực vận tải hành khách trong nội đô; phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân bằng phương tiện công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân; góp phần giảm ùn tắc giao thông.
“Điểm khác biệt với xe buýt thông thường đó là xe không cần trợ giá theo đề xuất trên được thiết kế khoang hành lý riêng. Mặt khác, nếu xe buýt thông thường chỉ 30% hành khách có ghế ngồi, còn 70% phải đứng thì xe buýt không cần trợ giá sẽ đảm bảo 100% hành khách lên xe đều có chỗ ngồi chứ không phải đứng. Vì hành lý cồng kềnh có khoang riêng để chứa, còn hành lý gọn nhẹ hành khách có thể xách tay lên xe” – ông Bùi Danh Liên nói.
Được biết, Sở GTVT Hà Nội cũng đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng về việc xin được mở thêm 3 tuyến xe buýt kết nối sân bay Nội Bài về nội đô – không trợ giá nhằm mục đích phục vụ tốt hơn nhu cầu của hành khách đi máy bay khi đáp xuống sân bay, với hành lý cồng kềnh thay vì di chuyển bằng taxi có thể tiết kiệm chi phí khi lựa chọn xe buýt làm phương tiện di chuyển vào nội đô.