Hà Nội: Đền đáp kịp thời cho người có công

(PLO) - 
Đến nay, Hà Nội không còn hộ nghèo người có công (NCC), không còn nhà dột nát, hư hỏng, mức sống NCC bằng mức trung bình khá khu dân cư.
 
Hà Nội: Đền đáp kịp thời cho người có công
Báo cáo Đoàn giám sát của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tại buổi làm việc với UBND TP Hà Nội về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật ưu đãi NCC với cách mạng sáng qua (23/7), UBND TP.Hà Nội khẳng định, TP luôn quan tâm đến công tác “đền ơn đáp nghĩa” bằng các việc làm thiết thực, triển khai thực hiện các văn bản, chính sách, pháp luật về NCC. Tuy nhiên do còn vướng mắc từ chính các văn bản pháp luật trong chính sách NCC khiến TP lúng túng, chưa giải quyết được triệt để các kiến nghị trong thực hiện chính sách NCC, gây bức xúc và phát sinh nhiều đơn thư phản đối.
NCC không còn phải ở nhà dột nát
Một trong những chính sách NCC được quan tâm là chính sách hỗ trợ về nhà ở đối với hộ NCC đang ở nhà tạm hoặc nhà bị hưu hỏng nặng tự guồn ngân sách nhà nước và huy động sự tham gia của xã hội và gia đình. Báo cáo của UBND TP cho biết, TP đã chỉ đạo các ngành, các cấp, vận động, các đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn, quần chúng nhân dân tham gia đóng góp, hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở đối với NCC ở những xã, huyện còn khó khăn của Hà Nội, ủng hộ kinh phí cho các tỉnh, TP khác như Điện Biên, Lai Châu, Quảng Trị, Thái Nguyên… nhiều tỷ đồng. 
Đến nay, TP không còn trường hợp NCC ở nhà dột nát, hư hỏng, nhưng với việc mở rộng đối tượng hưởng chính sách NCC là thân nhân liệt sỹ, người giúp đỡ cách mạng… và việc làm rõ các tiêu chí theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg đã làm tăng số trường hợp được hỗ trợ sửa chữa, làm mới nhà ở theo chính sách NCC. Tuy nhiên, “TP sẽ rà soát từng trường hợp để hỗ trợ đúng đối tượng, không để “khai khống” – đại diện Sở Xây dựng TP nhấn mạnh. 
Theo kế hoạch, từ năm 2014 đến 2016, TP sẽ hỗ trợ NCC về nhà ở đối với 9.916 hộ, tổng kinh phí 286.780 triệu đồng. Hiện TƯ đã hỗ trợ cho TP 551 trường hợp, kinh phí 7,5 tỷ đồng, trong tổng số 55.776 triệu đồng kinh phí từ ngân sách TƯ hỗ trợ nhà ở cho NCC của Hà Nội trong năm 2014. Trong khi đó, 6 tháng đầu năm 2014, TP đã dùng nguồn kinh phí xã hội hóa để hỗ trợ xây mới và sửa chữa 453 nhà ở cho NCC với kinh phí 11.197 triệu đồng. 
Bên cạnh đó, TP cũng đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện Đề án tìm kiếm, qui tập hài cốt liệt sỹ và Đề án xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiết thông tin, rà soát, giải quyết vướng mắc, tồn đọng đối với hồ sơ đề nghị công nhận NCC, công nhận và thực hiện chính sách mới đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng (BMVNAH), xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật trong thực hiện chính sách NCC.
Thủ tục “cản” NCC tiếp cận chính sách
Dù đã có nhiều nỗ lực để chăm lo NCC kịp thời, chu đáo, đảm bảo mục tiêu NCC có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú nhưng trong thực hiện chính sách NCC của TP vẫn gặp không ít bức xúc của đối tượng và thân nhân đối tượng. Nhất là thân nhân của những người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đang hưởng mức trợ cấp từ 81% trở lên đã chết không được xem xét giải quyết chế độ tuất, nhiều người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đang hưởng mức trợ cấp dưới 81% có nguyện vọng nhưng không được đi giám định bổ sung tỷ lệ vì không nằm trong trường hợp hồ sơ kê khai mắc bệnh theo danh mục tại Thông tư 41/2013/TTLT-BYT-BLĐTBXH, khó giải quyết chế độ chính sách cho người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày có các giấy tờ liên quan mang tính pháp lý do thủ tục, hồ sơ không được qui định trong Thông tư 05/2013/TT-BLĐTBXH…
Chỉ ra nguyên nhân khiến Hà Nội có một số chỉ tiêu chưa đạt so với yêu cầu, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Bích Ngọc nhấn mạnh đến “sự chậm chạp” của văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành khiến TP “trở tay  không kịp” tiến độ dù TP đã chủ động triển khai nhiều chính sách NCC thông qua nguồn lực của toàn dân, cũng như việc hệ thống văn bản pháp luật liên quan chưa đầy đủ, còn thiếu hợp lý, thiếu qui định, thiếu hướng dẫn… nên cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, xử lý sự bất hợp lý qui định về chính sách NCC... 
“Với việc giải quyết chính sách cho 10% NCC trong cả nước và nguồn kinh phí khoảng 138 tỷ đồng/năm, nhưng chỉ còn khoảng 0,5% trường hợp “còn có vấn đề” là một kết quả đáng ghi nhận khi xử lý một khối lượng công việc lớn liên quan đến NCC ở Hà Nội” – bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, trưởng đoàn giám sát đánh giá. 
Trước yêu cầu thực hiện chính sách NCC ở TP, đoàn giám sát yêu cầu TP tạo điều kiện tối đa cho thân nhân tìm kiếm liệt sỹ qua kiểm tra ADN, “bảo đảm đưa về đúng người, không để xảy ra những chuyện đáng tiếc như vụ việc liên quan đến các nhà ngoại cảm” – Trưởng đoàn giám sát lưu ý. Sau khi rà soát giải quyết các vướng mắc, tồn đọng đối với hồ sơ đề nghị công nhận NCC, “ai không đúng phải loại ngay, ai đủ tiêu chuẩn, điều kiện phải thực hiện ngay chính sách”… Đồng thời, phải công khai những người được hưởng chính sách để nhân dân kiểm tra, giám sát. 
Từ các vướng mắc của Hà Nội trong thực hiện chính sách NCC, bà Trương Thị Mai cho rằng, “có vẻ như thủ tục “cản” NCC tiếp cận chính sách” nên sẽ cần phải hoàn thiện thể chế và “dứt khoát phải trình dự án Luật NCC để tạo điều  kiện tốt hơn thực hiện chính sách ưu đãi của nhà nước đối với NCC” – Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội nhấn mạnh./.

Đọc thêm