(PLO) - Trong khu vực nội thành Hà Nội, hành lang an toàn lưới điện nhiều tuyến đường điện hạ áp đang bị “san phẳng”. Điển hình là những tuyến đường Võ Thị Sáu, Thanh Nhàn, Kim Ngưu, 8/3, Hàng Điếu, Hàng Mã, hàng Đào, Lương Yên, đê Hồng Hà, ngõ Quỳnh, ngõ Hòa Bình 7... có mật độ các điểm vi phạm dày đặc.
Trên những con phố này, dễ dàng bắt gặp hình ảnh dây điện chui mất hút trong những lùm cây um tùm, vắt qua mái nhà dân, khoan mắc vào tường nhà hay lập lờ ngay cửa sổ...
Theo quy định của Luật Điện Lực và Tiêu chuẩn xây dựng 25- 1991 của Bộ Công Nghiệp: đường dây điện cao áp, trung áp và hạ áp đều có quy chuẩn về phạm vi hành lang an toàn. Lưới điện chạy trong nội thành thường có 3 loại điện áp: Cao áp từ 22kv. Trung áp 10kv và điện dân dụng 0,4kv.
Theo Điều 11 của Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện, quy định hành lang an toàn lưới điện đối với điện cao áp 22kv dây bọc, hành lang an toàn trên không là 1m. Đối với điện hạ áp 0,4kv đường dây điện khi thiết kế phải tránh nhà cửa, cây cối và các vật cản khác. Tuy nhiên, những chuẩn mực này khó tìm thấy được Hà Nội.
|
Một ngôi nhà ở phố Lương Yên trong tình trạng không bao giờ mở được cửa sổ |
Mặc dù dây điện chạy trong nội thành là loại dây bọc, vỏ khá dày và đảm bảo an toàn trong điều kiện sử dụng bình thường. Tuy nhiên, trong những trường hợp xảy ra sự cố, chúng sẽ không còn an toàn nữa.
Ngoài cây xanh, cây khô, rất nhiều gia đình đang đùa với “thần điện” bằng cách tự ý cơi nới ban công vượt qua khỏi chỉ giới xây dựng khiến đường dây chạy sát tường nhà. Thậm chí, có gia đình ở phố hàng Điếu còn gắn ke vào cột điện để lợp mái tôn làm ban công.
Nhìn vào những cảnh tượng dây điện chằng chịt bò loằn ngoằn trên mái tôn, hẳn ai cũng rùng mình khi nghĩ đến cảnh tượng có sự cố chập điện xảy ra.
|
Một cây cột điện giữa lòng Thủ đô Hà Nội |
Tại ngôi nhà đầu ngõ 186 Kim Ngưu – Hai Bà Trưng, do nằm ngay chỗ ngoặt của đường dây điện, nên khung thép hàng rào ban công tầng hai được tận dụng làm chỗ mắc dây điện, thay vì cây cột điện đã chằng chịt dây rợ trồng ngay sát bên cạnh. Ngôi nhà số 102 ở phố Lương Yên và một ngôi nhà ở ngõ Hòa Bình 7 công nhân mắc đường dây khoan hẳn đinh vào tường để mắc đường dây điện vào đấy. Có nhiều gia đình có cửa sổ tầng 2,3 từ lúc xây chưa bao giờ được mở vì bị dây điện “buộc” chặt ở phía ngoài.
|
Cây cột điện trên phố 8/3 |
Nhiều nơi, cây leo quấn quanh dây điện chằng chịt. Điều đáng nói là có nhiều cây đã chết khô từ lâu, tuy nhiên cả đơn vị quản lí đường điện và chủ nhân của “cái xác” cây ấy vẫn không màng tới. Ngay ngã tư giao giữa phố hàng Mã với Hàng Dầu – quận Hoàn Kiếm, xuất hiện một xác cây leo quấn quanh đường dây điện đã khô giòn từ lâu, vắt bên này sang bên kia đường, leo lên đến đỉnh cột điện.
Cách đấy chừng 50m, trước một ngôi nhà ở Hàng Mã cũng có thân cây to đã chết đứng từ lâu được tận dụng làm cột để mắc dây điện. Con phố 8/3 chỉ dài chưa đến 1 km đã có 3 cột điện bị trùm kín bởi xác cây leo chết khô. Cạnh đó, ngõ Quỳnh chật hẹp cũng có tình trạng xác cây khô ôm kín đầu cột. Đây sẽ là nguyên liệu lí tưởng để làm mồi cho một vụ cháy lớn khi xảy ra sự cố chập điện.
Ngoài ra, nhiều hộ kinh doanh buôn bán còn tận dụng cột điện để treo biển quảng cáo, làm cột chăng bạt, hay thậm chí treo hàng hóa như một hộ gia đình bán hoa nhựa ở phố Hàm Long. Thực trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện ở những con phố này đã diễn ra từ lâu, tuy nhiên chưa thấy sở điện lực Hà Nội có biện pháp xử lí, khắc phục.
PLVN sẽ tiếp tục đưa tin về sự việc./.
Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVN HANOI) đang quản lý hệ thống đường dây thiết bị lưới điện từ điện áp 0,4kV đến 110kV, với tổng chiều dài đường dây 110 kV là 698.583 km; tổng chiều dài đường dây trung áp là 7827,46 km và hàng vạn km đường dây hạ thế trải khắp trên địa bàn Thủ đô. Việc quản lý hành lang an toàn lưới điện đang còn nhiều bất cập. Người dân mong muốn EVN Hà Nội sớm có những hành động quyết liệt để giải quyết vấn đề, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.