Trong suốt thời đại Hồ Chí Minh, văn hóa, di sản văn hóa của quốc gia, dân tộc ở nơi “Thượng đô kinh sư mãi muôn đời” Thăng Long - Hà Nội luôn mang giá trị trường tồn, tự hào đầy kiêu hãnh. Từ thực tiễn nhìn lại những giá trị thời đại để đi tới, Việt Nam hùng cường, Hà Nội “cất cánh” chính là sự hối thúc của lịch sử - văn hóa, đặt trọng trách lên vai thế hệ hôm nay, nhằm hiện thực hóa khát vọng “Rồng bay” của vua Lý Thái Tổ hơn 1.000 năm trước.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội - ông Đinh Tiến Dũng đã nhấn mạnh, Thăng Long - Hà Nội vừa phải là đầu tàu, vừa phải là một điểm tựa thúc giục, vẫy gọi và phát huy mọi nguồn lực, trong đó văn hóa - một nguồn lực nội sinh để tỏa rạng khát vọng “Rồng bay”, để tự tin định vị là thành phố kết nối toàn cầu, để làm bật dậy tiềm lực quốc gia.
Ông Đinh Tiến Dũng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội. |
Văn hóa góp phần quan trọng vào quá trình phát triển đất nước
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Hà Nội cùng cả nước hòa mình vào dòng chảy của thời đại nhằm thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng, ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng của văn hóa trong lịch sử và tiến trình phát triển của quốc gia?
- Để hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của văn hóa trong sự phát triển của đất nước, dân tộc, chúng ta phải nhìn lại lịch sử để thấy rằng, trong “Cương lĩnh chính trị” đầu tiên của Đảng năm 1930, Đảng ta đã đề cập đến vấn đề phát triển văn hóa của dân tộc; chúng ta phải soi chiếu lại “Đề cương về văn hóa Việt Nam” cách đây tròn 80 năm (năm 1943, khi nước ta còn chưa giành được độc lập), nơi đã thể hiện tầm nhìn, tư duy chiến lược của Đảng ta về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Văn hóa phải mang sứ mệnh là nguồn lực nội sinh cho phát triển; sự gắn kết giữa văn hóa với chính trị, kinh tế, xã hội; ý nghĩa trung tâm của con người trong phát triển văn hóa.
Nhìn lại lịch sử để thấy, không phải đến tận bây giờ văn hóa mới được nhìn nhận một cách đúng đắn về vị trí, vai trò lẫn tầm quan trọng trong đời sống xã hội. Thực tế đã chứng minh, văn hóa không chỉ đơn thuần là yếu tố tinh thần mà còn góp phần quan trọng vào quá trình phát triển đất nước, chi phối và lan tỏa sức ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội. Quan điểm này đã được Đảng ta thể hiện nhất quán qua các giai đoạn, các kỳ Đại hội. Nghị quyết Trung ương 5 - khóa VIII năm 1998, Nghị quyết chuyên đề văn hóa đầu tiên của Đảng, văn hóa được xác định là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Và mới đây nhất, Đại hội XIII của Đảng lần đầu tiên đã đề cập khái niệm “sức mạnh mềm”, “phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam”. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định phương hướng: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”.
Thưa ông, một sự kiện quan trọng nữa cũng cần đề cập trong tiến trình khẳng định tầm quan trọng của văn hóa trong sự phát triển của đất nước, dân tộc, đó là Hội nghị toàn quốc về văn hóa lần thứ nhất diễn ra ngày 24/11/1946…
- Đúng là như thế. Trong diễn văn khai mạc Hội nghị toàn quốc về văn hóa lần thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra luận điểm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Sau đúng 75 năm, ngày 24/11/2021, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa nhắc lại lời dạy của Bác và nêu bật vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc”; “Văn hóa còn thì dân tộc còn”…
Đặc biệt, đồng chí Tổng Bí thư đã đúc kết: Nhìn lại những thành tựu trên lĩnh vực xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là trong 35 năm đổi mới gần đây, chúng ta có quyền tự hào về những đóng góp to lớn của nền văn hóa vào sự nghiệp cứu quốc và kiến quốc. Những thành tựu nổi bật cần khẳng định là nhận thức về văn hóa ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn trên các lĩnh vực, các loại hình; các sản phẩm văn hóa ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng yêu cầu mới, nhiều mặt của xã hội. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa của dân tộc được kế thừa, bảo tồn và phát triển. Văn hóa trong chính trị và trong kinh tế bước đầu được coi trọng và phát huy hiệu quả, tích cực. Công nghiệp văn hóa và thị trường văn hóa có bước khởi sắc. Hoạt động giao lưu, hợp tác và hội nhập quốc tế có bước phát triển mới. Xây dựng con người Việt Nam đang từng bước trở thành trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội…
Trước những thời cơ và thách thức mới, yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng của nước ta là phải tiếp tục xây dựng, gìn giữ và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh thần” và “động lực phát triển”; phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cùng các đại biểu khảo sát Làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN) |
Hà Nội bồi đắp, tỏa sáng văn hóa nguồn cội cùng văn hóa thời đại
Hà Nội là nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng của nền văn hóa dân tộc như lịch sử nghìn năm từng chứng tỏ. Vậy “nguồn lực nội sinh” và “sức mạnh mềm” của Thủ đô hòa chung vào động lực phát triển đất nước như thế nào, thưa ông?
- Sự phát triển của Thăng Long - Hà Nội gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trải qua nghìn năm lịch sử với nhiều biến động, thăng trầm, nhưng Thăng Long - Hà Nội vẫn luôn có một vị thế trung tâm, nơi tụ hội con người và văn hóa đất nước. Những ngôn từ đẹp đẽ mà đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế yêu mến đúc kết dành tặng cho Thăng Long - Hà Nội đã minh chứng cho vai trò đó. Hà Nội là “Trái tim của cả nước”; “Nơi lắng hồn núi sông ngàn năm”; “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”; “Linh thiêng và hào hoa”; “Văn hiến và anh hùng”; “Thành phố vì hòa bình”; “Thủ đô sáng tạo”...
Hà Nội còn có những nét duyên thầm, thanh lịch, hấp dẫn mà không phải lúc nào cũng gọi được tên. Đây là những giá trị văn hóa lịch sử đặc sắc mà không phải ở đâu cũng có; là tài sản vô giá của Hà Nội nói riêng và của dân tộc nói chung. Đây cũng chính là “nguồn lực nội sinh”, “sức mạnh mềm” chủ yếu mà chúng ta nói tới.
Là người đứng đầu hệ thống chính trị ở Hà Nội, ông có thể cụ thể hóa nền tảng, động lực của văn hóa trong quá trình phát triển Thủ đô và xa hơn là sức mạnh của văn hóa góp phần chấn hưng đất nước?
- Chúng ta có thể nhìn nhận văn hóa dưới 3 góc độ: kinh tế - chính trị, xã hội và con người. Đầu tiên, dưới góc độ kinh tế chính trị, lịch sử đã chứng minh, một quốc gia dân tộc sẽ không thể thực hành chính trị một cách thông minh và thành công, không thể phát triển kinh tế nhanh và bền vững nếu thiếu sự chỉ dẫn soi đường của văn hóa. Thứ hai, dưới góc độ xã hội, văn hóa là nền tảng của các hoạt động xã hội. Khi các giá trị văn hóa được đề cao thì các mối quan hệ xã hội cũng theo đó để điều chỉnh theo các giá trị chuẩn mực. Mối quan hệ biện chứng ấy tác động qua lại, đan xen lẫn nhau, xã hội phát triển, con người phát triển thì văn hóa cũng có điều kiện được bảo tồn và phát triển. Cuối cùng, xét về góc độ con người, văn hóa kích thích sự sáng tạo, cân bằng đời sống con người và “đánh thức” những năng lực tiềm ẩn ở mỗi người dân.
Với người Việt Nam chúng ta, tinh thần yêu nước, truyền thống đoàn kết và tính nhân văn, nhân ái, sự ham học hỏi, sẵn sàng tiếp thu cái mới - đó chính là những giá trị cốt lõi, là sức mạnh nội sinh làm nên giá trị văn hóa Việt, con người Việt trong thời đại mới. Chính sức mạnh ấy, giá trị ấy đã giúp Việt Nam vững vàng đi qua những năm tháng chiến tranh tàn khốc để mỗi ngày thêm lớn mạnh, góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước hôm nay. Với Hà Nội, phát triển văn hóa và con người Hà Nội đều dựa trên cơ sở phát huy truyền thống Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến và tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cùng các đại biểu tham quan ngôi nhà cổ (xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội). (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN) |
Khai thác giá trị văn hóa của kinh tế để trở thành nguồn lực cho sự phát triển
Ông có thể điểm qua một vài nguồn lực văn hóa như là thế mạnh của Hà Nội để xây dựng Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại?
- Thủ đô Hà Nội được biết đến là “Thành phố di sản” với 5.922 di tích văn hóa lịch sử phong phú, đa dạng và có giá trị cao; trong đó có 16 di tích, cụm di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt, gần 1.200 di tích được xếp hạng quốc gia. Đặc biệt, Hoàng thành Thăng Long được công nhận là Di sản văn hóa thế giới; 82 bia Tiến sĩ trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám được ghi danh là Di sản tư liệu thế giới... Hà Nội còn có 1.793 Di sản văn hóa phi vật thể với nhiều lễ hội đặc sắc, tiêu biểu như hội Gióng tại đền Sóc và đền Phù Đổng được công nhận là Di sản văn hóa phi vận thể đại diện của nhân loại; hội Cổ Loa (huyện Đông Anh); hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức), lễ hội Đống Đa (quận Đống Đa), hội chùa Thầy (huyện Quốc Oai), hội chùa Tây Phương (huyện Thạch Thất), hội chùa Trăm Gian (huyện Chương Mỹ)...
Hà Nội còn là “đất trăm nghề” với 1.350 làng nghề, chiếm 1/3 số làng nghề cả nước, gồm nhiều làng nghề truyền thống tiêu biểu, đặc sắc với tiềm năng to lớn về phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại...
Có thể nói tiềm năng, nguồn lực văn hóa của Hà Nội là rất lớn, cũng chính là điều kiện, cơ hội để thành phố thực hiện các mục tiêu phát triển. Mục tiêu của chúng ta là phải khơi dậy nguồn lực văn hóa tạo ra động lực mới cho Thủ đô phát triển. Nhưng trước tiên, chúng tôi yêu cầu phải tuyên truyền, nâng cao nhận thức về giá trị của văn hóa Hà Nội, có nhận thức đúng đắn, đầy đủ mới biết quý, biết yêu, mới có thể đi đến hành động phù hợp, chính xác. Và muốn khai thác được, thì chúng ta phải nghĩ đến bảo tồn, tôn tạo; làm sao để những giá trị văn hóa đặc sắc của Hà Nội phải được bảo tồn hiệu quả, không để di tích, di sản xuống cấp, không để lễ hội mai một, biến tướng... Trên cơ sở đó, tổ chức quy hoạch, xây dựng làm cho di tích đã đẹp, càng đẹp hơn, đã hấp dẫn, càng hấp dẫn hơn. Phát huy những di tích, lễ hội gắn với du lịch, dịch vụ, sản xuất, kinh doanh; vừa tạo thêm nguồn lực phát triển kinh tế, vừa tạo công ăn, việc làm, tạo thêm sinh kế cho người dân bản địa.
Với tư tưởng như vậy, thành phố đã chủ động ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa; đồng thời ưu tiên đầu tư vào 3 lĩnh vực y tế, giáo dục và di tích văn hóa lịch sử với tổng số vốn hơn 49.200 tỷ đồng cho giai đoạn 2022 - 2025 và những năm tiếp theo, trong đó, riêng đầu tư tu bổ tôn tạo các di tích văn hóa, lịch sử vào khoảng 14.000 tỷ đồng. Trong hơn 2 năm qua, hơn 200 di tích đã được tu bổ, tôn tạo...
Ngoài ra, Hà Nội cũng đã kiến nghị và sẵn sàng là địa phương thí điểm các chính sách về phát triển nguồn lực văn hóa của Trung ương. Bởi văn hóa là một trong những yếu tố quan trọng để xây dựng một Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại. Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa một cách hiệu quả nhất để phát triển Thủ đô.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cùng các đại biểu khảo sát Làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN) |
Xây dựng công nghiệp văn hóa thành ngành kinh tế mũi nhọn
Hà Nội cụ thể hóa việc phát triển công nghiệp văn hóa là một ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội như thế nào, thưa ông?
- Tại Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ 17, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt ra câu hỏi đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội: “Thủ đô của chúng ta sẽ phát triển như thế nào trong những thập kỷ tới?”. Đặc biệt, đồng chí Tổng Bí thư đã gợi mở và yêu cầu: “Hà Nội có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng, có nhiều lợi thế, tiềm năng mà không nơi nào có được. Đảng bộ Hà Nội cần có tầm nhìn không chỉ vài năm hay một nhiệm kỳ trước mắt, mà phải nhìn xa hơn thế nữa, với những cách làm, bước đi phù hợp cho mỗi giai đoạn cụ thể và phù hợp với tư tưởng chiến lược phát triển tổng thể của đất nước trong giai đoạn tới”. Nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của vấn đề đặt ra và sự chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, lãnh đạo thành phố đã trăn trở, tìm tòi để xác định hướng đi lâu dài, bền vững cho Hà Nội.
Ngày 22/2/2022, Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội được ban hành về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” chính là mục tiêu đặt ra đối với Hà Nội. Theo đó, Hà Nội xác định phát triển công nghiệp văn hóa là một ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, với mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có đóng góp hiệu quả vào tăng trưởng GRDP, đem lại nhiều việc làm và thu nhập, thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô trên nguyên tắc đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, phát huy tối đa những tiềm năng, thế mạnh, giá trị văn hóa truyền thống mang bản sắc của Thủ đô nghìn năm văn hiến; tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, góp phần bồi đắp và phát triển hệ giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Mục tiêu của Hà Nội tạo bước phát triển toàn diện các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, đảm bảo phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ, tỷ trọng, giá trị gia tăng cao. Các ngành công nghiệp văn hóa hoạt động có tính chuyên nghiệp, với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; dịch vụ, sản phẩm văn hóa đa dạng, có chất lượng, thúc đẩy phát triển du lịch và xuất khẩu. Thành phố tập trung đầu tư phát triển một số lĩnh vực giàu tiềm năng, lợi thế của Thủ đô như du lịch văn hóa; nghệ thuật biểu diễn; thủ công mỹ nghệ; điện ảnh; thời trang; ẩm thực... phù hợp với thực tiễn Thủ đô vào từng giai đoạn cụ thể. Mục tiêu đến năm 2025, công nghiệp văn hóa phấn đấu đóng góp khoảng 5% GRDP của thành phố; đến năm 2030, đóng góp khoảng 8% GRDP của thành phố; đến năm 2045, phấn đấu đóng góp khoảng 10% GRDP của thành phố.
Bên cạnh việc đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về công nghiệp văn hóa; tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, Hà Nội đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực cho các ngành công nghiệp văn hóa có trình độ chuyên môn cao, thực hiện tốt chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, ưu đãi, vinh danh đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, nghệ nhân, các nhà khoa học Việt Nam ở trong và ngoài nước. Thành phố cũng tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ, ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại trong sáng tạo, sản xuất, phổ biến, lưu giữ các sản phẩm văn hóa. Đồng thời, tăng cường hợp tác, hội nhập với các thành phố của các quốc gia có nền công nghiệp văn hóa phát triển mạnh nhằm đổi mới, sáng tạo trong các lĩnh vực; triển khai số hóa, hoàn thiện cơ sở dữ liệu với đầy đủ các nội dung về di sản văn hóa, thành phố sáng tạo, phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa.
Đối với việc phát triển thị trường công nghiệp văn hóa, Hà Nội chú trọng khu vực có tiềm năng, lợi thế như ở khu vực đô thị, làng nghề truyền thống, thông qua các chương trình đào tạo hoặc liên kết với chuyên gia quốc tế để nâng cao năng lực sáng tạo, hướng đến thị trường quốc tế. Đổi mới tư duy, đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao năng lực sản xuất và sáng tạo các giá trị văn hóa mới; nâng cấp kết cấu hạ tầng về công nghiệp văn hóa; lựa chọn xây dựng các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao để quảng bá cho ngành công nghiệp văn hóa Hà Nội. Cùng với đó, thành phố quy hoạch, bố trí quỹ đất, nguồn lực đầu tư của Nhà nước và ngoài Nhà nước cho các công trình, dự án phát triển văn hóa chất lượng cao, trong đó ưu tiên phát triển không gian công cộng, điểm du lịch văn hóa, vui chơi giải trí, nghệ thuật biểu diễn, không gian đi bộ, điểm mua sắm, mở rộng không gian văn hóa dành cho cộng đồng. Hơn nữa, thành phố mở rộng giao lưu, hợp tác trong nước và quốc tế về văn hóa; xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội, sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch có quy mô lớn, mang tầm khu vực và quốc tế.
Trong giai đoạn này, Hà Nội tập trung xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu “Thành phố sáng tạo” của UNESCO; xây dựng trung tâm thiết kế sáng tạo Hà Nội nhằm tạo môi trường ươm mầm và nuôi dưỡng các tài năng trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo, kết nối các không gian sáng tạo và các ngành công nghiệp văn hóa trọng điểm. Ngoài ra, thành phố cũng xây dựng, củng cố, kết nối, đầu tư cho các không gian sáng tạo tại Hà Nội tạo hệ sinh thái phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển bền vững
Quyết tâm chính trị, mục tiêu rõ ràng, định hướng cụ thể, tầm nhìn bao quát, vậy để không vướng vào cơ chế làm giảm thành quả, Hà Nội đã và đang có những định hướng chỉ đạo rõ rệt nào để giúp hình thành môi trường, phát huy có hiệu quả các nguồn lực văn hóa để từ đó phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững cho Thủ đô, thưa ông?
- Với 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được nhấn mạnh trong Nghị quyết số 09-NQ/TU để phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, Nghị quyết chuyên đề này được coi là bước đột phá trong phát triển văn hóa Thủ đô, nhằm bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển văn hóa, cải thiện chất lượng văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân Thủ đô, thu hẹp dần khoảng cách, nâng cao khả năng thụ hưởng văn hóa giữa các vùng của Thủ đô, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, gia tăng tỷ trọng đóng góp vào GRDP của thành phố.
Để trở thành 1 trong 3 trung tâm hàng đầu của cả nước về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, định vị thương hiệu “Thành phố sáng tạo”, Thành ủy Hà Nội đã tập trung chỉ đạo thực hiện với 6 quan điểm:
- Thứ nhất, phát triển công nghiệp văn hóa được đặt trong tổng thể và dựa trên nền tảng phát triển văn hóa, con người Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng.
- Thứ hai, phát triển công nghiệp văn hóa trên nguyên tắc đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, phát huy tối đa những tiềm năng, thế mạnh, giá trị văn hóa truyền thống mang bản sắc của Thủ đô nghìn năm văn hiến.
- Thứ ba, phát triển công nghiệp văn hóa là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, của toàn xã hội trên tinh thần “đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển bền vững”.
- Thứ tư, quá trình phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với hoàn thiện thị trường văn hóa, phát huy cao nhất lợi thế của Thủ đô.
- Thứ năm, bảo đảm kết cấu hạ tầng, tạo lập môi trường và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cho các ngành công nghiệp văn hóa phát triển.
- Thứ sáu, hoàn thiện quy hoạch, cơ chế, chính sách phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa để huy động, đầu tư, khai thác tối đa và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô vừa bao trùm, đặc sắc, vừa bền vững, hiện đại.
Xin trân trọng cảm ơn ông!