3 phương án tuyển sinh
Ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD-ĐT) cho biết tại Hội nghị triển khai năm học 2018-2019, Sở GD-ĐT Hà Nội đã xây dựng dự thảo 3 phương án tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019-2020 để lấy ý kiến đóng góp. Cụ thể:
Phương án 1: Thi tuyển 4 bài thi độc lập gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi thứ tư, trong đó bài thi thứ tư thuộc 1 trong các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Bài thi thứ tư do Sở GD-ĐT công bố vào cuối tháng 3. Thời gian làm bài đối với bài thi Toán và Ngữ văn là 120 phút/bài, đối với 2 bài thi còn lại là 60 phút/bài. Phương án 2: Giữ nguyên như phương án tuyển sinh năm học 2018-2019, tức là tổ chức thi tuyển (Toán- Văn) kết hợp với xét tuyển.
Phương án 3: Tổ chức thi 3 bài thi, gồm 2 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn và 1 bài thi tổ hợp: Tổ hợp 1 (gồm 4 môn: Ngoại ngữ, Vật lý, Lịch sử và Giáo dục công dân); hoặc tổ hợp 2 (gồm 4 môn: Ngoại ngữ, Địa lý, Hóa học và Sinh học). Thời gian làm bài đối với bài thi Toán và Ngữ văn là 120 phút/bài; đối với bài thi tổ hợp là 90 phút/bài.
Việc quyết định tổ chức bài thi tổ hợp nào sẽ được Sở GD-ĐT thực hiện theo hình thức bốc thăm và công bố vào cuối tháng 3. Phương án 3 chính là phương án trước đó được Giám đốc Sở GD-ĐT Chử Xuân Dũng công bố vào tháng 4/2018. Theo đó, năm 2019 sẽ có nhiều thay đổi trong kỳ thi này.
Đồng thời, ông Phạm Quốc Toản lưu ý, ngoài 3 phương án nêu trên, các trường có thể đề xuất phương án tuyển sinh khác. Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ tổng hợp ý kiến đề xuất của các nhà trường về phương án tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019-2020 để trình UBND thành phố Hà Nội phê duyệt. Dự kiến, phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2019-2020 sẽ được công bố trong thời gian học kỳ I năm học 2018-2019.
Trước đó, ngay khi được công bố, phương án thứ 3 đã khiến nhiều học sinh, phụ huynh và thầy cô lo lắng. Bởi nếu thực hiện, các em sẽ phải học, ôn rất nhiều môn. Trước những băn khoăn này, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Văn Đại từng cho biết, việc thay đổi cách tuyển sinh theo hướng thi bài thi tổ hợp nhằm giúp học sinh học toàn diện hơn…
Chia sẻ với báo chí thời điểm đó, vị Phó Giám đốc Sở Hà Nội cho hay, trước khi đưa ra phương án thi này, Hà Nội đã nghiên cứu, học hỏi, chắt lọc kỳ thi vào lớp của các địa phương. Sở cũng đã lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà trường, các thầy giáo, cô giáo. Phương án thi đã được Sở đưa ra bàn từ nhiều năm và đã có trên 700 phiếu thăm dò ý kiến.
Dự báo vẫn khốc liệt
Và mặc dù lãnh đạo Sở khẳng định, đề thi sẽ không nằm ngoài chương trình SGK, học sinh không cần phải học thêm nhưng điều đó cũng không giúp phụ huynh, học sinh yên tâm. Bởi từ nhiều năm nay, chỉ thi hai môn Văn -Toán, học sinh lớp 9 ở Hà Nội đã học ngày học đêm trong một cuộc đua khốc liệt. Nếu thêm bài thi tổ hợp đồng nghĩa với việc học sinh phải thi 6 môn và phải học 9 môn (vì cuối tháng ba mới biết môn thi của bài tổ hợp) thì rất khó để học sinh không nháo nhào học thêm…
Chị Nguyễn Thị Hồng (quận Hoàn Kiếm) cho rằng: “Thi nhiều môn đồng nghĩa phải học thêm nhiều. Tôi thấy phương án thi 3 là sẽ không hiệu quả cho việc học đều các môn mà chỉ làm cho phụ huynh tốn kém hơn và áp lực học cho các con hơn vì đi học thêm nhiều. Tôi ủng hộ phương án 1 thi 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ và 1 môn tự chọn là hợp lí học ít có trọng lượng còn hơn học nhiều thi nhiều chỉ là đối phó không có chất lượng”…
Ở góc độ chuyên gia giáo dục, TS Lê Thống Nhất phân tích: Với phương án 2, tuy đã được thực hiện từ năm học 2005 - 2006 cho tới năm học 2018 - 2019, nhưng Sở GD-ĐT Hà Nội đã từng phân tích là phương án đạt được sự ổn định về tâm lý cho học sinh và cho cả thầy cô, tuy nhiên vẫn bộc lộ những nhược điểm như: Học sinh học lệch (tập trung vào Toán và Ngữ văn), phụ thuộc vào đánh giá chủ quan của các thầy cô và của mỗi trường. Bởi vậy tháng 4/2018, Sở đã đưa ra phương án 3.
Với phương án 3, số môn mà học sinh phải ôn tập sẽ là 6 môn. Ngay với tuyển sinh vào đại học, các tổ hợp xét tuyển cũng chỉ là 3 môn mà thôi, tuy học sinh lớp 12 phải thi những tổ hợp Khoa học Tự nhiên (Lý, Hoá, Sinh) hay tổ hợp Khoa học Xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân) nhưng các môn không thuộc tổ hợp môn xét tuyển các em cũng chỉ học nhẹ nhàng để thoát điểm liệt mà thôi. Vậy với học sinh lớp 9 khi phải ôn tập để tuyển sinh lớp 10 phải dùng đến 6 môn thi là quá nhiều so với lớp 12 thi vào đại học. Bài học của Hải Phòng khi đưa ra số môn phải học để thi tuyển sinh lớp 10 đã tạo nên phản ứng của xã hội và năm học 2018 - 2019 đã phải thay đổi. Do đó, Sở GD-ĐT Hà Nội cần thận trọng nếu chọn phương án này.
Với quan điểm cá nhân, TS Lê Thống Nhất cho rằng phương án 1 là phương án phù hợp nhất lúc này, vừa khắc phục được nhược điểm của phương án 2 lâu nay lại không tạo áp lực về số môn thi như phương án 3. Dự đoán rằng, chắc Sở GD-ĐT cũng đã nhận ra nhược điểm của phương án 3 nên mới trở lại thăm dò đưa thêm phương án 1.
Bên cạnh đó, việc đưa ra các phương án như Sở GD-ĐT công bố, nhiều chuyên gia giáo dục cũng cho rằng, việc chưa thống nhất giữa các phương án vẫn dễ dẫn đến các giáo viên tổ chức học thêm khiến cho các học sinh càng thêm áp lực. Nếu áp dụng bài thi tổ hợp như phương án công bố từ tháng 4/2018 cũng không tối ưu bởi gây áp lực nặng nề và không hiệu quả.
Trước những băn khoăn cho rằng việc đổi mới cách thi trong khi các trường chưa đổi mới cách dạy và học là vội vàng, gây khó khăn cho học sinh, TS Nguyễn Tùng Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho rằng, nếu học mà không có kiểm tra, đánh giá thì học sinh thường không muốn học. Tình trạng này sẽ chấm dứt khi nào học sinh có ý thức tự học để phát triển năng lực bản thân, tuy nhiên, hiện nay tại Việt Nam điều này chưa thể thực hiện được. Bởi việc học của chúng ta vì điểm số chứ chưa quan tâm đúng mức đến việc phát triển bản thân con người, trong khi đó chương trình giáo dục phổ thông mới đặc biệt chú trọng đến phẩm chất, năng lực. Chỉ khi nào các em học vì thích vì say mê, các em mới có thể học giỏi đều được các môn…
Ở góc độ khác, một thầy giáo nêu quan điểm nên giữ phương án thi như cũ, nghĩa là phương án 2. Thầy giáo này cho rằng, Sở GD-ĐT đưa ra phương án thi nhiều môn để đảm bảo việc học toàn diện, đảm bảo yêu cầu giáo dục toàn diện ở cấp học dưới, điều đó cũng được Sở yêu cầu thông qua phương án tuyển sinh cũ. Đó là học sinh được cộng điểm quy đổi, điểm rèn luyện 4 năm. Bởi thực tế, muốn đạt học sinh giỏi, các em phải nỗ lực học đều hết các môn. Nếu các thầy cô dạy học nghiêm túc, không có chuyện làm đẹp học bạ thì hình thức dùng điểm tổng kết các năm để quy đổi tính điểm xét tuyển khi học sinh thi vào lớp 10 cũng là một cách để học sinh học toàn diện, chứ không nhất thiết phải thi mới học đầy đủ.
Khi chúng ta đã đưa ra các bài thi, rất khó để giảm được việc dạy thêm, học thêm. Vì có thi sẽ có ôn thi. Nếu học ở trường chưa đủ, trong khi yêu cầu cạnh tranh rất lớn, chắc chắn sẽ dẫn đến việc luyện thi. Điều này chỉ gây ra áp lực lớn cho học sinh, phụ huynh, khiến các em căng thẳng và vất vả hơn, thầy giáo này nhấn mạnh.
Có thể nói, nhiều ý kiến cho rằng, sẽ khó có phương án nào tối ưu, tuy nhiên khi mà theo chương trình giáo dục phổ thông mới, ngành Giáo dục đang chủ trương giảm tải và học theo năng lực thay vì học thụ động trước đây thì việc thi vào lớp 10 quá nhiều môn và quá căng thẳng có cần thiết hay không?
Và đến nay, khi năm học mới đã chính thức bắt đầu, thầy trò học sinh lớp 9 vẫn chưa biết phương án chính thức để ôn thi, cũng chưa biết đề thi minh họa theo phương án mới sẽ ra sao? Đa số thầy cô cho rằng, thầy vất vả chút không sao, chỉ thương trò thêm áp lực, căng thẳng. Với những phương án thi mới, thầy trò cần có tinh thần chuẩn bị từ vài năm trước, chứ không nên quá cập rập đến vậy!
Trong khi đó, Hà Nội vừa trải qua kì tuyển sinh lớp 10 vất vả của năm “dê vàng” với tỷ lệ thí sinh cơ học tăng kỉ lục. Trong khi, năm 2019, cùng với dự kiến phương án thi mới, trường lớp vẫn “đất chật, người đông”, học sinh lớp 12 ra bao nhiêu em, sẽ đón từng đó em lớp 10 vào, khi mà hàng năm chỉ có 60% học sinh có cơ hội vào trường công lập. Do đó, cùng với những thay đổi của kì tuyển sinh này, dự báo tuyển sinh lớp 10 năm 2019 sẽ vẫn là cuộc đua nghẹt thở, khốc liệt…