Hà Nội: Khó khăn trong công tác vay vốn, hỗ trợ việc làm cho người sau cai nghiện

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đa số người sau cai thường xuyên vắng mặt tại nơi cư trú, vì vậy khó khăn trong công tác quản lý, hỗ trợ. Trình độ tay nghề của người sau cai chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế của các doanh nghiệp (DN), nên rất khó giới thiệu việc làm. Hơn nữa, thực tế các DN còn tâm lý e ngại không muốn nhận người sau cai nghiện ma túy vào làm việc vì sợ ảnh hưởng uy tín, hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Cơ sở cai nghiện ma túy số 5 phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tư vấn, hướng nghiệp học nghề, giới thiệu việc làm cho học viên cai nghiện. (Ảnh: H.Giang)
Cơ sở cai nghiện ma túy số 5 phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tư vấn, hướng nghiệp học nghề, giới thiệu việc làm cho học viên cai nghiện. (Ảnh: H.Giang)

Báo cáo của Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho biết, hiện nay Hà Nội đang duy trì và triển khai 595 mô hình quản lý sau cai nghiện ma túy tại 579/579 xã, phường, thị trấn. Trong đó có 449 mô hình "Tình nguyện viên giúp đỡ người sau cai hòa nhập cộng đồng"; 110 mô hình "Quản lý, giáo dục, tư vấn, giúp đỡ người cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng - Câu lạc bộ B93"; 36 mô hình "Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng".

Trong năm 2024, các điểm tư vấn trên địa bàn TP đã tiếp nhận được 787 lượt khách hàng; hỗ trợ khám bệnh tại Trạm Y tế cho 239 người; chuyển gửi đến các dịch vụ hỗ trợ 94 người...

Các Câu lạc bộ B93 đã tổ chức được 1.020 buổi sinh hoạt. Nhờ các nội dung đa dạng, phong phú, mang tính tuyên truyền giáo dục phòng, chống ma túy, các Câu lạc bộ B93 đã huy động được 3.771 lượt hội viên tham gia, qua đó giúp các hội viên nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, phòng, chống tái nghiện, tái hòa nhập cộng đồng.

Trong công tác hỗ trợ vay vốn, dạy nghề, tạo việc làm cho người sau cai nghiện ma túy, các địa phương đã hỗ trợ, vay vốn, dạy nghề, tạo việc làm cho 185/200 người, đạt 92,5% kế hoạch năm.

Lực lượng Tình nguyện viên vẫn duy trì thực hiện nhiệm vụ công tác phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm. Tổ chức giao ban định kỳ, phân công từng thành viên Đội rà soát, bám sát địa bàn được phân công theo dõi và quản lý, giúp đỡ, tiếp cận, tư vấn đối tượng nghiện, đối tượng sau cai nghiện.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, công tác vay vốn, dạy nghề, hỗ trợ tạo việc làm cho người sau cai tại các địa phương vẫn chưa được quan tâm thực hiện.

Đa số người sau cai thường xuyên vắng mặt tại nơi cư trú, vì vậy khó khăn trong công tác quản lý, hỗ trợ. Trình độ tay nghề của người sau cai chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế của các DN, cơ sở sản xuất, dịch vụ; nên rất khó giới thiệu việc làm cho người sau cai. Hơn nữa, thực tế các DN, cơ sở sản xuất, dịch vụ còn tâm lý e ngại không muốn nhận người sau cai nghiện ma túy vào làm việc vì sợ ảnh hưởng đến uy tín, hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Việc hỗ trợ cho người sau cai vay vốn để đầu tư sản xuất, dịch vụ cũng gặp nhiều khó khăn vì các tổ chức tín dụng, ngân hàng chưa có niềm tin với người sau cai, sợ không thu hồi được vốn vay. Chỉ một số ít ban ngành, đoàn thể của địa phương như: Hội Cựu Chiến binh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân… tham gia hỗ trợ cho hộ gia đình người sau cai vay vốn.

Việc thực hiện cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng còn rất hạn chế, có 25/30 địa phương chưa triển khai, thực hiện phân công, giao nhiệm vụ cho các đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng, nhiệm vụ phù hợp để cung cấp các dịch vụ cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng.

Hiện nay mới có 8 cơ sở cung cấp dịch vụ cai nghiện tại gia đình cộng đồng; hầu hết các quận, huyện, thị xã mới chỉ tập trung vào việc lập hồ sơ đưa người vào cai nghiện bắt buộc để đạt chỉ tiêu TP giao, chưa quan tâm triển khai công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng.

Một số xã, phường chưa có kinh nghiệm trong việc tổ chức, quản lý và phối hợp triển khai các hoạt động hỗ trợ mô hình quản lý sau cai nghiện ma túy dẫn đến hiệu quả triển khai thực hiện chưa cao. Trong khi đó, tình hình tệ nạn ma túy và người nghiện ma túy có nhiều diễn biến phức tạp, tình trạng người nghiện ma túy đang có xu hướng trẻ hóa.

Ngoài thuốc phiện, heroin, ma túy tổng hợp, nhóm chất kích thích dạng Amphetamine (ATS), đặc biệt là Methamphetamine (ma túy đá), cocaine, cần sa, "cỏ Mỹ" và các chất hướng thần khác đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều, gây khó khăn cho công tác phòng, chống ma túy nói chung và công tác cai nghiện ma túy nói riêng.

Vì vậy, thời gian tới, công tác dự phòng và điều trị nghiện cần có sự đổi mới nhằm giảm tác hại của nghiện ma túy, kiềm chế sự gia tăng số người nghiện mới; cũng như tập trung nguồn lực cho những hình thức cai nghiện có hiệu quả, chú trọng xã hội hóa công tác cai nghiện và tạo việc làm cho người sau cai.

Đọc thêm