Hà Nội: Không yêu cầu đăng tin trên phương tiện thông tin đại chúng để cấp lại “sổ đỏ”

(PLO) - Đó là thông tin trả lời của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) – Bộ Tư pháp cho ông Nguyễn Hữu Kiên, đại biểu HĐND huyện Từ Liêm, quận Bắc Từ Liêm nhiệm kỳ 2011-2016.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo Công văn 666/KTrVB – KGVX ngày 02/12/2016, Cục Kiểm tra VBQPPL đã nghiên cứu hồ sơ, tổ chức họp, trao đổi với đại diện cơ quan, đơn vị có liên quan về nội dung Quyết định 37/2015/QĐ-UBND. Trên cơ sở đó, Cục Kiểm tra VBQPPL đã kiến nghị (tại cuộc họp ngày 10/11/2016) và hiện nay, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP Hà Nội đang tham mưu, hoàn thiện dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định 37/2015/QĐ-UBND, trong đó sẽ xử lý triệt để những nội dung chưa phù hợp của Quyết định 37/2015/QĐ-UBND. Tuy nhiên, việc ban hành VBQPPL để sửa đổi Quyết định 37/2015/QĐ-UBND cần có thời gian nhất định. 

Do đó, để kịp thời giải quyết các trường hợp của hộ gia đình, cá nhân bị mất Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn TP Hà Nội đảm bảo quy định pháp luật hiện hành tại Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai năm 2013, ngày 02/12/2016, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Công văn số 11777/STNMT-CCQLĐĐ hướng dẫn thực hiện thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận do bị mất cho hộ gia đình, cá nhân. Trong đó, không yêu cầu gia đình, cá nhân bị mất Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải đăng tin trên phương tiện thông tin đại chúng.

Ông Nguyễn Hữu Kiên cho biết: “Tôi đánh giá rất cao sự cầu thị và vào cuộc rất khẩn trương của cơ quan Bộ Tư pháp mà cụ thể ở đây là Cục Kiểm tra VBQPPL. Văn bản của tôi gửi trực tiếp tới cả HĐND TP Hà Nội nhưng đến nay vẫn chưa hề nhận được bất cứ một phản hồi nào, trong khi đã nhận được sự phản hồi rất kịp thời từ sự vào cuộc khẩn trương của Cục Kiểm tra VBQPPL – Bộ Tư pháp. Từ đó có sự hướng dẫn sớm của cơ quan chức năng thuộc TP Hà Nội để giảm bớt sự phiền hà, chưa tuân thủ pháp luật của một VBQPPL do UBND TP Hà Nội ban hành từ năm 2015”. 

Theo ông Kiên, điều này rõ ràng cho thấy mọi công dân đều có điều kiện đóng góp vào việc hoàn thiện và xây dựng pháp luật nếu cơ quan được giao chủ trì hết sức cầu thị và nghiêm túc tiếp thu, vào cuộc. Đó là điều kiện để giúp xây dựng hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện hơn, dễ đi vào cuộc sống, từ đó cùng Chính phủ tạo dựng điều kiện cho việc xây dựng một hệ thống chính quyền liêm chính, kiến tạo và phục vụ.

Đọc thêm