Sáng 15/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị "Phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững''. Hội nghị được tổ chức trực tuyến giữa đầu cầu Trụ sở Chính phủ với Trụ sở UBND 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; lãnh đạo các hội doanh nghiệp lớn ngành Du lịch và Hàng không; các chuyên gia kinh tế, du lịch.
Khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của du lịch trong việc tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu kinh tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc. (Ảnh: Chinhphu.vn) |
Du lịch không chỉ là cầu nối giao lưu quốc tế mà còn là cơ hội để du khách hiểu biết, yêu quý và chia sẻ với đất nước, văn hóa, con người Việt Nam. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhấn mạnh rằng ngành du lịch Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là trong việc thu hút khách du lịch quốc tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu hội nghị tập trung đưa ra giải pháp đột phá, cụ thể và khả thi để thúc đẩy du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Các vấn đề quan trọng như cơ chế chính sách, huy động nguồn lực, đào tạo nguồn nhân lực, tổ chức và quản trị phát triển du lịch được đặt ra để được thảo luận và giải quyết.
Trong khi du lịch Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi, vẫn còn những thách thức như lượng khách quốc tế chưa đạt cao như mong đợi và sự cạnh tranh từ các nước trong khu vực và quốc tế. Đại diện từ các lĩnh vực khác nhau cùng đề xuất những giải pháp cụ thể để vượt qua những khó khăn này và phát triển du lịch một cách nhanh chóng và bền vững.
Tại Hội nghị Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã có bài tham luận kiến nghị, đề xuất một số nội dung cụ thể để triển khai các giải pháp hiệu quả hơn trong giai đoạn tới.
Thứ nhất, Thành phố Hà Nội kiến nghị Chính phủ xem xét sớm phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2045. Trong đó, xem xét đưa vào định hướng khu du lịch quốc gia 3 địa điểm tiềm năng của Hà Nội, gồm: khu du lịch Ba Vì, khu du lịch Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam và hồ Đồng Mô, khu di tích thắng cảnh du lịch Hương Sơn (chùa Hương) để tạo cơ sở pháp lý cho Hà Nội quy hoạch, thu hút đầu tư phát triển các khu du lịch.
“Hà Nội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan tham mưu ban hành cơ chế, chính sách (Nghị định, Thông tư) về hỗ trợ từ nguồn ngân sách Nhà nước cho các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch tại một số khu, điểm du lịch trọng điểm, các điểm du lịch cộng đồng, nông nghiệp nhằm cụ thể hóa điều 5 Luật Du lịch 2017. Qua đó, tạo hành lang pháp lý rõ ràng để các địa phương có thể chủ động xây dựng, ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển hạ tầng du lịch”, Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền đề xuất.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tham luận. (Ảnh: kinhtedothi.vn) |
Thứ hai, đại diện UBND TP Hà Nội kiến nghị với Bộ VHTT&DL nghiên cứu, xây dựng chính sách hỗ trợ về kinh tế, về thủ tục giúp doanh nghiệp lữ hành tham gia các sự kiện, hội chợ du lịch quốc tế và trong nước để mở rộng, tiếp cận được các đối tác có tiềm năng trong nước và quốc tế.
Hà Nội cũng mong muốn Bộ quan tâm, xây dựng chiến lược tổng thể về xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tại thị trường quốc tế trong đó Bộ VHTT&DL là đơn vị chủ trì, tổ chức thực hiện để định vị thương hiệu dịch vụ, du lịch Việt Nam theo hướng cao cấp, chất lượng cao, phục vụ nhóm đối tượng khách có chi tiêu cao.
Việc triển khai quyết liệt các nhóm nhiệm vụ, giải pháp, Du lịch Hà Nội đã có sự phục hồi mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả ấn tượng.
Ước tính, năm 2023 tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 24 triệu lượt, tăng 27% so với năm 2022, tăng 9,1% so với kế hoạch; trong đó có 4 triệu lượt khách quốc tế, tăng 138,1% so với năm 2022, tăng 33,3% so với kế hoạch, chiếm 1/3 tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Khách du lịch nội địa đạt 20 triệu lượt, tăng 16% so với năm 2022, tăng 5% so với kế hoạch. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 85,7 nghìn tỷ đồng, tăng 43% so với năm 2022, tăng 13,95% so với kế hoạch.
Thành phố Hà Nội tiếp tục được các tổ chức quốc tế vinh danh các giải thưởng quan trọng như giải thưởng Điểm đến Thành phố hàng đầu thế giới năm 2022; giải thưởng Điểm đến Thành phố Golf tốt nhất thế giới năm 2023.