Hà Nội: Phấn đấu có 90,1% dân số tham gia BHYT vào năm 2020

(PLO) - Vừa qua, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 186/KH-UBND thực hiện Quyết định 1167/QĐ-TTg ngày 28/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016 – 2020.
Ảnh minh họa nguồn Internet

Theo đó, UBND Thành phố đặt chỉ tiêp phấn đấu năm 2016 là 80%, năm 2017 là 82,8%, năm 2018 là 85,3%, năm 2019 là 88,2% và đến năm 2020: 90,1% dân số tham gia BHYT. UBND Thành phố yêu cầu các Sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các quận, huyện, thị xã xác định rõ nhiệm vụ và nâng cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ bao phủ BHYT giai đoạn 2016-2020. Cấp ủy, chính quyền các cấp yêu cầu cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vận động gia đình gương mẫu tham gia BHYT theo quy định của pháp luật. Để thực hiện được chỉ tiêu bao phủ BHYT đến năm 2020, UBND Thành phố Hà Nội đề ra 04 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu.

Thứ nhất:  tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu tại Kế hoạch số 176/KH-UBND ngày 15/9/2015 của UBND Thành phố thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 02/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn thành phố Hà Nội và Kế hoạch số 104/KH-UBND ngày 19/5/2014 của UBND Thành phố thực hiện Quyết định số 538/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020.

Thứ hai:  cấp ủy, chính quyền các cấp xác định việc thực hiện chỉ tiêu tỷ lệ bao phủ BHYT giai đoạn 2016-2020 là một nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện chính sách an sinh xã hội, đảm bảo sức khỏe nhân dân, góp phần thực hiện mục tiêu tiến bộ và công bằng xã hội.

  Thứ ba, đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật về BHYT, cung cấp đầy đủ thông tin, cách thức tham gia cho người sử dụng lao động, người lao động và người dân hiểu rõ hơn về mục đích, ý nghĩa, quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia BHYT để họ tích cực chủ động tham gia. Kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiên tiến trên các phương tiện thông tin để tạo sức lan tỏa mạnh mẽ nhằm thực hiện hiệu quả chính sách BHYT.

  Thứ tư, tăng tỷ lệ bao phủ BHYT tập trung vào các nhóm đối tượng: Nhóm người lao động trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể...; tăng cường các biện pháp bắt buộc chủ sử dụng lao động thực hiện trách nhiệm đóng BHXH, BHYT cho người lao động đúng quy định pháp luật; Nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình; Nhóm được ngân sách hỗ trợ mức đóng.

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh BHYT trên địa bàn, bảo đảm sự hài lòng của người bệnh. Tổ chức, quản lý tốt việc khám bệnh, chữa bệnh BHYT và đảm bảo đầy đủ quyền lợi hợp pháp của người tham gia BHYT. Đồng thời, tăng cường và thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, ngăn ngừa và xử lý nghiêm các biểu hiện lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT.

  Ngoài ra, UBND Thành phố Hà Nội giao Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh tổ chức tốt việc khám bệnh, chữa bệnh BHYT; thực hiện kết nối, liên thông, cung cấp đầy đủ thông tin phục vụ giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT trên hệ thống mạng điện tử toàn quốc; bảo đảm cung ứng dịch vụ y tế có chất lượng, nhất là y tế tuyến cơ sở; nâng cao tinh thần, thái độ, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, nhân viên ngành y tế để bảo đảm chất lượng phục vụ và sự hài lòng của người bệnh. Kiên quyết xử lý những trường hợp thiếu tinh thần trách nhiệm, gây phiền hà cho người bệnh để vụ lợi cá nhân.

Theo đó đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và tổ chức khám bệnh, chữa bệnh BHYT, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa các cơ sở y tế và cơ quan BHXH và các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn Thành phố. Chủ trì, phối hợp Sở Tài chính, BHXH thành phố Hà Nội đề xuất việc nâng mức hỗ trợ đóng BHYT cho hộ cận nghèo, hộ nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình, học sinh, sinh viên và nhóm đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình theo nguyên tắc giảm dần việc cấp kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước cho các cơ sở khám, chữa bệnh sang hỗ trợ mua thẻ BHYT khi thực hiện cơ chế tính đúng, tính đủ giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Đọc thêm