Hà Nội thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, giữ vững sự phát triển ổn định

(PLVN) - Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chỉ đạo TP Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn hệ thống chính trị, phát huy tinh thần đoàn kết, vào cuộc thực chất, chủ động, quyết liệt nhất, huy động mọi nguồn lực, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, giữ vững sự phát triển ổn định của TP.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Cổng GTĐT Hà Nội.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Cổng GTĐT Hà Nội.

Sáng 11/10, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU, ngày 4/7/2017, (Nghị quyết 15) và 6 năm thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TU, ngày 16/12/2016, (Chỉ thị 15) của Ban Thường vụ Thành ủy. Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Trưởng Ban chỉ đạo TP thực hiện Nghị quyết 15 và Chỉ thị 15, chủ trì hội nghị.

Nghị quyết số 15-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy có nội dung về “Xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc TP”; còn Chỉ thị số 15-CT/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn TP Hà Nội”.

Chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở đảng bước chuyển biến tích cực

Báo cáo kết quả năm năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU tại Hội nghị, Phó Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Nguyễn Hồng Nhật cho biết, từ khi ban hành đến nay, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chỉ đạo TP Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn hệ thống chính trị, phát huy tinh thần đoàn kết, vào cuộc thực chất, chủ động, quyết liệt nhất, huy động mọi nguồn lực, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, giữ vững sự phát triển ổn định của TP.

Trong đó, các cấp ủy đảng đã chủ động hơn trong việc rà soát, sớm nhận diện những tổ chức cơ sở đảng có biểu hiện yếu kém hoặc có vấn đề cần quan tâm, xây dựng đề án, kế hoạch để kịp thời củng cố, giải quyết.

Nhờ vậy, chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở đảng trong toàn Đảng bộ TP đã có bước chuyển biến tích cực, nhất là tại xã, phường, thị trấn.

Phân tích, so sánh số liệu kết quả đánh giá, xếp loại tổ chức cơ sở đảng và đảng viên trong toàn TP cho thấy, việc đánh giá, xếp loại tổ chức cơ sở đảng và đảng viên đã đi vào chiều sâu và thực chất hơn.

Từ năm 2017 đến nay, các cấp ủy đảng đã tiến hành kiểm tra đối với 10.445 tổ chức đảng và 3.870 đảng viên, giám sát đối với 5.501 tổ chức đảng và 2.776 đảng viên theo Điều 30 Điều lệ Đảng.

Hệ thống Ủy ban Kiểm tra các cấp trong Đảng bộ TP Hà Nội đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 615 tổ chức Đảng và 1.851 đảng viên, kết luận 388 tổ chức đảng (chiếm 63%) và 1.374 đảng viên (chiếm 74% có vi phạm), phải thi hành kỷ luật 25 tổ chức đảng và 824 đảng viên…

Theo Phó Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Nguyễn Hồng Nhật, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU, toàn TP đã củng cố được 251/277 tổ chức cơ sở đảng trong danh sách Ban Chỉ đạo TP theo dõi và 90/102 tổ chức cơ sở đảng diện Ban Chỉ đạo cấp huyện theo dõi.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hồng Nhật cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU.

Thời gian tới, Ban Chỉ đạo TP thực hiện Nghị quyết 15 và Chỉ thị 15 cho biết sẽ triển khai 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó có tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; kết hợp kiểm tra, giám sát thường xuyên với kiểm tra, giám sát theo chuyên đề…

Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo có những chuyển biến rõ nét

Về kết quả 6 năm thực hiện Chỉ thị 15 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, trình bày báo cáo tại hội nghị, Phó Trưởng Ban Nội chính Thành ủy Hà Nội Trần Văn Khảm cho biết, việc triển khai Chỉ thị 15-CT/TU của Thành ủy Hà Nội đã được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền từ TP đến cơ sở.

Nhờ đó, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo trên địa bàn TP đã có những chuyển biến rõ nét. Công tác tiếp công dân gắn với giải quyết khiếu nại tố cáo, nhiều vụ việc được giải quyết dứt điểm ngay từ cơ sở.

Ý thức, trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong chỉ đạo, điều hành, xem xét, giải quyết khiếu nại tố cáo, nhất là các vụ việc phức tạp, đông người được nâng lên.

Tuy nhiên, trong bối cảnh TP Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa mạnh, triển khai nhiều dự án phát triển kinh tế - xã hội, so với 6 năm trước khi Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chỉ thị 15-CT/TU, tình hình khiếu nại tố cáo trên địa bàn TP vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, số đoàn đông người chưa có chiều hướng giảm, nội dung khiếu nại tố cáo tập trung vào lĩnh vực thu hồi đất, giải phóng mặt bằng các dự án, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển đổi mô hình quản lý chợ… với tính chất, mức độ khá gay gắt.

Trong thời gian tới, các đơn vị thống nhất cao quan điểm cần tiếp tục thực hiện Chỉ thị 15-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội với 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.

Trong đó, Ban cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo giải quyết kịp thời dứt điểm các vụ việc khiếu kiện tập trung đông người, các vụ việc khiếu nại tố cáo phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn TP.

Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, tiếp công dân, kết nối, chia sẻ dữ liệu thông tin để nâng cao chất lượng, tiến độ điều hành, xử lý nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân.

Tại hội nghị, đại diện các quận, huyện Ba Vì, Mỹ Đức, Thạch Thất, Mê Linh, Chương Mỹ… đã chia sẻ làm rõ thêm các kết quả trong thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU và Chỉ thị 15-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy.

Tăng cường tính dự báo về các vấn đề phức tạp để có cách giải quyết phù hợp

Phát biểu kết luận Hội nghị, điểm lại những kết quả nổi bật từ khi triển khai Nghị quyết 15-NQ/TU và Chỉ thị 15-CT/TU đến nay, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, thành công lớn là TP đã đẩy mạnh xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh, củng cố cơ sở đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc TP.

“Với sự vào cuộc của Ban Chỉ đạo các quận, huyện, thị xã và cấp ủy chính quyền các cấp nên chúng ta đã tổ chức thành công nhiều sự kiện quan trọng như Đại hội Đảng các cấp, bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, cuộc chiến chống đại dịch COVID-19… với sự đồng thuận của xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân”, ông Nguyễn Văn Phong khẳng định.

Tuy vậy, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như nhận thức của người đứng đầu cấp ủy và một số cấp ủy về Nghị quyết 15-NQ/TU và Chỉ thị 15-CT/TU còn hạn chế; chưa chủ động giải quyết các vấn đề của cơ sở; tính dự báo còn chưa cao.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong và Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TP Vũ Đức Bảo khen thưởng các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết 15 của Thành ủy Hà Nội.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong và Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TP Vũ Đức Bảo khen thưởng các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết 15 của Thành ủy Hà Nội.

Trong thời gian tới, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đề nghị các đơn vị, địa phương cần tăng cường tính dự báo về các vấn đề phức tạp xảy ra trên địa bàn để có cách tiếp cận và giải quyết phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Đồng thời, đẩy mạnh phối hợp giữa các đơn vị quận, huyện với các sở, ban, ngành của TP để giải quyết hiệu quả những vấn đề phát sinh.

Ông Nguyễn Văn Phong cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU và Chỉ thị 15-CT/TU cần được bổ sung các yêu cầu mới của Trung ương và TP cho phù hợp với thực tiễn, đặc biệt liên quan đến công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ; ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý đảng viên...

Phó Bí thư Hà Nội nêu rõ, các địa phương phải chủ động, không chủ quan khi triển khai thực hiện, tập trung xử lý các vấn đề "nóng" ngay từ cơ sở. Khi có các vụ việc phức tạp xảy ra tại cơ sở, cần chú trọng công tác truyền thông để định hướng dư luận, trong đó, chủ động phối hợp với Ban Tuyên giáo các cấp và các cơ quan báo chí của TP; quan tâm dự báo được các vấn đề lớn của TP tác động đến người dân.

Cùng với đó, cần đẩy mạnh công tác phổ biến giáo dục pháp luật, đặc biệt những nơi có thể phát sinh "điểm nóng" để người dân hiểu và chấp hành; củng cố năng lực lãnh đạo của đội ngũ cán bộ cơ sở.

Tại hội nghị, Ban Tổ chức đã trao Bằng khen của Thành ủy Hà Nội cho 40 tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong 5 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU và 6 năm thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội.

Đọc thêm