Chương trình nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Anh. Giúp học viên hiểu và sử dụng thành thạo các chiến lược trong giảng dạy các kỹ năng và vận dụng lý thuyết, thực hành thông qua các module để vận dụng vào thực tế giảng dạy Tiếng Anh.
Chương trình bồi dưỡng thực hiện trong 14 ngày tại nước ngoài, đối tượng là viên chức giáo viên cấp tiểu học, trong học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên - chuyên nghiệp đạt IELTS từ 6,5 trở lên.
Nội dung Chương trình gồm 4 phần: Bồi dưỡng, nâng cao ứng dụng CNTT trong giảng dạy kỹ năng Đọc; Bồi dưỡng, nâng cao ứng dụng CNTT trong giảng dạy kỹ năng Viết, Bồi dưỡng, nâng cao ứng dụng CNTT trong giảng dạy kỹ năng Nghe; Bồi dưỡng, nâng cao ứng dụng CNTT trong giảng dạy kỹ năng Nói.
UBND Thành phố giao Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý và sử dụng chương trình theo quy định, chịu trách nhiệm báo cáo UBND Thành phố và cơ quan có thẩm quyền khi tổ chức các lớp bồi dưỡng tại nước ngoài theo quy định về đào tạo, bồi dưỡng tại nước ngoài và các quy định khác có liên quan.
Năm 2022, Hà Nội cũng đã triển khai chương trình này. Theo đó, 199 giáo viên (gồm 15 giáo viên tiểu học, 132 giáo viên THCS và 52 giáo viên THPT) tham gia chương trình bồi dưỡng ngắn hạn tại Úc.
Như Pháp luật Việt Nam đã thông tin, trước đó tháng 3/2023, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc dự kiến tổ chức đưa 39 giáo viên tiếng Anh bậc THPT đã đạt năng lực IELTS từ 7.0 trở lên, đi bồi dưỡng phương pháp trong khóa học 4 tuần tại Úc.
Đây là một trong những nội dung được đề ra trong kế hoạch thực hiện “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025” năm 2023. Nếu kế hoạch được triển khai như đã đề ra, đây sẽ là lần đầu tiên giáo viên tiếng Anh của tỉnh được đi học tập bồi dưỡng tại nước ngoài bằng nguồn ngân sách nhà nước.