Ví dụ như vi bằng của Văn phòng TPL Ba Đình đã được nhiều Tòa án sử dụng làm chứng cứ trong các vụ việc giải quyết tranh chấp dân sự hoặc dùng làm căn cứ để chia tài sản sau ly hôn… Ngoài ra, nhiều vi bằng của Văn phòng TPL Ba Đình cũng được các cá nhân, tổ chức dùng trong các quan hệ dân sự, hành chính như việc cam kết, thỏa thuận thuê, mượn trụ sở và việc này đã được Sở Tư pháp TP Hà Nội chấp thuận làm căn cứ để cấp Giấy đăng ký hoạt động cho các tổ chức hành nghề công chứng, luật sư, trung tâm tư vấn pháp luật…
Vi bằng do Văn phòng TPL Hai Bà Trưng lập cũng đã được rất nhiều Tòa án các cấp xem xét sử dụng để giải quyết các vụ án theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, hành chính; các cơ quan hành chính nhà nước sử dụng trong các quan hệ dân sự, hành chính. Tính từ năm 2014 đến nay, số lượng vi bằng của Văn phòng TPL Hai Bà Trưng được sử dụng trong các quan hệ nêu trên là 195 vi bằng. Trong đó, số lượng vi bằng mà cơ quan hành chính nhà nước sử dụng như UBND xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội (là cơ quan yêu cầu lập vi bằng) sử dụng 55 vi bằng liên quan đến việc giải phóng mặt bằng; UBND xã Liên Châu, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội yêu cầu lập 24 vi bằng liên quan đến việc tự nguyện hiến đất của người dân.
Ngoài những vi bằng nêu trên, nhiều vi bằng của Văn phòng TPL Hai Bà Trưng cũng được các cơ quan Tòa án, các luật sư, ngân hàng sử dụng hiệu quả trong giải quyết tranh chấp thuộc phạm vi, thẩm quyền của mình. Trong đó, điển hình là vi bằng đã được TAND quận Cầu Giấy sử dụng trong xét xử vụ tranh chấp trong việc lập di chúc giả mạo, đã giúp nguyên đơn thắng kiện và nhận lại quyền sử dụng đất thuộc quyền và lợi ích chính đáng của mình…
Theo thống kê của Sở Tư pháp TP Hà Nội, từ ngày 1/1/2017 đến hết ngày 30/9/2017, 8 văn phòng TPL tại Hà Nội đã lập được 3.996 vi bằng, doanh thu từ việc lập vi bằng đạt gần 8,7 tỷ đồng. Đây là con số tăng so với cùng kỳ năm 2016 cả về số lượng và doanh thu, cụ thể: năm 2016, tính đến ngày 31/10/2016, các văn phòng TPL trên địa bàn TP Hà Nội lập được 2.308 vi bằng, đạt doanh thu hơn 7,2 tỷ đồng.
Nội dung vi bằng lập trên địa bàn Thủ đô rất phong phú, đa dạng, thuộc nhiều lĩnh vực trong xã hội. Tuy nhiên, các văn phòng TPL trong thời gian hoạt động ổn định gần đây đều có nguồn việc được khai thác như thế mạnh riêng của mình. Có văn phòng TPL gần như phần lớn vi bằng liên quan đến tài sản là đất đai như lập vi bằng về thỏa thuận các điều kiện trước khi tiến hành mua bán, tặng cho hoặc ghi nhận việc giao nhận tiền, giao nhận giấy tờ sau mua bán…; có văn phòng TPL thì chủ yếu nội dung vi bằng liên quan đến việc thu hồi nợ của ngân hàng như lập vi bằng về việc thu giữ tài sản đảm bảo (lập vi bằng sự kiện, hành vi tiến hành thu giữ, niêm phong tài sản đảm bảo theo yêu cầu của ngân hàng); có văn phòng thì phần nhiều vi bằng thực hiện liên quan đến nội dung vi phạm sở hữu trí tuệ, sở hữu bản quyền…
Qua nội dung phong phú của các lĩnh vực trong đời sống xã hội mà TPL đã lập vi bằng có thể thấy thực tế việc lập vi bằng của TPL trên địa bàn là nhu cầu chính đáng, thiết yếu của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và việc lập vi bằng của TPL là hết sức cần thiết trong đời sống xã hội hiện nay.
Tuy nhiên, Phó Trưởng phòng Quản lý các hoạt động bổ trợ tư pháp (Sở Tư pháp TP Hà Nội) Nguyễn Xuân Quỳnh cho biết, quy định về giá trị pháp lý của vi bằng theo quy định hiện hành chưa rõ ràng. Theo đó, Điều 28 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định: “Vi bằng có giá trị chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ án; Vi bằng là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác theo quy định của pháp luật”. Song cũng có trường hợp người yêu cầu lập vi bằng không thể sử dụng được vi bằng đã lập do pháp luật chưa nêu rõ vi bằng được dùng trong những trường hợp nào, tại đâu, giá trị sử dụng đến đâu…
Ngoài ra, thực tế một số vụ việc hình sự lại có những việc liên quan đến dân sự như lập vi bằng về sự kiện, hành vi tranh chấp trong xây dựng mà trong khi lập vi bằng các bên có thể xô xát, đánh nhau dẫn đến chết người. Trên cơ sở này, ông Quỳnh đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu bổ sung thêm nội dung vi bằng có thể được sử dụng làm chứng cứ trong việc giải quyết xét xử các vụ án hình sự.