Giảm nghèo bền vững tại vùng núi Thừa Thiên Huế

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hai huyện miền núi A Lưới và Nam Đông (tỉnh Thừa Thiên Huế) đã có nhiều đổi thay rõ rệt, trên từng con đường, nhà cửa và các công trình phục vụ dân sinh.
Nhiều công trình dân sinh đã và đang được đầu tư xây dựng ở các huyện miền núi Thừa Thiên Huế.
Nhiều công trình dân sinh đã và đang được đầu tư xây dựng ở các huyện miền núi Thừa Thiên Huế.

Là một trong những xã có tỷ lệ hộ nghèo cao hơn so với mặt bằng chung của huyện A Lưới, Hồng Thượng có phần lớn người dân sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Ông Lê Quang Vinh, Chủ tịch UBND xã Hồng Thượng cho biết, địa phương đã huy động, sử dụng tốt các nguồn lực hỗ trợ cho giảm nghèo, chú trọng xây dựng kết cấu hạ tầng, lồng ghép hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững với chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Cụ thể, năm 2022 tỷ lệ hộ nghèo chiếm 35,04% đến nay giảm còn 13,83%, đã giảm được 168 hộ nghèo (bình quân giảm 7,07% hộ nghèo/năm), thu nhập bình quân đầu người đạt 30,41 triệu đồng/người/năm. Ngoài ra, xã còn triển khai chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo khó khăn và chương trình cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân.

Theo UBND huyện A Lưới, đến nay công tác giảm nghèo ở địa phương đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, bảo đảm điều kiện thoát khỏi tình trạng nghèo trong năm 2024. Tỷ lệ hộ nghèo huyện A Lưới giảm từ 49,98% năm 2021 xuống còn 24,3% cuối năm 2023, bình quân hàng năm giảm 8,56%, vượt chỉ tiêu theo Quyết định số 90 của Thủ tướng Chính phủ đề ra (hàng năm giảm từ 4 - 5%).

Không chỉ thoát nghèo, huyện A Lưới phấn đấu không để tái nghèo và từng bước nâng cao đời sống Nhân dân. Đến nay, nhiều mô hình sinh kế của các hộ gia đình đã có những chuyển biến đáng kể. Đơn cử như trường hợp vợ chồng chị Hồ Thị Ngam (37 tuổi, thôn A Tia, xã Hồng Kim) là hộ nghèo từ năm 2005 đến năm 2021, cả 2 vợ chồng không có công việc ổn định. Năm 2018, được vay vốn 50 triệu đồng để phát triển kinh tế, vợ chồng chị Ngam đã thoát khỏi hộ nghèo, vươn lên là một trong những tấm gương sáng về làm kinh tế trong xã. Trừ các khoản chi phí, mỗi năm, chị thu lời từ vườn chuối khoảng 60 triệu đồng; còn bò và dê, mỗi năm lãi khoảng 10 triệu đồng.

Tương tự, tại huyện Nam Đông, nhờ triển khai có hiệu quả công tác giảm nghèo bằng sự lồng ghép đầu tư, hỗ trợ của các chương trình dự án, bộ mặt nông thôn khởi sắc, gần 100% đường sá ở huyện được bê tông hóa, khoảng cách giàu nghèo giữa các xã đã được rút ngắn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên. Ông Trần Quốc Phụng, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho biết, đến cuối năm 2023, tổng tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022 - 2025 của huyện giảm từ 5,3% xuống còn 2,62% (chỉ tiêu giao còn 3,2%) và không có phát sinh tái nghèo.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, nhờ sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, địa phương và toàn xã hội trong thực hiện công tác giảm nghèo đã góp phần cải thiện và nâng cao điều kiện sống của người dân. Để công tác giảm nghèo bền vững đạt hiệu quả cao, tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ các chính sách giảm nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản; hỗ trợ vốn sản xuất, nhà ở cho hộ nghèo. Đồng thời, khuyến khích và mở rộng hoạt động tạo việc làm cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người dân trên địa bàn thông qua các dự án, tiểu dự án thuộc chương trình MTQG, nhất là các dự án đa dạng hóa sinh kế, mô hình giảm nghèo và dự án hỗ trợ phát triển sản xuất.

Tại Hội nghị sơ kết sau 3 năm triển khai thực hiện chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, cách làm giảm nghèo của Thừa Thiên Huế là cách làm ấn tượng. Đồng thời, đề nghị tỉnh tiếp tục chú trọng các giải pháp để làm tốt công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giải quyết đất, vốn sản xuất và có chính sách đặc thù đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo có thành viên là người không có khả năng lao động cũng như các đối tượng yếu thế khác.

Đọc thêm