Đối tượng được hỗ trợ là 25 cơ sở chăn nuôi nái ngoại quy mô 300 con trở lên thuộc các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình và các công ty trách nhiệm hữu hạn quy mô nhỏ. 25 cơ sở chăn nuôi này sẽ được hỗ trợ về tiền điện, hóa chất tiêu độc khử trùng, vắcxin tiêm phòng dịch lở mồm long móng, dịch tả, tụ huyết trùng và dịch tai xanh.
Cơ sở chăn nuôi lợn nái quy mô từ 300 con đến dưới 500 con sẽ được hỗ trợ 100% chi phí tiền điện từ tháng 5 đến tháng 10/2017 (6 tháng), tối đa không quá 240 triệu đồng/cơ sở. Cơ sở chăn nuôi lợn nái quy mô 500 con trở lên hỗ trợ 100% chi phí tiền điện từ tháng 5 đến tháng 10/2017 (6 tháng) tối đa không quá 360 triệu đồng/cơ sở.
Ngoài ra, các cơ sở được hỗ trợ hóa chất tiêu độc khử trùng từ tháng 5 đến tháng 10/2017, tối đa không quá 240 lít/cơ sở. Đối với vắcxin tiêm phòng dịch lở mồm long móng, dịch tả, tụ huyết trùng và dịch tai xanh, sẽ hỗ trợ 1 liều/cơ sở đối với mỗi loại vắcxin.
Hình thức hỗ trợ, đối với hỗ trợ tiền điện sẽ cấp hỗ trợ qua ngân sách cấp huyện để Ủy ban Nhân dân huyện tổ chức thực hiện. Hóa chất, vắcxin sẽ cấp qua Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh để tổ chức thực hiện.
Theo báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh, trên địa bàn tỉnh hiện có 37 cơ sở chăn nuôi lợn nái ngoại, với quy mô 300 con nái trở lên, trong đó, 2 cơ sở chăn nuôi gia công với Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, 5 cơ sở chăn nuôi gia công với các công ty thành viên của Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh, 5 cơ sở thuộc các công ty thành viên của Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh và 25 cơ sở thuộc các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình và các công ty trách nhiệm hữu hạn quy mô nhỏ.
Những tháng đầu năm 2017, thị trường tiêu thụ lợn thịt khó khăn, giá lợn hơi xuất chuồng giảm thấp, các cơ sở chăn nuôi lợn thịt cắt giảm quy mô hoặc không tiếp tục thả nuôi. Do đó, các cơ sở chăn nuôi lợn nái không bán được lợn giống thương phẩm, rơi vào tình trạng khó khăn, thua lỗ.