Những giải pháp trước mắt
Trong ngày 10/5, đại diện đơn vị bộ đội Sư đoàn 395 – đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn thị xã Quảng Yên, đã tới thu mua lợn thịt tại Trang trại chăn nuôi lợn tập trung Thái Lành ở khu 12, phường Hà An. Trong đợt hỗ trợ này, Sư đoàn 395 tiến hành mua 2 tấn thịt lợn cho trang trại, nhằm giúp đỡ cơ sở trong công tác tiêu thụ sản phẩm.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh, đợt giảm giá lợn lần này đã kéo dài liên tục đến nay là hơn 7 tháng và giảm ở mức sâu. Cụ thể giá lợn hơi trung bình từ trên dưới 50.000 đồng/kg, nay giảm mạnh xuống còn trên dưới 30.000 đồng/kg, thấp hơn giá thành chăn nuôi, gây thua thiệt lớn cho người chăn nuôi. Tình trạng này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tiêu thụ thịt lợn và tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
Xảy ra tình trạng thịt lợn tồn đọng có nhiều nguyên nhân, chủ yếu do thời điểm đầu và giữa năm 2016, giá lợn hơi lên cao 56.000-58.000 đồng/kg, người chăn nuôi có lãi nên đã ồ ạt tăng đàn. Chất lượng con giống được nâng lên, kỹ thuật chăn nuôi được cải tiến, thời gian nuôi thịt giảm, dịch bệnh nguy hiểm như tai xanh, lở mồm long móng và các bệnh thông thường được kiểm soát. Hiện nay thị trường Trung Quốc hạn chế nhập khẩu, lượng thịt lợn cung vượt quá nhu cầu tiêu dùng trong nước dẫn đến giá thịt lợn giảm mạnh và tồn đọng chưa tiêu thụ được.
Hiện nay tổng đàn lợn của tỉnh là gần 420.000 con, trong đó tập trung chủ yếu ở các địa phương: Đông Triều (trên 16.000 con), Cẩm Phả (13.000 con), Hạ Long (4.200 con), Quảng Yên (1.500 con). Lượng lợn thương phẩm (trọng lượng từ 80kg - 120kg/con, đạt tiêu chuẩn xuất chuồng) dao động trong khoảng 10% tổng đàn. Đến thời điểm này toàn tỉnh còn gần 40.000 con lợn thương phẩm với trọng lượng gần 3.900 tấn chưa tiêu thụ được. Trong đó lượng lợn thương phẩm tồn đọng tại các mô hình chăn nuôi quy mô lớn hơn 50 con/đơn vị là 14.600 con, trọng lượng gần 1.400 tấn, số còn lại là lợn nuôi trong các mô hình nhỏ lẻ trong dân.
Trước tình hình lợn thịt giảm giá sâu, ảnh hưởng nặng nề tới người chăn nuôi, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có những chỉ đạo cụ thể về việc hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thịt lợn và một số giải pháp ổn định phát triển chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh tại Văn bản số 3013/UBND-NLN3. Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan khẩn trương làm việc cụ thể với các doanh nghiệp, cơ quan, các hộ tiêu thụ lớn về thịt để đẩy mạnh tiêu thụ, sử dụng sản phẩm thịt lợn nhằm chia sẻ bớt khó khăn với người chăn nuôi. Đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp trên địa bàn với tinh thần trách nhiệm và tình cảm cao nhất, cần chung tay tháo gỡ khó khăn cho các hộ chăn nuôi lợn và tăng cường tiêu thụ thịt lợn trên địa bàn.
Gặp khủng hoảng, nghĩ chuyện phát triển bền vững
Ông Nguyễn Đình Thịnh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam cho biết: "Nhằm chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, chúng tôi sẽ đẩy mạnh tuyên truyền cho cán bộ công nhân viên hiểu được tình hình tiêu thụ thịt lợn hiện nay đang gặp nhiều khó khăn. Khi giá cả thịt lợn đi xuống thấp thì chúng tôi sẽ đàm phán với nhà cung cấp để tăng cường khẩu phần thịt lợn, đó là nếu như trước đây ăn 2 lạng 1 bữa thì bây giờ có thể tăng lên. Cùng với đó, Tập đoàn sẽ đàm phán với nhà cung cấp nhằm tiêu thụ thịt lợn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh để giúp cho người nông dân trong thời điểm khó khăn trước mắt".
Ngành chăn nuôi lợn cả nước cần rút ra bài học sau cuộc khủng hoảng giá lợn hơi năm 2015 |
Các đơn vị đang cung cấp sản phẩm thịt lợn cho người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh như Big C, Metro, Vinmart cũng đã khẳng định rõ quan điểm sẵn sàng chia sẻ với người chăn nuôi trong việc tích cực tiêu thụ thịt lợn ngay tại thị trường Quảng Ninh. Đồng thời đề nghị tỉnh thống nhất mức giá để các đơn vị, doanh nghiệp này tập trung hỗ trợ tiêu thụ nội địa.
Theo ông Khúc Tiến Hà, Giám đốc Siêu thị Big C Hạ Long: "Hiện nay toàn bộ thịt lợn bán tại Siêu thị Big C đều lấy tại địa bàn Quảng Ninh. Ngay từ ngày 27-4, Siêu thị Big C đã đồng loạt giảm giá 20% tất cả các loại sản phẩm giá bán thịt lợn tại Siêu thị. Để thúc đẩy hơn nữa doanh số bán ngành hàng thịt lợn, ngoài việc bám sát giá thị trường, chủ động hơn trong việc điều chỉnh giá, chúng tôi luôn tích cực tổ chức các hoạt động thúc đẩy kích cầu khách hàng như tăng thêm sản phẩm liên quan đến thịt lợn hoặc giới thiệu các món ăn liên quan đến thịt lợn để giúp bà con mua nhiều hơn".
Mặt khác, theo ông Nguyễn Hữu Giang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện Sở đã tổng hợp ý kiến đề xuất của các hộ chăn nuôi, chế biến và tiêu thụ sản phẩm thịt lợn để nắm rõ thực trạng và nắm bắt các điểm khó, qua đó tập trung tháo gỡ, hỗ trợ. Sở cũng đã làm việc với các đơn vị giết mổ để đề nghị các đơn vị này ưu tiên thu mua, giết mổ lợn thương phẩm cho các hộ nuôi; làm việc với các đơn vị tiêu thụ sản phẩm lớn trên địa bàn về ưu tiên sử dụng sản phẩm lợn cho các hộ giết mổ từ nguồn lợn thương phẩm của tỉnh.
Tại cuộc họp gần đây nhất về thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ lợn thịt trên địa bàn tỉnh, ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh đã kêu gọi các đơn vị, doanh nghiệp, siêu thị, khu công nghiệp. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý thị trường, giảm khâu trung gian, quản lý tốt giá cả, tạo thuận lợi cho người chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại có phương án hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng, khoanh nợ, gia hạn nợ để hỗ trợ cho các hộ vay vốn trong chăn nuôi lợn, đặc biệt là các hộ chăn nuôi quy mô lớn.
Tuy nhiên, ông Hậu cũng nhấn mạnh: Tất cả các biện pháp hỗ trợ trên chỉ mang tính chất tạm thời, việc cần thiết trong thời gian tới là ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phối hợp cùng với Sở Công thương nhằm đưa ra kế hoạch sau đợt khủng hoảng thừa thịt lợn này để có định hướng cân bằng cung cầu về sau.