Bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong quí 1 năm 2020, tỉnh Hà Tĩnh có 35 doanh nghiệp phải giải thể, 26 doanh nghiệp đang hoàn tất thủ tục để giải thể, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2019. Toàn tỉnh có 152 doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất kinh doanh, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Các tuyến giao thông nội tỉnh gần như ngừng trệ.
Số lượng lao động làm việc trong các doanh nghiệp giảm 7,8%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 6%. Doanh thu hoạt động du lịch giảm 38,3%. Chỉ số tăng trưởng công nghiệp giảm 3,08%. Tổng kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2020 giảm 41,66%, thu nộp ngân sách giảm 39,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt 13,5% chỉ tiêu dự toán. Giải ngân vốn đầu tư công 3 tháng đầu năm ước đạt 932,12 tỷ đồng , giảm 3% so với 3 tháng đầu năm 2019.
Từ ngày 30/4, Hà Tĩnh chuyển sang trạng thái bình thường mới, vừa chống dịch Covid-19 vừa tập trung thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phục hồi nền kinh tế. Tỉnh cụ thể hóa Chỉ thị 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu và cấp bách đối với các cấp, các ngành, địa phương. Các địa phương đều có phương án phục hồi, phát triển kinh tế. Các ngành đồng hành cùng doanh nhiệp tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo thuận lợi hết mức để doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.
|
Các tổ chức tín dụng trong tỉnh đồng hành cùng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. |
Tỉnh có nhiều chủ trương, chính sách mới, thông thoáng như: thông quan điện tử, nộp thuế điện tử, thủ tục biên phòng điện tử, cấp đổi các loại thị thực, tạo điều kiện lưu thông cửa khẩu, biên giới nhanh nhất, tuyệt đối không để hàng hóa ùn tắc. Các thủ tục như đăng ký kinh doanh, đất đai đều qua mạng nên đơn vị, doanh nghiệp tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí không cần thiết, giảm phiền hà, sách nhiễu, tham nhũng vặt.
Các chi nhánh ngân hàng, tín dụng trên địa bàn tỉnh rà soát giảm lãi 7.939 tỷ đồng dư nợ cho 3.417 khách hàng, với mức giảm 0,2%/ năm đến 2%/năm. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại Hà Tĩnh chỉ đạo các tổ chức tín dụng, cân đối nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu vốn cho khách hàng. Các ngân hàng đã kịp thời cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ là 345 tỷ đồng, với 430 khách hàng (356 khách hàng cá nhân, 73 doanh nghiệp).
Thời gian qua, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh cho vay mới nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế là 8.224 tỷ đồng cho 4.549 khách hàng (gồm 4.050 các nhân, 488 doanh nghiệp, 2 HTX) lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay trước dịch Codid-19 từ 0,5%/ năm đến 2%/năm.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Tiến Hưng yêu cầu các sở, ngành trong chức năng, nhiệm vụ của mình tham mưu cho lãnh đạp tỉnh và nỗ lực tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.
UBND tỉnh tổ chức Hội nghị gặp các doanh nghiêp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong tỉnh với tinh thần cởi mở, lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp phát biểu thắng thắn với lãnh đạo tỉnh những khó khăn, vướng mắc… Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng cho biết, đây là thời cơ rất tốt để tỉnh có các chủ trương, chính sách sát với tình hình thực tế đang diễn ra ở tỉnh nhà.
"Sau dịch Covid-19 có 4 cơ hội lớn: Cơ hội để chúng ta xích lại gần nhau hơn. Cơ hội được nhìn lại chính mình. Cơ hội để doanh nghiệp điều chỉnh chiến lược, để tham gia cung ứng chiếm lĩnh thị trường nội địa, chính quyền nhìn nhận lại, có kế hoạch hỗ trợ, thúc đẩy các chỗi giá trị cung cầu ngay tại địa bàn. Cơ hội doanh nghiệp nâng cao sức mạnh nội tại bước sang trạng thái bình thường mới. Nếu biết nắm cơ hội đó thì tạo đà, là sức mạnh cho phát triển sản xuất kinh doanh”, chủ tịch Lê Tiến Hưng nhấn mạnh.