Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ vừa cứu sống người bệnh N.T.C (58 tuổi) ở Cẩm Khê bị ngộ độc do ăn thịt và trứng cóc.
Trước đó khoảng 2 giờ, bà C cùng cháu ruột đã ăn thịt cóc và buồng trứng cóc. Sau khi ăn khoảng 1 giờ, hai bà cháu có biểu hiện bị ngộ độc như nôn, đau bụng, đi ngoài nên đến Trung tâm y tế huyện cấp cứu. Ngay sau đó, người cháu được chuyển đến bệnh viện Sản nhi Phú Thọ, còn bà C được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ.
Bà C nhập khoa Hồi sức tích cực - Chống độc trong tình trạng đau bụng, bụng chướng, buồn nôn, đi ngoài phân lỏng nhiều lần, đau tức ngực, điện tim xuất hiện nhịp chậm. Tiền sử người bệnh khỏe mạnh.
Ngay lập tức, bà C được rửa dạ dày cấp cứu, bơm than hoạt, dùng thuốc để nâng huyết áp, nâng nhịp tim liên tục.
Sau 5 giờ cấp cứu, bà C đã qua cơn nguy kịch, kiểm soát được nhịp tim và huyết áp ổn định. Sau 3 ngày theo dõi và điều trị tích cực, người bệnh đã tỉnh táo, không còn đau ngực, nhịp tim, huyết áp bình thường, sức khỏe dần hồi phục.
Theo TS.BS. Nguyễn Thị Thanh Mai - Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, cóc chứa chất độc bufodienonid và bufotoxin trên toàn bộ da, tuyến nước bọt - mang tai, nội tạng và trứng. Cóc có thể gây ngộ độc trong toàn bộ vòng đời của chúng: trứng, nòng nọc, cóc con, cóc trưởng thành. Nọc độc của cóc có thể gây nên các triệu chứng nguy hiểm trên hệ tiêu hoá, hô hấp, thần kinh và đặc biệt là hệ tim mạch.
"Theo quan niệm dân gian, ăn thịt cóc giúp bồi bổ sức khỏe, điều trị suy dinh dưỡng, tuy nhiên trong quá trình sơ chế rất dễ nhiễm nọc cóc vào thịt cóc gây ngộ độc. Do vậy, người dân không nên chế biến cóc làm thức ăn vì nọc độc của cóc có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, giá trị dinh dưỡng thịt cóc mang lại cũng không có sự khác biệt so với các loại thịt khác. Khi có biểu hiện ngộ độc sau khi ăn thịt cóc, cần chuyển ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu, cấp cứu kịp thời" - bác sĩ khuyến cáo.