Hai cha con cùng vẽ Sài Gòn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cha một mình rong ruổi khám phá những vẻ đẹp văn hóa của Sài Gòn đưa vào tranh vẽ. Con âm thầm nhớ những món ăn thân thuộc và kể lại bằng tranh. Sài Gòn hiện lên đầy yêu thương qua câu chuyện của hai cha con họa sĩ Phạm Công Tâm - Phạm Ngọc Khánh.
Họa sĩ Phạm Công Tâm và con gái Phạm Ngọc Khánh
Họa sĩ Phạm Công Tâm và con gái Phạm Ngọc Khánh

Yêu thương dành cho thành phố

Khi họa sĩ Phạm Công Tâm cho ra mắt tập tranh và ký họa Cảnh sắc phố thị Sài Gòn - Chợ Lớn thì con gái anh, họa sĩ Phạm Ngọc Khánh (sinh năm 1991) cũng chào bạn đọc bằng tác phẩm đầu tay: sách họa Món ngon Sài Gòn từ nhà ra phố (Phương Nam Books và Nhà xuất bản Thế Giới ấn hành). Nếu sách của cha là phong cảnh Sài Gòn, ký ức xưa và nay của một người đã sống và trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm trên đất lành, thì trong tranh của con là những món ăn quen thuộc “từ nhà ra phố”, đong đầy kỷ niệm.

Phạm Ngọc Khánh tốt nghiệp khoa Mỹ thuật công nghiệp, Trường đại học Hutech, hiện đang làm công việc thiết kế trang trí nội thất. Món ngon Sài Gòn từ nhà ra phố được cô vẽ trong những ngày giãn cách xã hội, bắt đầu từ lời động viên của “chú Bảy” là nhà văn Phạm Công Luận. “Với chút năng khiếu hội họa thừa hưởng từ ba, tôi đơn giản chỉ muốn vẽ lại những bức tranh này như một cách nhắc nhớ về sự đa dạng ẩm thực ở Sài Gòn, nơi gia đình tôi đã sống qua nhiều đời. Nhờ những ký ức vui vẻ ấy, tôi thấy mình thoát ra được sự tù túng giữa bốn bức tường của căn chung cư, để một lần nữa được phiêu lãng khắp phố phường” - Phạm Ngọc Khánh bày tỏ.

Họa sĩ Phạm Công Tâm nói rằng anh khá bất ngờ khi thấy con gái vẽ. “Từ nhỏ con bé không bộc lộ gì về việc yêu thích hay khả năng hội họa, thậm chí con còn nói là không theo nghề của ba. Lâu nay, Khánh hay có thói quen chụp hình lại những món ăn ngon trong nhà, tất cả đã trở thành tư liệu cần thiết khi con vẽ. Tôi cũng không góp ý gì nhiều, chỉ hỗ trợ bằng cách mua thêm chất liệu, giấy, cọ, màu vẽ để con tự do sáng tác” - anh Tâm nói.

Trong cuốn sách ẩm thực của mình, Khánh đã vẽ về những điều thân thuộc nhất: bữa cơm gia đình, những món ăn ngày tết, rồi đến các loại bánh, món ăn vặt vỉa hè, và những món ngon nổi tiếng của Sài Gòn. Một cách tự nhiên, Khánh đưa người đọc vào những miền cảm xúc chân thực với cơm mẹ nấu, những bữa ăn hàn huyên, ngon lành, đầm ấm; những ký ức rong chơi với bạn bè trong thời thanh xuân sôi nổi với bò bía, bánh tráng trộn, bánh tráng nướng, bắp nướng mỡ hành… Cuộc sống giản dị bình yên mà cũng đầy màu sắc, hương vị qua hình ảnh của những xe đẩy, hàng rong, góc phố.

Những ngày còn bé, Khánh thường được ba chở đi ăn sau giờ tan học. “Mấy quán ăn mà hai cha con thường ghé vào nằm trên đường Đặng Văn Ngữ, gần trường học của con và đường Trần Huy Liệu gần nhà. Hồi đó tôi hay rủ con gái ăn mì gõ, mì tàu xá xíu” - họa sĩ Phạm Công Tâm nhớ lại. Anh cũng không thể ngờ, những món ăn ngày xa xưa ấy giờ xuất hiện trong tranh con gái đong đầy ký ức và yêu thương. Họa sĩ Phạm Ngọc Khánh không quên “những buổi chiều đói bụng, hai cha con thường trông ngóng tiếng gõ lóc cóc quen thuộc” của xe mì gõ. Cô không chỉ vẽ cho ký ức mình, mà còn giữ lại trong tranh hình ảnh một thời của thế hệ ông bà, cha mẹ. Đó là những món ăn quen thuộc được truyền lại từ đời này sang đời khác, vậy mà vẫn mãi ấm nồng hương vị.

Tìm trong góc phố đời người…

Ký ức về ngôi nhà cũ trong com hẻm nhỏ ở quận Phú Nhuận đã được nhà văn - nhà báo Phạm Công Luận, em trai của họa sĩ Phạm Công Tâm viết rất nhiều trong những cuốn sách của anh. Còn trong những nét vẽ từ ký ức, lắng đọng nhất trong tranh của họa sĩ Phạm Công Tâm là giàn hoa giấy trước cổng nhà, giữa hẻm nhỏ yên bình trên đường Trần Huy Liệu; là chợ Phú Nhuận đã xuất hiện từ giữa thế kỷ XIX…

Ký ức Sài Gòn được nối dài từ tranh vẽ của cha và con. Sài Gòn của những năm thập niên 1960, 1970… đến thành phố của mùa giãn cách, với bao đổi thay của cả đất và người.

“Lối vào chợ Lò Đúc từ đường Nguyễn Trọng Tuyển, ngày xưa cũng được gọi là đường Lò Đúc, là khu ăn uống của người Phú Nhuận với nhiều hàng quán mì tàu, phở, hủ tíu bò viên, nước mía… Hai nhà cho mướn sách nổi tiếng ở đây là Tân Dân và Toàn Hiệp là hai thư viện chi phí rẻ” - trong những khung tranh nhộn nhịp mua bán, sinh hoạt của người phố hôm nay, là những nhắc nhớ của người họa sĩ về một thời không quên của tuổi thơ, tuổi trẻ mình. Còn trong nỗi nhớ khi nhắc về món bánh chuối nếp nướng của Phạm Ngọc Khánh, là ký ức bồi hồi về người gánh hàng rong năm xưa. “Ba tôi kể ngày xưa trong xóm cũ ở Phú Nhuận, có nhà bà Bảy sát vách nhà bà nội tôi, nhờ bán chuối nếp nướng mà nuôi được người chồng thất nghiệp, và cả đàn con suốt thời khó khăn. Bà bày gánh chuối nếp nướng trên vỉa hè, trời mưa hay nắng đều che tấm ni-lông tùm hụp, vậy mà khách rất đông” - Phạm Ngọc Khánh viết.

Chính những xâu chuỗi ký ức, cũng như những câu chuyện của hôm qua và hôm nay được lồng ghép vào tranh, khiến cho câu chuyện của cha, con và Sài Gòn được kết nối trọn vẹn. Trong tranh của cha, có hình ảnh những người lao động nghèo mưu sinh trên đường phố Sài Gòn - Chợ Lớn. Đó là những người cha làm tài xế xe ôm, xe xích lô, xe ba gác, những người khuân vác ở chợ Bình Tây. Còn trong tranh của con, là hình ảnh của những người bà, người mẹ chịu thương chịu khó với gánh hàng rong, gánh tàu hũ, “hột vịt lộn, hột vịt vữa, trứng cút lộn, bắp xào”… Những gam màu cùng vẽ nên bức tranh Sài Gòn đa sắc màu, giản dị mà thân thương.

Trong những góc phố của họa sĩ Phạm Công Tâm còn có câu chuyện của thế hệ anh ngày trước, và những ký ức xa xăm ấy cũng được xuất hiện trong những câu chuyện kể bằng tranh vẽ của con gái anh. Cảnh sắc phố thị Sài Gòn - Chợ LớnMón ngon Sài Gòn từ nhà ra phố của hai cha con họa sĩ Phạm Công Tâm - Phạm Ngọc Khánh không chỉ là những tác phẩm có ý nghĩa của riêng họ, mà còn là món quà cho những ai yêu mến, muốn khám phá tìm hiểu về văn hóa Sài Gòn.

Đọc thêm