Hải Dương cần làm gì để không tái bùng dịch?

(PLVN) - Theo PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng đoàn công tác đặc biệt của Bộ Y tế tại Hải Dương, tỉnh cần tiếp tục thực hiện triệt để các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định trên địa bàn toàn tỉnh, thực hiện đúng, đầy đủ 5 chiến lược mà Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã đề ra. 
Người dân Chí Linh vui mừng khi chốt kiểm soát dịch được gỡ bỏ. Ảnh TTXVN.
Người dân Chí Linh vui mừng khi chốt kiểm soát dịch được gỡ bỏ. Ảnh TTXVN.

Từ hôm qua (3/3), Hải Dương kết thúc cách ly xã hội toàn tỉnh, chuyển sang trạng thái nới lỏng giãn cách xã hội ở nhiều mức độ khác nhau, tùy tình hình dịch bệnh của từng địa phương. 

Trong tình hình mới, PGS.TS Trần Như Dương nhận định, Hải Dương cần tiếp tục cập nhật, hoàn thiện kế hoạch tổng thể về phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh; trong đó, phải chi tiết các kịch bản, các tình huống và đảm bảo nguồn lực, cơ sở vật chất, phân công phân nhiệm cụ thể.

Tỉnh cần tiếp tục thực hiện triệt để các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định trên địa bàn toàn tỉnh, thực hiện đúng, đầy đủ 5 chiến lược mà Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19  đã đề ra.

Khi xuất hiện ca bệnh mới, lập tức quây thật chặt, xử lý ổ dịch triệt để với phương châm “dập tắt dịch ngay từ khi còn là đốm lửa nhỏ, kiên quyết không để lan thành đám cháy”. Trước mắt, cần tập trung nguồn lực cao nhất, quyết liệt khoanh vùng để dập tắt ổ dịch tại huyện Kim Thành trong thời gian sớm nhất.

Bên cạnh đó, tỉnh cần duy trì hiệu quả, thực chất các Tổ giám sát và phòng, chống Covid-19 tại cộng đồng. Tổ này vô cùng quan trọng vì đây chính là thực hiện chiến lược phòng chống dịch dựa vào cộng đồng, dựa vào nhân dân.

Cùng với đó là chú trọng giám sát, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các bệnh viện, giám sát chặt các ổ dịch cũ, ổ dịch mới và đầu tư nhân lực cho hệ thống giám sát ở các tuyến để có năng lực phát hiện ngay được ca bệnh nghi ngờ, không để dịch có cơ hội bùng phát. 

Hải Dương cũng phải đảm bảo kinh phí lâu dài cho việc giám sát, lấy mẫu và xét nghiệm Covid-19, vì đây chính là chỉ số giám sát, theo dõi dịch rất quan trọng cần thực hiện. Cùng với đó, nên định kỳ tổ chức lấy mẫu xét nghiệm chọn mẫu một số nhóm người có nguy cơ cao.

Đồng thời, tỉnh cần bám sát kế hoạch của Trung ương để triển khai thật tốt việc tiêm vắc xin ngừa Covid-19; tăng cường tuyên truyền phòng chống dịch cho nhân dân và phải coi công tác tuyên truyền như là những liều “vaccine”, “liều thuốc” thực sự trong phòng chống dịch bệnh.

Bên cạnh đó tỉnh cũng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng chống dịch từ tuyến trên xuống tuyến dưới; rà soát củng cố các khu cách ly tập trung, chuẩn bị nguồn lực và cơ chế vận hành để đảm bảo đáp ứng mọi tình huống. 

Ngay ngày đầu tiên sau khi kết thúc đợt giãn cách xã hội 15 ngày, UBND tỉnh Hải Dương đã có buổi làm việc tại huyện Kim Thành và huyện Cẩm Giàng để kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid–19. 

Tại huyện Kim Thành, lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu huyện tiếp tục đẩy nhanh công tác lấy mẫu xét nghiệm theo nguyên tắc khoanh vùng nơi phát hiện ca F0 sau đó lấy trên diện rộng nhằm khống chế nhanh ổ dịch, tránh lây lan ra các địa bàn xung quanh. Song song với công tác xét nghiệm tại các cụm, khu dân cư có ca F0, cần lấy 04 lần mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp F1 đã được cách ly tập trung (3 ngày lấy 1 lần).

Đối với các trường hợp F2 (sau khi F1 được đưa đi tập trung) cần được giám sát chặt chẽ tại nhà và lấy mẫu xét nghiệm. Tại các khu cách ly, cần giám sát chặt chẽ việc chấp hành quy định phòng dịch, xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm, tránh để xảy ra các trường hợp lây nhiễm chéo.

Đọc thêm