Hải Dương phấn đấu có thêm 45 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) năm 2025, Hải Dương phấn đấu có thêm 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Chương trình NTM đã đem lại nhiều đổi thay về điện, đường, trường, trạm; đời sống người dân ngày một nâng cao
Chương trình NTM đã đem lại nhiều đổi thay về điện, đường, trường, trạm; đời sống người dân ngày một nâng cao

Với việc có thêm 29 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, sẽ nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM nâng cao của tỉnh Hải Dương lên 94 xã (đạt 62,2%); 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu lên 35 xã (đạt 23,2%).

Trong đó, hai địa phương có số lượng xã đăng ký hoàn thành NTM nâng cao và kiểu mẫu nhiều nhất tỉnh là huyện Tứ Kỳ với 6 xã đăng ký hoàn thành NTM nâng cao và huyện Thanh Hà có 4 xã đăng ký hoàn thành NTM kiểu mẫu.

Để hoàn thành các tiêu chí về NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu các địa phương chú trọng đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông, hệ thống cơ sở vật chất văn hóa thể thao, trường học, trạm y tế xã; hạ tầng bảo vệ môi trường nông thôn; phát triển, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng số trong nông nghiệp, nông thôn...

Bên cạnh đó các địa phương cũng cần cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn theo hướng kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Hải Dương cũng triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm, trong đó chú trọng phát triển sản phẩm tiềm năng 4 sao, 5 sao gắn với lợi thế của các địa phương.

Trước đó vào tháng 3/2023, địa phương đã được nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh Hải Dương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Đây là một trong 5 tỉnh đầu tiên trong cả nước được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020.

Giai đoạn 2011 - 2021, Hải Dương đã huy động hơn 58.000 tỷ đồng để xây dựng NTM, trong đó ngân sách Trung ương chiếm 2,61%; ngân sách địa phương từ cấp tỉnh đến xã chiếm 17,5%; vốn huy động trong nhân dân chiếm 9,35%, còn lại là vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác, vốn doanh nghiệp, tín dụng. Các nguồn vốn trên đã tạo đòn bẩy để các địa phương thực hiện hiệu quả các tiêu chí, đem lại nhiều đổi thay về điện, đường, trường, trạm; đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao.

Đọc thêm