Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đến hết ngày 31/12/2024, cả nước đã có 6.250/8.014 xã (78%) đạt chuẩn NTM. Trong đó, có 2.275 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 550 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Có 303 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện thuộc 59 tỉnh, thành đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM (chiếm 47,3% tổng số ĐVHC cấp huyện của cả nước), trong đó đã có 16 huyện được Thủ tướng công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Có 22 tỉnh, thành có 100% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó 15 tỉnh, thành có 100% số xã đạt chuẩn NTM.
Có thể lấy ví dụ ngay tại huyện Phù Mỹ để thấy mục tiêu đúng đắn, hiệu quả của chương trình và sự cố gắng của địa phương cùng người dân. Hơn 10 năm trước, khi mới bắt đầu triển khai xây dựng NTM, huyện có 7 xã bãi ngang, 2 xã miền núi; xuất phát điểm các tiêu chí NTM ở các xã trong huyện đạt rất thấp. Tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương còn khó khăn; kết cấu hạ tầng yếu kém; thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt hơn 18 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo gần 18%...
Thế nhưng cùng nhau đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, cố gắng đạt từng tiêu chí, kinh tế - xã hội của huyện đã có sự phát triển vượt bậc, bộ mặt nông thôn đổi mới khang trang, đời sống người dân được nâng lên, an ninh trật tự được bảo đảm; cảnh quan môi trường nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp. Đến cuối 2023, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 51 triệu đồng, tỷ lệ nghèo đa chiều trên địa bàn giảm còn 3,48%. Toàn huyện có 17/17 xã đạt chuẩn NTM, trong đó 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 2 thị trấn được công nhận đô thị văn minh. Tổng nguồn vốn huyện huy động để thực hiện chương trình NTM là hơn 4.900 tỷ đồng; trong đó vốn ngân sách trung ương hơn 152 tỷ đồng (3,1%), còn lại là nguồn vốn tỉnh, địa phương đối ứng.
So với nhiều địa phương khác, những kết quả nêu trên của huyện Phù Mỹ có thể còn khiêm tốn. Nhưng nhìn ở khía cạnh có xuất phát điểm rất thấp, không có nhiều điểm lợi thế để phát triển kinh tế, có một số yếu tố bất lợi về tự nhiên và thời tiết… thì kết quả này đã chứng minh sự nỗ lực vượt bậc của chính quyền và Nhân dân địa phương.
Một trong những đích đến quan trọng nhất của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, là nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần cho nông dân nói riêng, cho Nhân dân nói chung. Ngoài việc xây dựng hạ tầng nông thôn khang trang để phục vụ đời sống người dân, thì phát triển kinh tế, giải quyết công ăn, việc làm, gìn giữ phát huy bản sắc văn hóa, phát triển giáo dục... cũng có vai trò quan trọng tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của nông thôn. Các xã đều đạt các tiêu chí NTM, sẽ tạo nên những huyện NTM, những tỉnh, thành NTM; tạo ra sự phát triển từ mỗi hộ gia đình, cho đến sự phát triển của đất nước. Vì những lẽ đó, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM là rất thiết thực, có tính lan tỏa, có tầm nhìn dài hạn.