Hải Dương thay đổi tư duy từ quản lý sang hỗ trợ, phục vụ Doanh nghiệp

(PLO) -Sáng ngày 14/7, tại Hội trường UBND TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương đã tổ chức Hội nghị đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh năm 2016.
Một số hình ảnh tại Hội nghị.

Hội nghị đối thoại có sự tham gia của hơn 150 DN (bao gồm nhiều DN trong và ngoài nước cùng các hiệp hội DN) và người đứng đầu các địa phương, sở, ban, ngành trong tỉnh.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Hiển, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương cho biết, tỉnh luôn mong muốn được lắng nghe những ý kiến, đóng góp thẳng, thật từ các DN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Vì vậy các DN cần chủ động có những đề xuất, kiến nghị kịp thời để tỉnh có những tháo gỡ và điều chỉnh trong hoạt động chỉ đạo điều hành nhằm thúc đẩy sự phát triển của cả Hải Dương và các DN thật bền vững.

Hội nghị lần này, các DN tập trung chủ yếu vào 07 nhóm vấn đề: Liên quan đến chính sách thuế, hải quan, ngân hàng; Về lĩnh vực lao động và bảo hiểm xã hội; Về vấn đề cung cấp điện; Vấn đề giao thông, vận chuyển hàng hóa; Về thủ tục hành chính và đạo đức công vụ; Về công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp; Và vấn đề về tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường.

Liên quan đến chính sách thuế, ngân hàng nhiều DN phản ánh các văn bản, chính sách về thuế thường xuyên thay đổi, chồng chéo về nội dung khiến cho việc cập nhật và thực hiện gặp nhiều khó khăn. Chính sách Ngân hàng ngoài việc thay đổi liên tục, thủ tục vay vốn khó và lãi suất cao.

Phần lớn các DN trong và ngoài khu công nghiệp có chung kiến nghị về giá thuê đất có mức tăng quá cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến vốn sản xuất kinh doanh trong bối cảnh hiện nay, có DN muốn thuê đất để mở rộng sản xuất kinh doanh nhưng do giá thuê đất cao nên không tiếp tục kế hoạch mở rộng. Như Công ty TNHH Thương mại Thành Công (Cẩm Giàng) cho biết tiền thuê đất tại Hợp đồng năm 2008 sau khi được tính lại năm 2013 đã tăng gấp 7 lần so với năm 2008. Công ty đã hỏi nhưng không có cơ quan nào hướng dẫn cụ thể.

Hoặc như đại diện của Công ty CP Quê Hương chia sẻ khi công ty đã được UBND tỉnh cho thuê đất, giao đất để thực hiện dự án kinh doanh. Nhưng trong quá trình hoạt động, công ty gặp nhiều khó khăn do việc bàn giao đất chưa đầy đủ. Một phần đất nằm trong diện tích được UBND tỉnh chấp thuận giao cho công ty nhưng lại được UBND thành phố Hải Dương phê duyệt dự án và cấp cho hộ gia đình bà Đinh Thị Bình làm cơ sở sản xuất Đông Nam Dược. Từ đó làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn và xảy ra tranh chấp, gây nhiều tổn thất cho công ty CP Quê Hương.

Về lĩnh vực lao động và bảo hiểm xã hội, các Công ty TNHH Iriso, Leo VN, Chungdang, Richway và nhiều DN khác phản ánh: Khó tuyển dụng công nhân có tay nghề, sau khi tuyển dụng phải mất nhiều thời gian đào tạo. Việc chấp hành kỷ luật của người lao động kém, tự ý bỏ việc không lý do…ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh…về vấn đề này, các Công ty đề nghị có chính sách hỗ trợ tuyển dụng lao động, chính sách ưu tiên DN sử dụng nhiều lao động đặc biệt là lao động nữ (các công ty may, giầy, điện tử…).

Tại hội nghị lần này, ông Nguyễn Hữu Đoan, Chủ tịch hiệp hội các DN tỉnh Hải Dương đã đại diện gửi đến hội nghị 10 ý kiến của các hội viên. Trong đó, tập trung vào các vấn đề như: việc thanh tra kiểm tra còn gây nhiều phiền hà cho DN như thông báo muộn, thực hiện thanh kiểm tra vào ngày đầu tuần; tạo điều kiện để DN tiếp cận vốn của ngân hàng… Ngoài ra còn có khoảng 20 đại diện các DN, nhà đầu tư có ý kiến trực tiếp.

Liên quan đến những câu hỏi về vấn đề tài nguyên môi trường, ông Vũ Ngọc Long, Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường cam kết vào thứ hai tuần tới sẽ gửi giấy mời tới các DN, giải quyết ngay vấn đề liên quan đến đất đai đã nêu. Các kiến nghị sẽ được Sở nghiên cứu, phản hồi sớm nhất. “Tôi đề nghị các DN có gì vướng mắc hãy liên hệ với Sở qua đường dây nóng để lãnh đạo sở kịp thời nắm bắt nhanh và giải quyết những vướng mắc”, ông Long nói.

Về vay vốn ngân hàng, bà Nguyễn Thị Hải Vân, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết, thời gian qua, ngành ngân hàng đã tích cực khoanh và giãn nợ cho DN. Nhưng vấn đề vay vốn bắt buộc phải thực hiện theo quy trình chung và không thể cho vay khi không có tài sản bảo đảm hoặc tài sản bảo đảm đang có vấn đề hoặc giá trị tài sản thấp hơn nhiều so với khoản vay.

Với kiến nghị của Công ty CP Quê Hương, ông Vũ Tiến Phụng, Chủ tịch UBND TP. Hải Dương khẳng định những vấn đề liên quan đến đất đai như của Công ty trên sẽ được thành phố giải quyết vào đầu tháng 8, thông qua buổi làm việc trực tiếp.

Đây là một hội nghị rất quan trọng, cần thiết với DN nhưng theo quán sát của phóng viên, nhiều đại diện của các DN chưa thực sự quan tâm. Bởi mới trải qua 2/3 thời gian hội nghị nhưng đã có khoảng 50 đại diện DN rời hội trường.

Bế mạc hội nghị, ông Nguyễn Dương Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương kết luận về hướng xử lý các ý kiến, kiến nghị. Yêu cầu các Sở, ngành, cơ quan có liên quan trong vòng 10 ngày, tính từ ngày tổ chức hội nghị trên phải khẩn trương xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với kiến nghị của DN. Thực hiện nhất quán chủ trương “Nhà nước kiến tạo, lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh”. Tỉnh cam kết sẽ hỗ trợ để doanh nghiệp hoạt động thuận lợi để phát triển, lớn mạnh, có khả năng vươn tầm quốc gia, quốc tế.

Đồng thời, ông Thái cũng đề nghị các DN luôn tuân thủ, tôn trọng, thực hiện đúng các quy định của pháp luật, “nói thẳng, nói thật” phối hợp chặt chẽ với tỉnh cùng tỉnh tăng cường trao đổi để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc còn tồn tại với tinh thần hợp tác tích cực, linh hoạt nhất.


Đọc thêm