Tuy nhiên, nếu vô tình nuốt hoặc để nhựa của các cây này dính vào vết thương hở sẽ rất nguy hiểm cho tính mạng con người.
Bộ Y tế khuyến cáo, nếu các trường phải trồng một số cây độc với mục đích học tập, nghiên cứu thì cần có bảng cảnh báo và biện pháp kiểm soát an toàn phù hợp đối với mỗi cây, hoa này. Ảnh minh họa |
Hàng chục học sinh ngộ độc
Ngày 20/4 vừa qua, vụ 20 học sinh bị ngộ độc tập thể do ăn hạt quả ngô đồng tại Trường Tiểu học Nghi Hòa (thị xã Cửa Lò, Nghệ An) đã khiến dư luận hoang mang. Theo đó, sau khi ăn hạt quả ngô đồng vì nhầm tưởng đây là hạt quả óc chó, 20 học sinh đã phải nhập viện trong tình trạng đau bụng, đi ngoài kèm theo nôn ói. Nhiều học sinh khác cũng được đưa đến bệnh viện để kiểm tra và theo dõi sức khỏe.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa có công văn đề nghị các trường học trên toàn quốc rà soát, chặt bỏ và không trồng các loại cây, hoa chứa hợp chất gây độc trong khuôn viên trường. Động thái này được Bộ Y tế đưa ra sau khi hơn 20 học sinh một trường tiểu học tại Nghệ An phải nhập viện vì ăn quả cây ngô đồng ở sân trường. Vì thế, để bảo đảm sức khỏe cho học sinh, Cục An toàn thực phẩm đề nghị cơ quan chức năng địa phương xảy ra ngộ độc điều tra, xử lý, khắc phục hậu quả. Cục cũng đề nghị Bộ GD&ĐT chỉ đạo các trường học rà soát, loại bỏ ngay và không trồng các loài cây, hoa có chứa các hợp chất gây độc. Nếu trường phải trồng các cây này với mục đích học tập, nghiên cứu thì cần có bảng cảnh báo và biện pháp kiểm soát an toàn phù hợp đối với mỗi cây, hoa này. Các trường tuyên truyền, giáo dục kiến thức cho học sinh về an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm, đồng thời giám sát, phát hiện sớm những vấn đề bất thường về sức khỏe học sinh nghi ngờ do ăn phải các loài cây, hoa có chứa các hợp chất gây độc.
Ngay sau đó (tối 21/4), lại xảy ra một vụ ngộ độc khác cũng do ăn hạt quả ngô đồng. 37 học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú Quỳ Châu (huyện Quỳ Châu, Nghệ An) phải nhập viện cấp cứu với các triệu chứng tương tự như 20 học sinh Trường Tiểu học Nghi Hòa.
Trước tính chất nghiêm trọng của sự việc trên, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có công văn đề nghị cơ quan chức năng địa phương xảy ra ngộ độc khẩn trương xác minh tác nhân gây ngộ độc để dự phòng, điều tra, xử lý và khắc phục hậu quả. Bên cạnh đó, Cục An toàn thực phẩm cũng yêu cầu các đơn vị cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục kiến thức về an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm nhất là với các loại độc tố tự nhiên.
Tuyệt đối không sử dụng bất kỳ bộ phận của cây, hoa có chứa các hợp chất gây độc hoặc nghi ngờ có độc để ăn uống. Ngoài ra, thường xuyên giám sát, phát hiện sớm những vấn đề bất thường về sức khỏe nghi ngờ do ăn phải các loài cây, hoa có chứa các hợp chất gây độc và thông báo với cơ sở y tế gần nhất để phối hợp xử lý kịp thời.
Nhiều loại cây không nên trồng trong sân trường
Thực tế hiện nay, không riêng cây ngô đồng, rất nhiều loại hoa, cây cảnh chứa độc tố nhưng vẫn được trồng “nhan nhản” xung quanh chúng ta.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Báo Gia đình và Xã hội, kỹ sư cây xanh Nguyễn Bá Hưng – Trưởng phòng Kỹ thuật, Công ty TNHH MTV Cây cảnh Hà Nội cho biết: “Đúng là hiện nay, rất nhiều loại hoa, cây cảnh có độc nhưng vẫn được chuộng làm cây trang trí tại các tuyến đường phố, khuôn viên trường học hay thậm chí làm cây cảnh đặt trong nhà.
Nguyên nhân một phần là do những loại cây, hoa này thường có hình thái và màu sắc đẹp, dễ tạo ấn tượng với người nhìn. Bên cạnh đó là do sự thiếu hiểu biết hoặc chủ quan coi nhẹ độc tố của những loại cây này khiến chúng được trồng phổ biến hơn”.
Theo kỹ sư Nguyễn Bá Hưng, một số cây ngoại thất có độc được trồng nhiều trên đường phố hoặc trong trường học có thể kể đến như: Cây trúc đào; cây thông thiên; cẩm tú cầu; cây cúc ngũ sắc (hay còn gọi là cây thơm ổi); cây xương rồng bát tiên; cây vạn tuế; cây cà độc dược… Trong đó, cây trúc đào là một trong những cây cảnh được trồng phổ biến nhất trên đường phố vì có hoa rất đẹp nhưng độc tính từ nhựa của nó cũng rất cao.
“Các cây có độc tố hầu hết đều do nhựa của nó. Ví dụ, nếu để nhựa cây trúc đào dính vào vết thương hở sẽ làm tăng lưu lượng máu khiến máu chảy nhanh hơn, tim đập nhanh, mạnh dẫn đến khó thở và có thể làm tim ngừng đập do hoạt động quá công suất. Bên cạnh đó, cây trúc đào còn làm ô nhiễm nguồn nước nặng và sẽ làm chết các sinh vật dưới nước nếu để lá trúc đào rơi xuống ao hồ, sông suối”, kỹ sư Nguyễn Bá Hưng phân tích.
Ngoài ra, theo kỹ sư Nguyễn Bá Hưng, cũng cần cẩn trọng với cây vạn tuế. Đây là loại cây rất hay được trồng trong khuôn viên các trường học. Tuy nhiên, vỏ và ngọn cây vạn tuế lại chứa chất độc mạnh gây ung thư hoặc rối loạn thần kinh. Do đó, không nên tiếp xúc gần hoặc dùng tay bứt lá phần ngọn hay cạy vỏ của chúng, nguy cơ nhiễm độc rất cao. Bên cạnh đó, nếu đặt cây vạn tuế trong phòng kín như phòng ngủ, nó có thể sinh ra độc tố, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Các chuyên gia khuyến cáo: Trước khi quyết định mua các loại hoa, cây cảnh về trồng kể cả cây ngoại thất hay nội thất, mọi người đều phải tìm hiểu thật kỹ xem loại cây đó có độc hay không hoặc cần lưu ý gì trong quá trình chăm sóc. Đối với các cây trồng ở trường học, cần hạn chế tối đa các cây ngoại thất có độc vừa nêu trên.
Bên cạnh đó, không nên trồng các loại cây có gai, sẽ dễ làm bị thương học sinh khi vô tình chạm phải hoặc những cây có hoa màu sắc quá sặc sỡ cũng không nên trồng vì sẽ thu hút nhiều côn trùng từ nơi khác đến. Riêng đối với những cây nội thất chứa độc, nên hạn chế đặt trong nhà nhất là những gia đình có trẻ nhỏ để tránh nguy cơ trẻ ăn phải hoặc bị dính nhựa vào tay.
Nghệ An "cấm cửa" cây ngô đồng trong trường học
Ngày 23/4, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã gửi công văn khẩn đến các phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, thành, thị và các đơn vị trực thuộc Sở liên quan đến những vụ học sinh ngộ độc hạt cây ngô đồng trong thời gian vừa qua.
Công văn nêu rõ, để chủ động phòng ngừa, đảm bảo sức khỏe cho học sinh, Sở yêu cầu Ban Giám hiệu trường tuyên truyền tới giáo viên, học sinh và phụ huynh kiến thức phòng chống ngộ độc thực phẩm; tuyệt đối không sử dụng các loại hoa, quả chứa hợp chất gây độc, hoặc nghi ngờ để ăn uống.
Bên cạnh đó, chỉ đạo các cơ sở trường học rà soát, loại bỏ ngay và không trồng các loại cây, hoa có chứa các hợp chất gây độc được trồng với mục đích làm cảnh hoặc mọc hoang dại trong khuôn viên trường học.