Hai kiểu online của nghệ sĩ trong mùa dịch

(PLVN) - Có hai lựa chọn được các nghệ sĩ đưa ra vào thời điểm “eo sèo” của làng giải trí. Đó là mở đường cho những hình thức biểu diễn mới, tiếp cận khán giả trực tuyến và bán hàng online.
Các nghệ sĩ Việt rất tích cực bán hàng online.
Các nghệ sĩ Việt rất tích cực bán hàng online.

Phải thừa nhận, bán hàng online là một lựa chọn khá dễ dàng cho nhiều nghệ sĩ trong thời điểm dịch bệnh, người người hạn chế ra khỏi nhà. Với lượng fan theo dõi trang cá nhân đông, cộng với độ nổi tiếng, uy tín sẵn có, nghệ sĩ có thể dễ dàng buôn bán đắt hàng hơn nhiều lần so với một người bán hàng online bình thường.

Ngay cả ở thời điểm thông thường trước đây, cũng không ít nghệ sĩ lựa chọn con đường mang tính hiệu quả về kinh tế này. Trong đó, có nhiều người thành công rực rỡ, còn được phong “thánh bán hàng online” như Ốc Thanh Vân, Hồ Ngọc Hà, Lê Dương Bảo Lâm, Ngọc Trinh, Kha Ly, Minh Thư…

Thời điểm mùa dịch, làng giải trí vắng lặng, show ế ẩm, người ta càng chứng kiến lượng nghệ sĩ đông đúc đổ xổ vào giới bán hàng online. Kể cả những người trước kia chỉ “bán cho vui”, nay cũng tăng cường như một nghề kiếm cơm nghiêm túc.

Như nghệ sĩ hài Lê Giang bán nước ép trái cây, Hải Triều bán chè bưởi, Sĩ Thanh mở cửa hàng quần áo online, Thuận Nguyễn bán lạp xưởng, Cát Tường kinh doanh mỹ phẩm, diễn viên Phương Lan chuyển sang bán bánh bột lọc…

Nhiều nghệ sĩ khác cũng tìm nhiều con đường khác nhau để tiếp cận khán giả thông qua nghệ thuật. Các nghệ sĩ như Tuấn Hưng, Đinh Mạnh Ninh, Đông Nhi, Hoàng Thùy Linh… Họ tham gia các show đại nhạc hội trực tuyến, hoặc tự tổ chức những liveshow, mini liveshow cho khán giả xem, thỏa đam mê. Nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn gần tháng nay hàng ngày đều có chương trình đăng tải các video về sản phẩm âm nhạc do anh thực hiện để khán giả thưởng thức.

Thực ra, so với bán hàng online, có thể việc thực hiện biểu diễn trực tuyến gian nan hơn nhưng thu nhập không mấy khả quan. Các nghệ sĩ chia sẻ, tiền thu về của một buổi diễn trực tuyến chỉ bằng 1/5, thậm chí 1/10 biểu diễn trực tiếp.

Thế nhưng, họ lựa chọn nó vì yêu nghề, vì muốn sống với nghề, không muốn xa rời khán giả. Như nam ca sĩ Tuấn Hưng chia sẻ, ca sĩ mà không hát thì chỉ như “chim buộc mỏ”. Quan trọng nhất vẫn là thỏa đam mê được sống với nghề.

Tất nhiên, bán hàng online cũng là một lựa chọn chính đáng của nghệ sĩ thời điểm này. Nhưng, nếu chỉ chú tâm vào cái lợi do bán hàng online mang lại, tập trung hoàn toàn vào nó, nghệ sĩ sẽ đánh mất nhiều thứ vô hình. Đó là hình ảnh họ lâu dần được gắn liền với nghề buôn bán chứ không phải nghệ thuật. Khán giả sẽ nhớ đến họ với sản phẩm họ bán ra, không phải là sản phẩm âm nhạc.

Còn những nghệ sĩ vẫn đeo đuổi đam mê, ngay cả trong thời điểm khó khăn này, khán giả rất công bằng, sẽ âm thầm ghi nhận những nỗ lực của họ. Nghệ sĩ sẽ giữ được hình ảnh của mình trong tâm trí của khán giả, như những người luôn cống hiến hết mình vì nghệ thuật.

Dù có qua đi thời điểm dịch bệnh, những nghệ sĩ ấy vẫn luôn mang hình ảnh đầy mới mẻ, sáng tạo gắn liền với các sản phẩm nghệ thuật của họ. Bởi nói cho cùng, chính sự lãng quên của khán giả mới là điều đáng sợ nhất của một người làm nghệ sĩ./.