Muôn kiểu mưu sinh của giáo viên mùa dịch

(PLVN) - Nghỉ dạy do ảnh hưởng của dịch Covid, nhiều giáo viên phải chật vật mưu sinh từ làm bán hàng online, trông trẻ, giúp việc theo giờ, nhân viên giao hàng... để chờ ngày quay trở lại trường.
Nhiều giáo viên chọn công việc giúp việc theo giờ để mưu sinh.Hình minh họa.
Nhiều giáo viên chọn công việc giúp việc theo giờ để mưu sinh.Hình minh họa.

Giáo viên kiêm giúp việc theo giờ

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, các trung tâm môi giới giúp việc ở Hà Nội cũng tiếp nhận thêm nhiều nhân sự mới, trong đó không ít giáo viên mầm non. Đa phần, các cô sẽ chọn công việc là bảo mẫu do mức lương ổn định và có sự tương đồng với ngành nghề.

Cô giáo Nguyễn Thị Minh (27 tuổi, quê Phú Thọ) xuống Hà Nội làm nghề trông trẻ. Mức lương giáo viên mầm non trước đây chỉ đủ cho cô gái độc thân chi tiêu dè sẻn. Từ khi học sinh nghỉ học, cô được nhà trường hỗ trợ 1 tháng lương để cầm cự chờ ngày đi dạy trở lại. Cô quyết định tìm việc làm thêm.

Mức lương cô nhận được khi trông trẻ tại gia dao động từ 200 đến 300.000 đồng/ngày. Công việc của cô là cho bé ăn, nghỉ theo yêu cầu của phụ huynh. Nhiều phụ huynh còn yêu cầu cô dạy bé tập hát, tập tô giống như ở trường. 

Không ít giáo viên tìm thêm việc trong thời gian nghỉ dạy.
Không ít giáo viên tìm thêm việc trong thời gian nghỉ dạy.

Có giáo viên chuyển sang làm giúp việc theo giờ. Cô Nguyễn Thảo (Hà Đông, Hà Nội) do con còn nhỏ nên chỉ nhận làm ở các khu vực gần nhà như Hà Đông, Thanh Xuân, Nguyễn Trãi khi có lịch cố định. Công việc của cô là dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ, nấu nướng theo thỏa thuận của người thuê. Tiền công dao động 50.000 – 60.000 đồng/giờ và chủ nhà sẽ trả khi hết buổi.

Cô cho biết, hiện tại, cô chỉ dám nhận các công việc bán thời gian vì không biết khi nào trường mở cửa, hoạt động trở lại. 

Việc nhận giáo viên về làm giúp việc thời vụ cũng khiến nhiều gia đình ở Hà Nội yên tâm. "Tôi sẵn sàng trả bất cứ chi phí, yêu cầu nào của trung tâm để tìm được người vừa có thể trông con, vừa giúp con học chữ, tập tô trong thời gian nghỉ học", chị Nguyễn Thị Oanh (quận Thanh Xuân) chia sẻ.

Xoay sở đủ nghề kiếm sống

Không phải ai cũng may mắn kiếm được việc tương đồng với nghề nghiệp như cô Minh, cô Thảo. Không ít giáo viên phải chuyển hướng sang kinh doanh, bán hàng qua mạng, nhận giao hàng,... thậm chí về quê phụ giúp cha mẹ làm nông nghiệp.

Cô Nguyễn Thị Thùy Linh (TP Biên Hòa, Đồng Nai) thức dậy từ 4h sáng để chuẩn bị hoa quả, nước sâm bí đao để chuẩn bị công việc mưu sinh cho ngày mới. Mới “tập tành” kinh doanh nên bán lỗ là chuyện bình thường. Có ngày mua phải cam chua hay thời tiết thất thường, cô đành mang về cho cả nhà uống dần. Cô cũng lên mạng rao hàng và nhận “ship” ở những khu vực xung quanh.

Mất đi khoản thu nhập chính, cô M.H – giáo viên dạy môn Toán một trường cấp 2 ở Cầu Giấy (Hà Nội) đăng ký dịch vụ giao hàng trên mạng kiếm thêm thu nhập. Hai vợ chồng cô vốn trông vào tiền giảng dạy, nay nghỉ dài ngày do dịch Covid - 19, mất đi khoản thu nhập chính, cuộc sống gia đình có phần khó khăn.

Cô H được em trai chỉ cách chạy xe giao hàng công nghệ để có đồng ra đồng vào. Cô cho biết, các đồng nghiệp nam cùng trường cũng chạy xe ôm và giao hàng công nghệ để kiếm thêm thu nhập.

Nhiều giáo viên chuyển sang kinh doanh trên mạng.
 Nhiều giáo viên chuyển sang kinh doanh trên mạng.

Nhiều giáo viên cũng tranh thủ bán hàng trên mạng để cải thiện cuộc sống. Họ kinh doanh đủ thứ như hải sản, rau củ, hạt dẻ,... miễn là có “đồng ra đồng vào” trang trải cuộc sống hàng hàng.

Giáo viên giảng dạy ở thành phố thì có thể tạm kiếm thêm thu nhập bằng những nghề mưu sinh khác còn các cô giáo vùng nông thôn phải chuyền về nghề gốc… làm ruộng. Một cô giáo trường Tiểu học Húc (Hướng Hóa, Quảng Trị) cho biết trong thời gian nghỉ dạy đã tranh thủ đi làm ruộng, đợi ngày học sinh lên lớp đi dạy lại.

Cô Nguyễn Thu Nguyệt (giáo viên mầm non tư thục ở quận Tây Hồ, Hà Nội) cũng đã đã về quê ở Tuyên Quang để làm thêm nghề nhặt nấm rơm.

“Trên quê, nhiều người chuyển hướng kinh doanh nấm rơm được vài năm nay. Hầu hết đều kinh doanh nhỏ, lẻ nên xin vào làm thêm rất khó. Tôi phải nhờ người quen mãi mới được nhận làm cách nhật, tháng được thêm chừng 2 triệu đồng”, cô Nguyệt nói.

Đọc thêm