Mua sắm online “lên ngôi” mùa dịch Covid-19

(PLVN) - Trong khi một số siêu thị, chợ truyền thống có xu hướng vắng vẻ thì mua sắm online hiện đang được các bà nội trợ ưa chuộng.
Mua hàng online có xu hướng tăng trong mùa dịch.
Mua hàng online có xu hướng tăng trong mùa dịch.

Chợ truyền thống ế ẩm

Trong khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều cửa hàng trên khu phố cổ Hà Nội đã tạm nghỉ, sang nhượng, treo biển cho thuê mặt bằng. Một số trung tâm thương mại, siêu thị sau vài ngày kín người do người dân lo lắng tích trữ thực phầm thì nay cũng trở nên vắng vẻ. 

Ở khu chợ Đồng Xuân những ngày gần đây các tiểu thương kêu trời vì buôn bán ế ẩm. Theo một tiểu thương chợ Đồng Xuân tiết lộ nhiều cửa hàng mở cửa rất muộn, lượng khách sụt giảm đến 80% so với thời điểm này năm ngoái. Bình thường khu chợ này đông đúc, ồn ào là thế nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các tiểu thương chỉ biết “giết thời gian” bằng cách tám chuyện, ngủ hoặc “ôm” điện thoại.

Một cảnh vắng vẻ ở chợ Đồng Xuân. Ảnh Kênh 14.
 Một cảnh vắng vẻ ở chợ Đồng Xuân. Ảnh Kênh 14.

Không khá khẩm hơn khu vực chợ Trung Tự, Nam Đồng (Đống Đa) cũng thưa thớt người mua. Một số tiểu thương cho biết người dân e ngại chốn đông người lây bệnh nên hạn chế đi ra ngoài. “Hôm trước sợ dịch bệnh bùng phát nên nhiều người kéo nhau mua thực phẩm tích trữ nhưng giờ hết rồi”, một tiểu thương bán thịt lợn cho biết.

Mua sắm online tăng nhanh

Cũng trong cảnh vắng người mua nhưng “cái khó ló cái khôn”, một số tiểu thương ở chợ Đại Từ (Hoàng Mai) chuyển hướng kinh doanh online. Chị Nguyễn Thị Loan (bán hải sản) cho biết sau Tết hàng ế nên tương đối rảnh. Chị đã chụp ảnh tôm, cá,mực,... đăng lên facebook bán kiểu cho vui nhưng không ngờ nhận được nhiều đơn đặt hàng.

Gần đây, ngoài facebook cá nhân chị còn đăng bán trên các fanpage của các khu chung cư. Thành ra, cả ngày ngồi ở chợ bán hàng chỉ có vài ba khách tới mua, nhưng lượng hải sản vẫn tiêu thụ khá tốt, bởi đa phần khách mua online.

Hình thức bán online như chị Loan cũng được các tiểu thương bán thịt, trái cây, gạo áp dụng. Theo như một số tiểu thương chia sẻ, người dân giờ ngại ra ngoài đường, đến những nơi đông người nên bán online để tránh tình trạng ế ẩm, tồn hàng.

Nhiều tiểu thương ngoài bán ở chợ còn tranh thủ bán hàng trên facebook. Ảnh Vietnamnet
 Nhiều tiểu thương ngoài bán ở chợ còn tranh thủ bán hàng trên facebook. Ảnh Vietnamnet

Trước đây, nhiều chị em công sở vẫn có thói quen tranh thủ “tạt té” qua chợ mua đồ tươi sống thì nay đã dừng hẳn việc ra chợ, thay vào đó họ mua đồ qua mạng, ship tận nhà để yên tâm chống dịch.

Với chị Hằng (Đội Cấn, Ba Đình) mua hàng online đang là phương pháp ưu tiên trong mùa dịch. “Mua hàng online tôi không phải đi ra ngoài, tiếp xúc với nhiều người thì yên tâm hơn. Trên mạng có nhiều mặt hàng, nhiều người bán nên tôi có thể lựa chọn chỗ nào vừa túi tiền, vừa ngon nên hiệu quả kinh tế cũng cao hơn”.

Trong khi đó, bán hàng online cũng được phát triển ra các cửa hàng, siêu thị. Một đại diện cửa hàng thực phẩm sạch (Đống Đa) chia sẻ, do tâm lý lo những ngày qua, lượng hàng bán trong ngày của cửa hàng giảm rõ rệt, khoảng 30 - 40%. Tuy nhiên, đơn hàng từ việc bán online đã tăng lên đáng kể, từ 10 - 20 đơn/ngày đã tăng lên 30 - 40 đơn/ngày.

Tương tự, một số hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội cũng đang triển khai hoạt động mua sắm online. Theo một giám đốc phụ trách siêu thị, trước khi diễn ra dịch Covid-19, tỷ lệ bán qua kênh online đạt khoảng 5 - 10%, nhưng hiện tại, lượng khách hàng mua online đang tăng mạnh.

Đọc thêm