Lừa đảo trong mua bán hàng hoá online xử phạt như thế nào?

(PLVN) -   Lừa đảo mua hàng hóa qua mạng, bán hàng hóa không đúng với chất lượng cam kết, lừa đảo người tiêu dùng mua hàng rồi chiếm đoạt luôn tài sản rồi biến mất... Vậy, các hành vi chiếm đoạt này bị xử lý thế nào?  
Lừa đảo trong mua bán hàng hoá online xử phạt như thế nào?

Hiện nay, lợi dụng tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 khiến các hoạt động kinh doanh trực tiếp gần như ngưng trệ, một số doanh nghiệp (DN), hộ cá thể, cá nhân... đã linh hoạt, chuyển đổi sang mô hình kinh doanh online để thích ứng kịp thời các thay đổi trong hành vi tiêu dùng của khách hàng.

Tuy nhiên, việc mua bán online tạo kẽ hở để một số đối tượng lợi dụng hình thức này lừa đảo người tiêu dùng (NTD) chiếm đoạt tài sản. 

 Trao đổi với PLVN, Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội - cho biết: Nhiều đối tượng đã lợi dụng việc mua bán hàng hóa online để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người mua hàng như: Quảng cáo hàng giá rẻ, yêu cầu người mua phải đặt cọc trước nhưng không giao hàng và chiếm đoạt tiền đặc cọc; Đánh cắp thông tin khách hàng của các website bán hàng trực tuyến, rồi lừa đảo chiếm đoạt tiền của họ.v.v.. Đây đều là các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm thì những hành vi này có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.   

Thạc sĩ. Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội.
 Thạc sĩ. Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội.

Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ thì hành vi “dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác” sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

 Nếu số tiền chiếm đoạt trị giá từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây: “a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ”, thì người vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 (“Bộ luật hình sự”)

Tùy theo số tiền lừa đảo mà các hành vi lừa đảo này phải chịu trách nhiệm tương ứng. Cụ thể, theo quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự thì số tiền bị chiếm đoạt có giá trị càng lớn, thì người phạm tội sẽ càng phải chịu những hình phạt nghiêm khắc hơn. Nếu số tiền bị chiếm đoạt là dưới 50 triệu đồng thì người phạm tội sẽ bị áp dụng khung hình phạt là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Nếu số tiền từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm; còn từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng thì khung hình phạt là phạt tù từ 07 năm đến 15 năm; và từ 500 triệu đồng trở lên thì mức hình phạt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Tuy nhiên, ngoài giá trị số tiền chiếm đoạt thì còn có nhiều tình tiết khác (có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; tái phạm nguy hiểm; lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; dùng thủ đoạn xảo quyệt;.v.v…) cũng được quy định là các tình tiết tăng nặng, là căn cứ để xác định khung hình phạt cho người phạm tội. Đặc biệt, tại điểm c khoản 3 Điều 174 Bộ luật hình sự có quy định “lợi dụng thiên tai, dịch bệnh” là tình tiết định khung tăng nặng, với mức hình phạt áp dụng là phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

Có trường hợp, người tiêu dùng đặt mua sản phẩm chất lượng, tương ứng với số tiền bỏ ra, nhưng khi nhận về thì sản phẩm không đúng ý (hàng rởm). Luật sư cũng cho rằng, theo quy định tại Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 thì người tiêu dùng có quyền “khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan”.

Theo quy định này và các quy định khác có liên quan, khi mua phải hàng không đảm bảo chất lượng, hàng rởm, hàng nhái thì người tiêu dùng có quyền khiếu nại đến cá nhân, tổ chức bán hàng hóa, để yêu cầu trả hàng, đổi hàng, và bồi thường thiệt hại.

Nếu các bên không thể tự thỏa thuận được thì người tiêu dùng có quyền tự mình hoặc thông qua Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam để khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc, hoặc tố cáo tới cơ quan quản lý thị trường, cơ quan quản lý cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng thuộc Bộ Công Thương, hoặc cơ quan Công an (khi vụ việc có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản), để yêu cầu các cơ quan này xác minh, điều tra, làm rõ và xử lý hành vi vi phạm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người tiêu dùng theo các quy định của pháp luật.  

Luật sư Hùng cũng cho biết thêm, hiện nay, chúng ta đã xây dựng được khá nhiều các văn bản pháp quy, để điều chỉnh hình thức mua bán hàng hóa online như: Bộ luật dân sự năm 2015, Luật thương mại năm 2005, Luật Giao dịch điện tử năm 2005, Nghị định 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về thương mại điện tử; Thông tư 47/2014/TT-BCT của Bộ Công Thương về quản lý website thương mại điện tử.v.v.. Tại các văn bản này đều đã có các quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan, trong đó có trách nhiệm quản lý nhà nước về thương mại điện tử. Các cơ quan chức năng cũng cần phải tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật, nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước, cũng như tăng cường giám sát, kiểm tra, để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các hình vi sai phạm.

Đọc thêm