Hai nghệ sĩ Nhật sẽ hát tiếng Việt trong vở opera "Công nữ Anio"

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hai nghệ sĩ đến từ Nhật Bản hát bằng tiếng Việt trong vở opera "Công nữ Anio". Vở diễn sẽ ra mắt khán giả Việt Nam tại Nhà hát Lớn (Hà Nội) với 3 đêm diễn 22, 23 và 24/9/2023.
Chuyện tình của Sorato với Công nữ Ngọc Hoa được thể hiện qua hình thức nghệ thuật opera, (ảnh BTC).
Chuyện tình của Sorato với Công nữ Ngọc Hoa được thể hiện qua hình thức nghệ thuật opera, (ảnh BTC).

Chiều 18/5/2023, tại Hà Nội, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Bộ VH-TT&DL đã họp báo công bố vở opera Công nữ Anio. Đây là dự án nghệ thuật hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản được thực hiện nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Phát biểu tại họp báo, Đại sứ Yamada Takio nhấn mạnh: "Nền tảng phát triển của quan hệ Nhật Bản - Việt Nam có sự thấu hiểu và đồng cảm giữa con người với con người. Những ví dụ thể hiện sự thấu hiểu và đồng cảm đó có thể thấy trong lịch sử lâu đời, vượt xa phạm vi 50 năm và một trong những minh chứng tiêu biểu nhất là câu chuyện tình yêu giữa thương nhân Araki Sotaro và Công nữ Ngọc Hoa, đã trở thành chủ đề của vở opera "Công nữ Anio"".

Nghệ sĩ Nhật Bản sẽ hát opera bằng tiếng Việt (ảnh BTC).

Nghệ sĩ Nhật Bản sẽ hát opera bằng tiếng Việt (ảnh BTC).

Theo Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Phương Hòa, dự án opera “Công nữ Anio” là sự kiện văn hóa đối ngoại có ý nghĩa đặc biệt. Tác phẩm chung giữa nghệ sĩ hai nước là sự tôn vinh giá trị chung của hai dân tộc.

Vở opera xây dựng nên từ câu chuyện có thật. Araki Sotaro là một thương nhân Châu Ấn thuyền từ thời đại Azuchi Momoyama đến thời Edo, ông đã đi từ Nagasaki đến "Đàng trong" (nay là miền Trung Việt Nam).

Ông đã gặp Công nữ Ngọc Hoa như mối duyên tiền định và được chúa Nguyễn Phúc Nguyên đồng ý gả Công nữ Ngọc Hoa về làm vợ. Sotaro đã đón Công nữ đến Nagasaki. Công nữ được người dân tại đây yêu mến, gọi với cái tên “Anio San”. Hai người sinh được một cô con gái và trải qua những tháng ngày tràn đầy hạnh phúc…

Mối tình của Sotaro và Công nữ Ngọc Hoa dựa trên sự bình đẳng, vượt qua cả sự khác biệt quốc gia và giai cấp đem lại nhiều xúc cảm. Đạo diễn, tác giả kịch bản Oyama Daisuke cho rằng, với vở opera này ông mong muốn khán giả có thể cảm nhận được cho dù thời đại có đổi thay hay dù ở đâu chăng nữa thì con người vẫn sống với trái tim nồng nhiệt, lạc quan nhất.

Vở opera "Công nữ Anio" là dự án nghệ thuật hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản được thực hiện nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, (ảnh BTC).

Vở opera "Công nữ Anio" là dự án nghệ thuật hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản được thực hiện nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, (ảnh BTC).

Vở diễn với 4 màn tái hiện chuyện tình của Sorato với Công nữ Ngọc Hoa từ phút đầu gặp gỡ cho đến cuối đời. Theo Ban tổ chức, câu chuyện được thể hiện bằng hình thức opera bởi đây là “nghệ thuật chỉ có duy nhất một lần”, khán giả chỉ có thể bắt gặp ngay tại thời điểm và địa điểm đó. Khán giả sẽ được thưởng thức trọn vẹn sân khấu opera, nơi những suy nghĩ, cảm xúc ca sĩ, nhạc trưởng, dàn nhạc, dàn hợp xướng, đạo diễn, đội ngũ sản xuất đã được biến hóa thành hiện thực.

“Trong quá trình xây dựng vở opera này, chúng tôi mong muốn tạo ra một tác phẩm lưu truyền về sau. Chính vì vậy, việc nghiên cứu, tìm hiểu kỹ càng các chứng cứ lịch sử là điều vô cùng quan trọng. Chúng tôi đã liên hệ, nhờ đến sự hiểu biết của các chuyên gia cố vấn lịch sử của cả Việt Nam và Nhật Bản để xây dựng câu chuyện chính xác, chân thực nhất” - Tổng đạo diễn Honna Tetsuji cho hay.

Vở opera Công nữ Anio hội tụ ê kíp sản xuất và dàn nghệ sĩ opera nổi bật của 2 quốc gia, gồm: Tác giả âm nhạc Trần Mạnh Hùng; tác giả soạn lời (tiếng Việt) Hà Quang Minh; giọng Soprano Đào Tố Loan và Bùi Thị Trang vào vai Công nữ Anio; giọng Tenor Kobori Yusuke và Yamamoto Kohei vào vai Araki Sotaro…

Tổng đạo diễn Honna Tetsuji thông tin, trong vở diễn, khán giả sẽ thấy thú vị, ấn tượng bởi các nghệ sĩ hai nước hát bằng cả tiếng Việt và tiếng Nhật. Nghệ sĩ Kobori Yusuke cho biết, sau thời gian luyện tập tiếng Việt, anh đã khám phá ra được những điểm thú vị của ngôn ngữ này. Trong đó, khi nói bằng tiếng Việt nhưng phải biểu cảm gương mặt thì mới phát âm đúng được.