Theo đó, UBND TP Hải Phòng giao UBND các cấp, các ngành rà soát, điều chỉnh, tích hợp các nội dung quy hoạch hạ tầng PCCC, CNCH vào quy hoạch các dự án có liên quan để đảm bảo định hướng phát triển hệ thống, hạ tầng PCCC, CNCH giai đoạn 2021- 2030 theo quy hoạch hạ tầng PCCC thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 899/QĐ- TTg.
Trong đó, hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ đến trung tâm cấp huyện phải đảm bảo yêu cầu cho phương tiện chữa cháy chuyên dụng hoạt động. Các tuyến phố, ngõ, xóm cần phải “thanh thải” dứt điểm các loại cọc, cổng rào, barie, mái che, mái vẩy làm cản trở khả năng di chuyển của xe chuyên dụng phục vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ hoạt động. Các khu dân cư có đường hẹp, không thể lắp đặt họng, trụ nước chữa cháy hoặc không có hệ thống cấp nước tập trung, xa nguồn nước tự nhiên phải được xây dựng các bể nước PCCC.
Đến năm 2030, phát triển hệ thống bãi đỗ máy bay chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ phục vụ công tác PCCC, CNCH nhà cao tầng, phương tiện trên sông, trên biển, cháy rừng.
Đối với hệ thống cung cấp nước phục vụ công tác chữa cháy, Hải Phòng cũng yêu cầu UBND các cấp, các ngành phải phát triển đồng bộ hệ thống cấp nước PCCC tại các đô thị, KCN đảm bảo tổng lượng nước chữa cháy phù hợp với định hướng phát triển cấp nước đô thị, KCN, địa bàn trọng điểm về PCCC; hoàn thành xây dựng các điểm lấy nước tại các ao, hồ, sông, suối, kênh, rạch được quy hoạch làm nguồn nước PCCC.
Theo chỉ đạo của UBND TP Hải Phòng, tại các khu vực đô thị, các khu vực trọng điểm về PCCC, đảm bảo mỗi đơn vị cấp huyện có tối thiểu 1 đội Cảnh sát PCCC và CNCH.
Nguồn lực thực hiện quy hoạch hạ tầng PCCC, CNCH từ nguồn ngân sách và nguồn xã hội hoá. Trong đó, nguồn ngân sách TP. Hải Phòng sẽ được ưu tiên đầu tư trọng điểm, phù hợp nhu cầu phát triển hạ tầng PCCC, CNCH theo quy hoạch, kế hoạch được phê duyệt.