Nợ người sống, nợ cả người chết
Theo đơn kiến nghị của đại diện 300 công nhân tại Cty TNHH Công nghiệp nhôm Thành Long, tính đến thời điểm năm 2016, các công nhân mới chỉ được doanh nghiệp đóng BHXH cho tới hết năm 2008. Từ đó trở đi, mặc dù tiền lương hàng tháng của công nhân bị trừ một khoản đóng BHXH nhưng thực tế, khoản tiền này không được nộp về cơ quan BHXH.
Không được đóng BHXH, từ 2011 đến 2016, toàn bộ công nhân cũng không được mua BHYT. Rất nhiều người ốm đau, bệnh tật, tai nạn phải bỏ tiền túi ra để thanh toán. Nhiều lao động nữ có con nay đã 7,8 tuổi mà chưa được hưởng chế độ thai sản như: chị Lê Thị Hằng (SN 1981, HKTT tại đường 208, xã An Đồng), chị Vũ Thị Duyên (SN 1986, HKTT tại xã Trung Lập, huyện Vĩnh Bảo), chị Phạm Thị Dung (SN 1987, HKTT tại Kiến An), chị Ngô Thị Hồng Thúy (SN 1980, HKTT tại Đổng Quốc Bình, Quận Ngô Quyền).
Người lao động đến tuổi về hưu phải bỏ ra 15 - 20 triệu đồng để nộp cho doanh nghiệp dưới hình thức cho vay để làm thủ tục về hưu nhưng đến nay một số người vẫn chưa lấy lại hết như trường hợp của bà Đặng Thị Uông (SN 1964, HKTT tại xã An Đồng, huyện An Dương), bà Nguyễn Thị Kim Thông (HKTT tại Hùng Vương, Quận Hồng Bàng), bà Phạm Thị Hoan (HKTT tại đường 208, An Đồng, huyện An Dương).
Ngoài khoản nợ BHXH, hàng trăm lao động còn điêu đứng vì khoản lương đã đổ mồ hôi công sức trong nhiều năm trời cũng có nguy cơ "không cánh mà bay". Trong đó, vô số người lao động bị nợ lương ở mức 100 triệu/người như: anh Phạm Hùng, anh Phan Đức Hưng.
Bức xúc hơn nữa, bộ phận phục vụ nhà ăn của doanh nghiệp còn phải đi vay hoặc bỏ "tiền túi" để mua lương thực, thực phẩm cho cán bộ, nhân viên. "Tổng số tiền nợ từ việc mua đồ để Công ty tiếp khách và tiền ăn ca của công nhân lên tới gần 200 triệu đồng, có hóa đơn chứng từ cũng không được thanh toán. Bao nhiêu năm nay, khoản tiền mà chúng tôi ứng ra để đi chợ cũng chưa được trả hết. Giờ bản thân tôi thất nghiệp lại ốm đau, bệnh tật nên chẳng biết trông ngóng vào đâu", chị Phạm Thu Hường - phụ trách bếp ăn cho biết.
|
Di ảnh của người lao động quá cố được thân nhân đưa đến hội nghị giữa người lao động và Công ty |
Đáng nói, anh Nguyễn Văn Hiệp (SN 1978, công nhân tại phân xưởng đúc) mắc bệnh hiểm nghèo và qua đời 2 năm nay mà vẫn chưa được doanh nghiệp giải quyết dứt điểm chế độ tử tuất và khoản nợ lương. Tại cuộc trao đổi giữa doanh nghiệp và người lao động gần đây nhất, ngày 26/7, cháu Nguyễn Quang Hưng (12 tuổi, con trai anh Hiệp) ôm di ảnh của cha tới để đòi hỏi quyền lợi đáng lẽ gia đình cháu đã được hưởng từ lâu. Cảnh tượng này khiến cho những ai chứng kiến đều cảm thấy thương xót.
Chấp nhận ra tòa để... đòi nợ công ty mẹ
Về vấn đề trên, ông Tạ Duy Sơn, Giám đốc Cty TNHH Công nghiệp nhôm Thành Long "đổ lỗi" cho việc đơn vị phải ôm khoản nợ lên tới gần 20 tỷ đồng trên là do công ty mẹ là Công ty TNHH Công nghiệp tàu thủy Thành Long (thuộc Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Vinashin) đã không chuyển giao vốn trong quá trình thành lập doanh nghiệp và làm ăn thua lỗ. Ông Sơn cũng cho rằng bản thân đã gửi rất nhiều văn bản báo cáo công ty mẹ song chưa có phương án giải quyết.
Tuy nhiên, người lao động cho rằng đây chỉ là cách biện minh phi lý bởi ông Tạ Duy Sơn, với chức trách là Giám đốc Cty TNHH Công nghiệp nhôm Thành Long khi đã đặt bút ký hợp đồng lao động với những công nhân thì phải có trách nhiệm bắt buộc liên quan đến quyền lợi của họ.
Trao đổi với Báo PLVN, đại diện BHXH TP Hải Phòng cho biết, Công ty TNHH Công nghiệp nhôm Thành Long đã dừng đóng BHXH, BHTN, BHYT từ tháng 7/2015. Tổng số lao động đến thời điểm dừng đóng là 96 người. Doanh nghiệp đã đóng BHXH, BHTN, BHYT cho người lao động đến hết tháng 4/2009. Tính đến 30/6/2015, doanh nghiệp nợ BHXH số tiền trên 11 tỷ đồng.
Đại diện BHXH TP Hải Phòng cũng cho biết, theo Nghị định số 115/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc thì trách nhiệm đóng đủ BHXH, BHTN cho người lao động (kể cả tiền lãi chậm) thuộc về người sử dụng lao động. Thêm nữa, đối với đơn vị nợ đóng các khoản bảo hiểm trên mà người lao động có đủ điều kiện hưởng BHXH thì đơn vị có trách nhiệm đóng đủ số tiền bảo hiểm đó cho người lao động.
Ông Tạ Duy Sơn xác nhận, Cty TNHH Công nghiệp nhôm Thành Long đã thực hiện chuyển nhượng doanh nghiệp cho chủ đầu tư khác. Do tài sản của công ty đã thế chấp ngân hàng, nên ngân hàng thu nợ gần hết số tiền chuyển nhượng. Đơn vị chỉ giữ được 900 triệu đồng và dành 700 triệu đồng để chốt sổ BHXH cho 17 trường hợp, giải quyết chế độ hưu trí cho 4 trường hợp.
Vậy đến khi nào những người lao động còn lại được giải quyết chế độ, quyền lợi chính đáng mà lẽ ra họ đã nhận được từ lâu? Câu hỏi này ông Sơn không trả lời được. Ông chỉ cho biết, trong tháng 8/2017, nếu mọi quyền lợi của người lao động không được giải quyết, ông chấp nhận chuyển tất cả hồ sơ, tài liệu đến Tòa án để có phán xét đối với trách nhiệm của bản thân và kể cả trách nhiệm của Cty mẹ.
Cuộc trao đổi giữa đại diện doanh nghiệp và người lao động được tổ chức ngày 26/7 vừa qua không phải là cuộc trao đổi đầu tiên giữa hai bên để đi đến phương hướng xử lý khối nợ lương, nợ BHXH lên tới 20 tỷ đồng. Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.