Hải Phòng hiện thực hóa “cửa ngõ” hội nhập kinh tế của miền Bắc

Trao đổi với PLVN, ông Đan Đức Hiệp – Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết, thành phố Cảng đang khẩn trương thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển KT - XH vùng ĐBSH đến năm 2020 vừa được Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt tại Quyết định số 795/QĐ – TTg ngày 23/5, hướng đến mục tiêu thu nhập bình quân đầu người vào khoảng 4.180 USD/năm.

Trao đổi với PLVN, ông Đan Đức Hiệp – Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết, thành phố Cảng đang khẩn trương thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển KT - XH vùng ĐBSH đến năm 2020 vừa được Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt tại Quyết định số 795/QĐ – TTg ngày 23/5, hướng đến mục tiêu thu nhập bình quân đầu người vào khoảng 4.180 USD/năm.

Đô thị Hải Phòng hôm nay
Đô thị Hải Phòng hôm nay

Theo đó, UBND TP Hải Phòng đã yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương rà soát bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển KT - XH Hải Phòng đến năm 2025 nhằm đảm bảo phù hợp thống nhất với mục tiêu, nhiệm vụ phương hướng của Quy hoạch tổng thể phát triển KT - XH vùng ĐBSH vừa được Thủ tướng phê duyệt.

Lãnh đạo TP Hải Phòng cũng hướng dẫn, yêu cầu các sở, ngành; các quận, huyện cần cập nhật bổ sung các nội dung đã được phê duyệt tại Quyết định của Thủ tướng vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển KT – XH của sở, ngành, địa phương mình.

Theo Quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển KT – XH vùng ĐBSH đến năm 2020, Hải Phòng là một trong tổng số 11 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình và Quảng Ninh, là cửa ngõ ở phía biển Đông với thế giới; là một trong những cầu nối trực tiếp giữa hai khu vực phát triển năng động là khu vực Đông Nam Á và Đông Bắc Á. Đến năm 2020, khu vực ĐBSH phải đóng góp được 28,7% GDP cả nước, tỷ trọng xuất khẩu đạt 35%. Thu nhập bình quân đầu người vào khoảng 4.180 USD/năm. Đến năm 2020, 95 - 100% quận, huyện, thị xã có nhà văn hóa và thư viện; 88% di tích quốc gia trên địa bàn được tu bổ, tôn tạo....

Đến 2020, vùng ĐBSH phấn đấu, đưa tỷ lệ số sinh viên đại học, cao đẳng đạt khoảng 5 người/100 dân. Đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, khắc phục tình trạng quá tải bệnh viện tuyến Trung ương. Ưu tiên thực hiện chương trình nhà ở xã hội, nhà ở cho các đối tượng có thu nhập trung bình và thấp tại khu vực Hà Nội và một số TP lớn trong vùng … .

Để biến các mục tiêu này thành hiện thực xã hội, trên địa bàn Hải Phòng sẽ triển một loạt các công trình lớn như Cảng hàng không Cát Bi, Cảng Hải Phòng được đầu tư xây dựng thành Cảng cửa ngõ quốc tế, đáp ứng nhu cầu vận tải biển quốc tế và khu vực. Các tuyến đường cao tốc Hải Phòng – Hà Nội, Hải Phòng - Hạ Long sẽ được đấu nối vào các tuyến Quốc lộ. Xây dựng tuyến đường ven biển gắn với đê biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình. Cải tạo nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng thành đường sắt tốc độ cao; xây dựng khu công nghiệp phụ trợ Hải Phòng; phát triển hệ thống lưới điện thông minh… Đô thị Hải Phòng đến năm 2020 sẽ có quy mô khoảng 2,2 triệu dân, trong đó dân số nội thành khoảng 1,5 triệu dân, là cửa ngõ hội nhập kinh tế của cả miền Bắc.

Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng nhấn mạnh, tận dụng lợi thế vùng, ưu tiên phát triển có trọng tâm đối với một số ngành trong Quy hoạch tổng thể phát triển vùng ĐBSH đến năm 2020 là cơ hội hội nhập quốc tế sâu rộng đối với các tỉnh thành, tạo động lực dẫn dắt các ngành, gắn kết chặt chẽ với các vùng trong cả nước phát triển.

Phó Chủ tịch TP Hải Phòng cùng đề ra yêu cầu trong việc rà soát, bổ sung quy hoạch, các sở ngành, quận huyện của Hải Phòng cần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng xanh hóa, phát thải thấp, phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các di sản thiên nhiên, các nhu cầu an sinh và trật tự an toàn xã hội.

Mục tiêu phát triển kinh tế vùng ĐBSH:

- Nâng tỷ trọng đóng góp cho GDP cả nước của vùng từ 24,7% năm 2010 lên 26,6% năm 2015 và 28,7% năm 2020; tỷ trọng đóng góp cho xuất khẩu cả nước lên 32,5% vào năm 2015 và 35,0% vào năm 2020. Phấn đấu đến năm 2020 các địa phương trong vùng đều trích nộp cho ngân sách Trung ương.

- Nâng cao thu nhập bình quân đầu người lên 2.500 USD vào năm 2015 và khoảng 4.180 USD vào năm 2020 (bằng 1,3 lần mức trung bình của cả nước). Năng suất lao động năm 2020 gấp ít nhất 2,3 lần so với năm 2010.

- Phấn đấu đến năm 2020 tỷ trọng nông nghiệp trong GDP của vùng đạt 7-7,5%; công nghiệp, xây dựng từ 45 - 47%; dịch vụ từ 46 - 48%.

- Phấn đấu kim ngạch xuất khẩu tăng 16 - 18%/năm trong cả kỳ quy hoạch. Tiến dần đến cân bằng cán cân xuất - nhập khẩu và đạt mức xuất siêu trung bình 3 - 4 tỷ USD/năm.

- Tốc độ đổi mới công nghệ bình quân đạt khoảng 20%/năm.

Linh Nhâm

Đọc thêm