Hải Phòng: Tập trung tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho viên chức, người lao động, sinh viên nhà trường

(PLVN) - Ngày 19/7, Đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) do ông Nguyễn Văn Phúc – Thứ Trưởng Bộ GD&ĐT làm trưởng đoàn khảo sát, kiểm tra công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL); việc thực hiện các quy định tại Nghị định số 84/2020/NĐ-CP và Nghị định số 143/2013/NĐ-CP tại trường Đại học Hải Phòng.
Đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra công tác PBGDPL tại trường Đại học Hải Phòng.

Tham dự buổi làm việc có: bà Mai Thị Anh - Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ GD&ĐT) và các chuyên viên, chuyên viên cao cấp của Vụ; bà Tô Thị Thu Hà - Trưởng phòng Truyền thông chính sách, phổ biến giáo dục pháp luật, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp).

Báo cáo với Đoàn công tác, PGS.TS Bùi Xuân Hải – Hiệu trưởng Trường Đại học Hải Phòng cho biết, Đảng uỷ, Hội đồng Trường, Ban Giám hiệu Trường Đại học Hải Phòng luôn coi trọng công tác tuyên truyền, PBGDPL cho viên chức, người lao động và người học, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, có vai trò nền tảng đối với xây dựng nề nếp, kỷ cương để thực hiện nhiệm vụ chính trị, GD&ĐT.

Thời gian qua, Trường phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP tổ chức lớp, khoá bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho viên chức, người lao động; tổ chức các buổi sinh hoạt đầu khoá, ngoại khoá để phổ biến pháp luật cho các sinh viên ngay sau khi nhập học về các văn bản, quy định pháp luật mới liên quan đến sinh viên, quy chế công tác sinh viên, nội quy, quy định đối với người học…

PGS.TS Bùi Xuân Hải – Hiệu trưởng Trường Đại học Hải Phòng báo cáo với đoàn công tác.

Về vấn đề giảng dạy học phần, cũng như các trường đại học khác, trường Đại học Hải Phòng cũng giảng daỵ môn pháp luật đại cương cho các sinh viên trong trường. Bên cạnh đó, trong các ngành đào tạo nhất định, trường cũng có các môn luật chuyên ngành liên quan giảng dạy kỹ hơn cho học viên.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo trường Đại học Hải Phòng, nguồn kinh phí cho công tác PBGDPL hiện nay còn hạn chế do trường là đơn vị được giao tự chủ chi thường xuyên, trong khi nguồn thu tài chính chủ yếu dựa vào học phí của sinh viên; mọi nguồn lực tài chính chủ yếu chi lương và các hoạt động dạy và học. Qua thực tiễn triển khai, tổ chức, nhà trường kiến nghị Bộ GD&ĐT cần có đề cương hướng dẫn nội dung tuyên truyền, PBGDPL cho các cơ sở giáo dục đại học; người làm công tác pháp chế trong các cơ sở giáo dục không bắt buộc phải là viên chức.

Bà Tô Thị Thu Hà - Trưởng phòng Truyền thông chính sách, phổ biến giáo dục pháp luật, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) phát biểu tại buổi làm việc.

Đối với việc thực hiện Nghị định số 84 của Chính phủ, trường đã thực hiện đầy đủ các quy định về thời gian nghỉ hè, nghỉ phép của viên chức, người lao động; các chính sách học bổng khuyến khích học tập, học bổng chính sách cho sinh viên theo quy định; phổ biến việc miễn giảm giá vé dịch vụ công cộng, hỗ trợ xác nhận cho người học để hưởng ưu đãi về dịch vụ công cộng…

Về khó khăn, vướng mắc tại Nghị định 84, theo lãnh đạo nhà trường, các cơ sở giáo dục tự chủ chi thường xuyên, tự chủ chi đầu tư trong bối cảnh hiện nay thì tỷ lệ phải trích 8% các nguồn thu học phí cho học bổng khuyến khích học tập là áp lực rất lớn đối với giáo dục đại học, nhất là từ ngày 1/7/2024, nhà nước tăng lương cơ sở lên 30%. Trong khi đó, trường Đại học Hải Phòng vẫn áp dụng mức thu học phí theo mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục đào tạo công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên. Nhà trường đề xuất Bộ GD&ĐT phân định rõ nguồn học bổng khuyến khích học tập bố trí từ nguồn thu học phí đối với các trường đại học công lập. Đồng thời, xem xét tỷ lệ trích cho học bổng khuyến khích học tập của các trường được giao tự chủ phải thấp hơn một mức độ nhất định hoặc không áp tỷ lệ phần trăm.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.

Đối với việc thực hiện Nghị định số 143, trong quá trình triển khai thực hiện cho viên chức, người lao động đi học theo quy định, trường Đại học Hải Phòng gặp một số khó khăn: Không thu hồi được chi phí bồi hoàn đối với trường hợp thuộc đối tượng phải bồi hoàn chi phí đào tạo khi đối tượng không hợp tác; Chưa có quy định cụ thể đối với trường hợp chưa thực hiện bồi hoàn chi phí đào tạo mà có đơn xin nghỉ việc, chưa hoàn thành thời gian đào tạo nhưng phải trở về nước vì lý do sức khoẻ.

Nhà trường cũng đề nghị Bộ GD&ĐT cần có quy định cụ thể đối với những trường hợp được cử đi đào tạo nhưng không hoàn thành khoá đào tạo, không thực hiện nhiệm vụ tại các cơ quan quản lý và không hợp tác để thực hiện các thủ tục bồi hoàn và trường hợp vì lý do sức khoẻ không hoàn thành khoá đào tạo nhưng có nguyện vọng trở về cơ quan quản lý tiếp tục công tác.

Đoàn công tác Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các thầy cô trường Đại học Hải Phòng.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Phúc – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT ghi nhận, đánh giá cao công tác chuẩn bị báo cáo của nhà trường cũng như việc nghiêm túc triển khai tuyên truyền phổ biến các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, của TP đến cán bộ, viên chức, người lao động và học viên trong nhà trường.

Thứ trưởng cũng lưu ý, với các văn bản nội bộ của nhà trường, việc tuyên truyền phổ biến không chỉ dừng lại ở các cấp lãnh đạo mà cần phải phổ biến tới giáo viên, viên chức, người lao động của nhà trường để thực hiện cho tốt. Và trong điều kiện hiện nay, các cơ sở giáo dục đại học đang thực hiện tự chủ, việc thực hiện đúng các văn bản quy phạm pháp luật cũng như các văn bản nội bộ ban hành nhiều là một thách thức lớn, cần hết sức lưu ý.

Đối với các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện thu hồi kinh phí liên quan đến Nghị định 143, Đoàn công tác đề xuất nhà trường có văn bản báo cáo cụ thể, nghiên cứu đề xuất các giải pháp, hướng xử lý một cách phù hợp, thấu đáo và nhân văn.

“Những kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc và các kiến nghị, giải pháp của nhà trường sẽ là cơ sở, căn cứ để Đoàn tổng hợp báo cáo về Bộ GD&ĐT và Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương xem xét theo quy định”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho hay.

Đọc thêm