Báo cáo của UBND TP Hải Phòng cho biết, từ ngày 1/10/2016 đến nay, thành phố ban hành 81 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có 2 văn bản về hỗ trợ DN nói chung và DN khởi nghiệp nói riêng. Các văn bản này đã cụ thể hóa các quy định liên quan của Chính phủ, góp phần tạo lập hành lang pháp lý quan trọng đối với sự phát triển của DN trên địa bàn.
Thành phố đã tích cực chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như triển khai các hoạt động đồng hành, hỗ trợ phát triển DN nói chung và hỗ trợ DN khởi nghiệp nói riêng đảm bảo đồng bộ, thống nhất với các chủ trương, chính sách pháp luật của Trung ương và định hướng Chủ đề năm 2017 “Tăng cường kỷ cương thu, chi ngân sách – Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh” của thành phố.
Quán triệt chỉ đạo trên, các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về hỗ trợ DN khởi nghiệp đến cán bộ, công chức, viên chức và các tổ chức, cá nhân, đơn vị. Điển hình, Sở Tư pháp tổ chức 25 hội nghị tập huấn, phổ biến tuyên truyền về Bộ luật Dân sự cho các cơ quan, đơn vị, địa phương, DN; đăng tải nhiều văn bản quy phạm pháp luật trên Phụ trương pháp luật của Báo Hải Phòng, trong đó có nội dung liên quan đến hỗ trợ DN khởi nghiệp.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức 14 khóa đào tạo Khởi sự DN cho 630 học viên. Sở Khoa học và Công nghệ mở nhiều hội thảo, hội nghị phổ biến nội dung về triển khai Kế hoạch phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố; tổ chức thành công triển lãm Techfest Hải Phòng 2017 lần thứ nhất. Sở Công Thương mở 3 lớp tập huấn khởi sự DN công nghệ nông thôn cho 180 học viên…
Việc ưu tiên bố trí các nguồn lực là yếu tố quan trọng trong hỗ trợ DN, đặc biệt đối với DN khởi nghiệp, DN được thành lập để thực hiện ý tưởng dựa trên công nghệ, mô hình kinh doanh mới, sáng tạo áp dụng khoa học công nghệ mới. Do vậy, thời gian qua, UBND thành phố đã triển khai nhiều chính sách, bao gồm cả chính sách hỗ trợ DN trong quá trình thành lập cũng như ưu tiên bố trí nguồn lực về vốn, đất đai, khoa học kỹ thuật và lao động.
Riêng về nguồn vốn, ưu tiên trích từ nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ, kinh phí khác từ các chương trình của thành phố, Trung ương để hỗ trợ DN khởi nghiệp trong lĩnh vực khoa học công nghệ; ưu tiên các nguồn vốn, lãi suất cho vay trong các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DN nhỏ và vừa, DN ứng dụng công nghệ cao; thực hiện có hiệu quả Chương trình kết nối ngân hàng – DN, khuyến khích các tổ chức tín dụng đa dạng hóa sản phẩm tín dụng và đăng ký các chương trình tín dụng cụ thể hỗ trợ DN tiếp cận vốn tín dụng, các dịch vụ ngân hàng…
Nhờ các biện pháp đồng bộ này, môi trường kinh doanh trên địa bàn thành phố được cải thiện, đã thu hút được nhiều sự quan tâm, đầu tư của các tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh. Số lượng DN đăng ký thành lập mới, số lượng DN quay lại hoạt động trên địa bàn thành phố tăng vượt trội trong năm 2016 và 9 tháng đầu năm 2017. Theo đánh giá, xếp hạng của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì Hải Phòng là một trong các địa phương dẫn đầu về tăng trưởng số lượng DN.
Tuy nhiên, theo UBND thành phố, mặc dù số lượng DN thành lập mới và DN quay lại hoạt động vừa qua đã tăng mạnh về số lượng nhưng một số DN chưa có định hướng, quy hoạch tổng thể dẫn đến tình trạng phát triển ồ ạt, chưa đầu tư chuyên sâu, dài hạn. Vì thế, bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, DN phát triển sản xuất, kinh doanh, đóng góp tích cực cho nguồn thu ngân sách thì với DN không chấp hành các quy định pháp luật, Hải Phòng xác định sẽ quyết liệt xử lý theo quy định.
Ngoài ra, Hải Phòng sẽ nghiên cứu quy định tạo điều kiện rút ngắn thủ tục, quy trình xét duyệt các dự án khởi nghiệp; bố trí hợp lý nguồn kinh phí dành cho hoạt động hỗ trợ DN khởi nghiệp, nhất là các DN khởi nghiệp dựa trên những ý tưởng, mô hình kinh doanh mới có hàm lượng tri thức, công nghệ và giá trị gia tăng cao, phát huy được tiềm năng và lợi thế của thành phố.