“Siết” chặt nước đóng chai
Ngày 5/6/2020, qua xác minh nguồn tin từ người dân, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 và số 4 Cục QLTT Hải Phòng đã kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất nước uống đóng bình Trường Thành tại thôn Phương Chử Đông (xã Trường Thành, huyện An Lão), thuộc Công ty TNHH Phúc Hà.
Qua kiểm tra thực tế, Đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở này đã bơm nước từ mương nước phía sau, qua lọc thô và lọc bằng máy móc rồi được đóng bình, dán màng co với nhãn hiệu Vimass. Mỗi ngày cơ sở này đưa ra tiêu thụ trên thị trường khoảng 200 bình nước uống dung tích 20 lít, trong số đó có nhiều cơ quan, trường học đã sử dụng loại nước này.
Đáng nói, Công ty TNHH Phúc Hà tuy đã được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Hải Phòng cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm nhưng đã hết hạn từ năm 2018. Tuy vậy, cơ sở này vẫn tiếp tục sản xuất nước đóng chai cung cấp ra thị trường từ nguồn nước không bảo đảm quy chuẩn.
Từ phát hiện này của Cục QLTT, Chi cục ATVSTP Hải Phòng đã ra quyết định thu hồi toàn bộ sản phẩm nước uống đóng chai Vimass của Công ty TNHH Phúc Hà.
Ngay sau vụ việc trên, Cục QLTT Hải Phòng đã phối hợp với Thanh tra Sở Y tế tiến hành kiểm tra, lập biên bản vi phạm đối với Công ty TNHH HITECH (phường Bắc Sơn, quận Kiến An) do Cty này không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Tại thời điểm kiểm tra, trong xưởng của Công ty TNHH HITECH có khoảng hơn 100 bình nước thành phẩm loại 20 lít. Ngoài việc xử phạt doanh nghiệp này số tiền 35 triệu đồng, cơ quan chức năng cũng yêu cầu Công ty HITECH phải thu hồi toàn bộ sản phẩm nước đóng bình đã bán ra thị trường.
Sau khi kiểm tra phát hiện các cơ sở nước uống đóng bình không đảm bảo yêu cầu, Sở Y tế Hải Phòng ra quyết định kiểm tra đột xuất việc bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống đóng chai, nước đá dùng liền trong toàn thành phố.
Kiểm soát, chống buôn lậu, gian lận thương mại
Trước đó, ngày 18/5/2020, lực lượng QLLT đã phối hợp với Công an quận Lê Chân kiểm tra, phát hiện số lượng lớn nguyên liệu pha chế nước trái cây, trà sữa không đảm bảo. Cụ thể, tại một cơ sở kinh doanh ở phường Dư Hàng Kênh (quận Lê Chân), tổ công tác đã phát hiện 18 thùng carton, 5 bao rứa (tổng trọng lượng khoảng 450kg) nguyên liệu pha chế đồ nước trái cây và trà sữa.
Số hàng hóa có nhãn ghi bằng tiếng nước ngoài, không có nhãn phụ theo quy định. Chủ cơ sở kinh doanh không cung cấp được hóa đơn, chứng từ hợp pháp nên Cục QLTT đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để xử lý theo quy định.
Ông Trần Thành Vin, Cục trưởng Cục QLTT Hải Phòng cho biết, sau hơn 1 năm có sự thay đổi về cơ cấu tổ chức, tới nay Cục QLTT Hải phòng đã ổn định về nhân sự. Ngày 31/5 vừa qua, Đảng bộ Cục QLTT Hải Phòng đã tổ chức thành công Đại hội lần thứ nhất nhiệm kỳ 2020-2025. Cùng với việc ổn định nhân sự, Cục QLTT đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm kiểm soát tốt thị trường.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, Cục QLTT Hải Phòng đã thực hiện kiểm tra 477 vụ, tiến hành xử lý 322 vụ với số tiền xử lý lên tới 6 tỷ đồng. Trong công tác chống buôn lậu, vận chuyển và buôn bán hàng cấm, hàng nhập khẩu, Cục QLTT đã kiểm tra 20 vụ với số tiền xử lý hơn 3 tỷ đồng.
Đối với công tác phòng chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ, không đảm bảo VSATTP, Cục QLTT thực hiện kiểm tra 12 vụ, trong đó tiến hành xử lý 5 vụ.
Ông Vin cho biết, thời gian tới, Cục QLTT Hải Phòng sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên khâu lưu thông và công tác quản lý địa bàn; tiếp tục triển khai các chỉ đạo về phòng chống dịch Covid-19, tăng cường kiểm soát những mặt hàng phục vụ phòng chống dịch như khẩu trang, thiết bị y tế, phát hiện các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa phục vụ phòng chống dịch để tăng giá quá mức.
Bên cạnh việc đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, tham gia kiểm tra liên ngành, Cục QLTT Hải Phòng cũng sẽ phát huy vai trò cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389, đề xuất tham mưu cho UBND TP Hải Phòng các giải pháp đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại.