Phương án 1, đoạn từ nút giao vành đai 2 đến nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ được mở rộng lên 8 làn xe, nhưng giải phóng mặt bằng (GPMB) 10 làn xe (chờ khi đủ kinh phí sẽ mở rộng toàn bộ lên 10 làn). Hiện nay đoạn này đã được GPMB 8 làn xe nên có thể thực hiện ngay.
Trên tuyến có hai cầu là Sông Tắc sẽ được mở rộng theo quy hoạch 10 làn xe, xây thêm cầu Long Thành 4 làn xe như cầu Long Thành hiện tại.
Phương án này sẽ đáp ứng nhu cầu giao thông trên tuyến đến năm 2035, với lưu lượng khoảng 114.315 xe quy đổi/ngày đêm và tận dụng mặt bằng hiện có để triển khai ngay.
TCty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC, đơn vị quản lý tuyến) sẽ là chủ đầu tư thực hiện theo Luật Đầu tư. Tổng mức đầu tư dự án hơn 14.330 tỷ đồng, gồm 4.630 tỷ vốn chủ sở hữu của VEC, vốn vay thương mại 9.700 tỷ đồng. Dự án sẽ thực hiện từ nay đến tháng 6/2028.
Phương án 2, đoạn cao tốc từ nút giao vành đai 2 đến nút giao vành đai 3 dài 4km sẽ được đầu tư theo 8 làn xe, đoạn còn lại đến nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài 17km quy mô 10 làn xe. Trên tuyến vẫn xây dựng cầu Long Thành mới và GPMB toàn tuyến 10 làn xe.
Với phương án này, tổng mức đầu tư dự án hơn 15.620 tỷ đồng, gồm 9.000 tỷ vốn ngân sách nhà nước, vốn VEC huy động 6.620 tỷ, chiếm 42%. Bộ GTVT sẽ là cơ quan chủ quản, VEC là chủ đầu tư theo Luật Đầu tư công, thực hiện từ nay đến tháng 6/2028.
Do khó khăn về nguồn vốn ngân sách cũng như chi phí đầu tư, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN kiến nghị Thủ tướng xem xét phương án 1 bởi dự án đã được GPMB 8 làn xe, có thể triển khai xây dựng ngay.
Để bảo đảm giao thông khi sân bay Long Thành khai thác vào năm 2026, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN cho rằng cần rút ngắn giai đoạn chuẩn bị đầu tư, lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật từ 18 xuống 10 tháng để hoàn thành phần đường và các cầu cạn vào tháng 1/2027, hoàn thành dự án vào tháng 12/2027.
Về khả năng cân đối vốn chủ sở hữu và vốn vay thương mại, cơ quan quản lý cho biết VEC đang thực hiện quy trình tăng vốn điều lệ, dự kiến trong năm 2024 vốn điều lệ sẽ tăng từ 1.115 lên khoảng 25.000 tỷ đồng, bảo đảm điều kiện huy động vốn vay thương mại cho dự án.
Cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây dài 55km quy mô 4 làn xe đã quá tải, đoạn từ nút giao An Phú (TP HCM) đến nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (Đồng Nai) có lưu lượng vượt 25% so với năng lực. Dự báo, đến năm 2026, sân bay Long Thành khai thác, dự án sẽ không thể đáp ứng khả năng thông hành.
Đoạn từ nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đến nút giao cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết có thể khai thác ổn định đến năm 2030, sau đó được mở rộng lên 8 làn xe theo quy hoạch.