Hải quan tích cực hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô phát triển nhanh hơn

(PLVN) - Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển muộn hơn so với các nước trong khu vực khoảng 30 năm. Vì vậy, ngành Hải quan đã và đang triển khai nhiều hoạt động đồng hành để ngành công nghiệp ô tô phát triển đúng mục tiêu đề ra.
Ảnh minh họa

Muộn hơn khu vực khoảng 30 năm

Trong khi các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia phát triển công nghiệp ô tô từ năm 1960 thì đến năm 1991 ngành công nghiệp ô tô Việt Nam mới ra đời. Thực tế đó tạo ra áp lực cạnh tranh lớn đối với sản xuất ô tô trong nước.

Trong bối cảnh giá xe sản xuất trong nước cao, tỷ lệ nội địa hóa thấp, sản phẩm sản xuất trong nước rất khó cạnh tranh với sản phẩm nguyên chiếc nhập khẩu (NK), việc phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam càng gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt trong những năm gần đây và thời gian tới, Việt Nam đã và và sẽ ký kết nhiều Hiệp định thương mại đa phương và song phương, theo đó thuế NK ô tô nguyên chiếc trong lộ trình giảm thuế và sẽ giảm nhanh về 0%.

Thời gian qua, với mục tiêu phát triển công nghiệp ô tô trong nước giảm nhanh tỷ lệ NK linh kiện và sản phẩm nguyên chiếc, Chính phủ đã có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô. Các bộ, ngành chức năng cũng đã tích cực triển khai nhiều hoạt động, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN) trong hoạt động đầu tư, xuất NK hàng hóa, sản xuất, kinh doanh sản xuất các sản phẩm cơ khí nói chung, phụ tùng linh kiện, ô tô nói riêng. 

Thực tế cho thấy ngành công nghiệp ô tô đã có bước phát triển với sự gia tăng số lượng DN sản xuất liên quan đến ô tô. Hiện có khoảng 350 DN, trong đó có các DN sản xuất lắp ráp, DN sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô, khung gầm, thân xe, thùng xe...

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam và việc thực thi các chính sách khuyến khích hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn còn những hạn chế, vẫn còn những kiến nghị, đề xuất cần được tháo gỡ. Đối với ngành công nghiệp hỗ trợ, các DN công nghiệp hỗ trợ hiện nay chủ yếu là DN nhỏ và vừa với quy mô và năng lực của DN còn nhỏ và yếu.

Trong khoảng 1.800 DN sản xuất phụ tùng, linh kiện thì chỉ có khoảng 300 DN trong nước tham gia vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia. Hay tỷ lệ nội địa hóa ô tô Việt Nam đạt 7-10%, trong khi các nước trong khu vực đã đạt 65-70% nội địa hóa, Thái Lan đạt tới 80%.

Tăng cường vai trò thúc đẩy của ngành Hải quan

Nhằm đồng hành cùng ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô ngày càng phát triển theo đúng mục tiêu đề ra, ngành Hải quan đang tích cực triển khai thực hiện các chính sách đã được Chính phủ ban hành như Nghị định số 125/2017/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung Nghị định số 122/2016/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan và Nghị định số 57/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 122/2016/NĐ-CP về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.

Tại tọa đàm “Chính sách thuế và vai trò Hải quan thúc đẩy công nghiệp ô tô Việt Nam” do Báo Hải quan phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) tổ chức mới đây, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Lưu Mạnh Tưởng đánh giá: Nghị định 57 đã hướng tới cải cách thủ tục hành chính, đơn giản biểu thuế, tạo thuận lợi cho công tác quản lý thuế của cơ quan Hải quan và hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. Ngoài ra, các quy định tại Nghị định cũng khuyến khích NK nguyên liệu, vật liệu, ưu tiên để sản xuất, gia công các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phát triển cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô giai đoạn 2020-2024. 

Đây được xem là một trong những giải pháp mạnh mẽ thúc đẩy sự tham gia của các DN vừa và nhỏ thuộc mọi thành phần kinh tế đối với ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, góp phần giảm chi phí đầu vào cho các sản phẩm CNHT để cạnh tranh với hàng NK.

“Và đây chính là cơ hội để các DN phát triển công nghiệp phụ trợ phát triển mở rộng sản xuất và ngược lại. Nếu không tận dụng tốt cơ hội này thì công nghiệp hỗ trợ ô tô Việt Nam sẽ tiếp tục đi sau các nước trong khu vực và chỉ dừng lại ở lắp ráp hoặc sản xuất quy mô nhỏ lẻ”, ông Tưởng nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thu Trang, Phó Trưởng phòng Chính sách thuế xuất nhập khẩu, Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) chia sẻ, tuy giảm thuế nhập khẩu linh kiện nhưng lại góp phần tăng thu ở các sắc thuế nội địa. Cụ thể như theo số liệu báo cáo của các doanh nghiệp đã nộp thuế vào ngân sách nhà nước năm 2018 ghi nhận tăng khoảng 7.300 tỷ đồng so với năm 2017, năm 2019 tăng khoảng 4.000 tỷ đồng.

Cũng tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến cũng đánh giá Nghị định 57 đã mang lại nhiều lợi ích sau khi đã bổ sung nhiều điểm mới theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và minh bạch khi thực hiện. Đồng thời, các đại biểu và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất lắp ráp ôtô, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ôtô, doanh nghiệp nhập khẩu ôtô, tổ chức tín dụng đã trao đổi thẳng thắn những nhận thức, kinh nghiệm nhằm đẩy mạnh hoạt động sản xuất, thương mại, phát triển, cạnh tranh lành mạnh…

Đọc thêm