Trong đó, riêng vi phạm nồng độ cồn, lực lượng CSGT đã phát hiện, xử lý 23.590 trường hợp, phạt tiền trên 90 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe 14.849 trường hợp, tạm giữ 23.590 phương tiện các loại. Trong đó, vi phạm của ô tô là 1.447 trường hợp (chiếm 6,13%), mô tô, xe máy là 22.091 trường hợp (93,64%) và 47 trường hợp xe đạp, xe máy điện vi phạm.
Theo Cục CSGT, một số địa phương có kết quả xử lý vi phạm nồng độ cồn cao như: Đắk Lắk (1.317 trường hợp), Tây Ninh (1.200), Thanh Hóa (1.176), Bắc Giang (1.042), Đồng Nai (970), TP HCM (948), Cà Mau (818), Gia Lai (834), Hà Nội (853)…
Đáng chú ý, một số địa phương đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm nồng độ cồn ở mức vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở như: Trà Vinh (394 trường hợp), Cà Mau (349), Kiên Giang (304), Long An (286), TP HCM (288), Thanh Hóa (209)…
Cũng theo Cục CSGT, các trường hợp không chấp hành yêu cầu của lực lượng chức năng khi xử lý vi phạm nồng độ cồn đều bị xử lý nghiêm theo quy định. Cụ thể, Đắk Lắk có 56 trường hợp, Cà Mau 33 trường hợp, Tây Ninh 30 trường hợp, TP HCM 24 trường hợp, Tiền Giang 20 trường hợp, Kiên Giang 20 trường hợp…
Công tác kiểm soát nồng độ cồn của lực lượng chức năng nhận được ủng hộ, đồng thuận cao của người dân, của xã hội, góp phần tích cực tác động trực tiếp vào ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông “Đã uống rượu, bia thì không lái xe”. Qua đó, góp phần làm giảm tai nạn giao thông trên toàn quốc cả 3 tiêu chí.
Hai tháng qua, toàn quốc xảy ra 1.353 vụ tai nạn giao thông, làm chết 761 người, bị thương 958 người. So với thời gian trước liền kề, giảm 770 vụ (-36,27%), giảm 183 người chết (-19,39%), giảm 759 người bị thương (-44,21%)./.