Chuyến công tác đặc biệt…
Đoàn công tác số 19 có gần 200 thành viên đa số đều là những người lần đầu tiên đi Trường Sa. Người cao tuổi nhất 72 tuổi và người ít tuổi nhất 25 tuổi. Mỗi người được tham gia chuyến hành trình đều có những cơ duyên khác nhau nhưng tất cả đều cùng tâm trạng háo hức, hồi hộp xen lẫn niềm tự hào và cảm giác may mắn.
Ở độ tuổi “xưa nay hiếm”, nữ nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Thị Tuyết Minh với chiếc ba lô to sụ nhanh nhẹn di chuyển để tìm được góc ảnh đẹp, khiến cả đoàn không khỏi cảm phục vì sự dẻo dai, đầy năng lượng. Bà chia sẻ đây là cơ hội cuối cùng để bà thực hiện niềm mơ ước ấp ủ từ rất lâu này…
Được phân công tham gia chuyến công tác Trường Sa, chiến sĩ - nhà báo trẻ Đinh Hải Đăng (Tạp chí Công nghiệp Quốc phòng và kinh tế) không giấu được sự hồi hộp, xúc động. Niềm vinh dự, may mắn này nhân lên gấp đôi khi anh đã thực hiện được tâm nguyện của người cha khi ông chọn cái tên rất ý nghĩa này đặt cho anh trong một chuyến đi biển thoát chết nhờ ngọn hải đăng.
Trong khi đó, Đại tá Đỗ Tiến Thùy, Phó Giám đốc Công an tỉnh Tuyên Quang chia sẻ, anh ấp ủ mơ ước đi Trường Sa từ rất lâu. Khi còn là Cục phó Cục Tham mưu - Tác chiến, Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động, Bộ Công an, anh đã tham mưu xây dựng kế hoạch cho cán bộ, chiến sĩ đi Trường Sa để thấy rằng công việc của cảnh sát cơ động tuy vất vả nhưng không thấm vào đâu so với hy sinh, vất vả của những người lính nơi đầu sóng ngọn gió. Thế nhưng, khi kế hoạch được phê duyệt, Đại tá Đỗ Tiến Thùy “lỡ hẹn” với Trường Sa để nhận nhiệm vụ mới. “Lần này được tham gia chuyến công tác cùng tỉnh Tuyên Quang tôi cảm thấy mình thật may mắn. Một cảm giác trào dâng từ trái tim mình”, Đại tá Đỗ Tiến Thùy xúc động chia sẻ với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam (PLVN).
“Chúng tôi không có đề xuất, kiến nghị gì…”
|
Từ ngày 12 - 18/5/2024, Đoàn công tác số 19 đã thực hiện chuyến hành trình thăm và tặng quà cho các bộ, chiến sĩ và Nhân dân các đảo: Song Tử Tây, Sinh Tồn, Cô Lin, An Bang, Đá Đông B, Đá Tây B, Trường Sa lớn và Nhà giàn DK1/7 (Huyền Trân). Từ xa, chúng tôi đã cảm nhận được sự đón tiếp nồng hậu của các cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo. Những bàn tay rám chắc với những nụ cười sáng trắng của các chiến sĩ đón từng khách mời từ cano lên đảo, các chị, các mẹ duyên dáng trong tà áo dài truyền thống giơ tay vẫy chào… Một không khí bình yên, ấm áp đến lạ thường.
Tại đảo Song Tử Tây, người đầu tiên mà phóng viên Báo PLVN tiếp xúc là Phó Chủ tịch UBND xã Cao Văn Giáp. Xung phong ra đảo từ năm 2007, hết nhiệm kỳ trở về đất liền, 10 năm sau anh lại tiếp tục ra đảo. Anh hào hứng kể về những đổi thay trên đảo, những công việc của một cán bộ tư pháp (chứng thực, khai sinh, khai tử…) tuy không nhiều nhưng “không thể không có”.
Điều ấn tượng là trong báo cáo với Đoàn công tác, sau phần trình bày tình hình, thuận lợi, khó khăn, đến phần “đề xuất, kiến nghị” hầu như chỉ huy các đảo đều mở ngoặc “Không có đề xuất, kiến nghị gì”. “Bất luận trong mọi điều kiện, hoàn cảnh nào, chúng tôi có phải hy sinh cũng quyết tâm bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa thân yêu của Tổ quốc”, Trung tá Lê Ngọc Nam, Chính trị viên cụm đảo Đá Tây xúc động hứa với Đoàn công tác.
Hầu hết các đảo mà đoàn công tác ghé thăm đều có điện năng lượng mặt trời, điện gió, có sóng 2G. Nước ngọt đủ dùng, tự túc thịt, rau xanh… Đặc biệt, nhiều đảo có chùa, nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, đời sống tâm linh của chiến sĩ và người dân được bảo đảm. Trao đổi với phóng viên Báo PLVN, thầy Thích Nhuận Đạt, Trụ trì chùa Trường Sa Lớn cho biết, thầy đã có 8 năm Trụ trì chùa Song Tử Tây và 4 năm Trụ trì chùa Trường Sa Lớn. Thầy tâm sự, ở đâu cũng là tu, chỗ nào cũng có Phật pháp, nhưng ở đây thầy được cống hiến cho Tổ quốc. “Chùa là chỗ dựa vững chắc cho bà con nơi biển đảo xa xôi và có ý nghĩa thiêng liêng với bà con khi ra sinh sống ở đảo Trường Sa, giúp quân và dân trên đảo giữ vững niềm tin, an toàn công tác nơi đầu sóng ngọn gió, để giữ biển đảo của Tổ quốc”, thầy Thích Nhuận Đạt chia sẻ.
|
Phóng viên Báo PLVN cũng các chiến sĩ trên đảo Sinh Tồn. |
Ký ức Gạc Ma…
Khi tàu KN 491 rời cảng Cam Ranh bắt đầu chuyến hành trình, trao đổi với nhóm phóng viên, văn nghệ sĩ, Thiếu tá Hồ Sỹ Hưng, Phó thuyền trưởng tàu KN 491, người có 15 năm kinh nghiệm đi tàu ra Trường Sa cho biết, trong hải trình lần này sẽ có ít nhất 3 lần rơi nước mắt, nhưng chúng tôi trước đó đã nhiều lần rơi nước mắt hơn thế.
Quả không sai, nếu như hôm trước khi xuống tàu, không ít người trong đoàn đã nghẹn ngào tại lễ dâng hương tại Tượng đài Liệt sĩ Trường Sa, thì tại Lễ tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong sự kiện ngày 14/3/1988 được tổ chức trên boong tàu, tại vùng biển đảo Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma, trong không khí linh thiêng ấy, cảm giác xúc động một lần nữa trào dâng khiến nhiều người không kìm được nước mắt. Sau lễ dâng hương, Đoàn công tác đã thực hiện nghi lễ thả vòng hoa, lễ vật, cùng hoa và những cánh hạc giấy do các cháu học sinh tỉnh Nam Định chuẩn bị để tưởng nhớ tới anh linh các anh hùng liệt sĩ.
“Chúng tôi - những thế hệ cán bộ, chiến sĩ đang tiếp nối truyền thống bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, chúng tôi xin hứa với Đảng, Nhà nước, Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng và các thế hệ cha anh đi trước cũng như đồng bào cả nước, trong mọi hoàn cảnh cán bộ, chiến sĩ Trường Sa chúng tôi trung thành tuyệt đối với Đảng, Nhà nước và Nhân dân, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc trong mọi tình huống”, Đại tá Đặng Văn Cảnh, Phó Chủ nhiệm chính trị, Bộ Tham mưu Quân chủng Hải quân nhấn mạnh.
“Tuổi hai mươi chưa một lần hò hẹn…”
|
Trong chuyến đi, những người lính mà chúng tôi gặp trên quần đảo Trường Sa đều rất trẻ, đều ở lứa tuổi 20, trong đó có những người chưa một lần xa nhà, như lời của một bài hát “Tuổi hai mươi chưa một lần hò hẹn/Trong giấc mơ con vẫn gọi mẹ ơi…”. Nước da cháy nắng, ánh mắt lấp lánh và nụ cười trắng sáng là ấn tượng khó quên về những người lính nơi đây.
Trên tàu KN 491, phóng viên Báo PLVN đã tình cờ gặp chiến sĩ Nguyễn Anh Phương, quê ở Hòa Nhơn, Bình Định. 24 tuổi nhưng Phương đã có 7 năm trong quân ngũ ở các đơn vị khác nhau và hiện đang công tác trên tàu KN 491. Khi được hỏi “Thích không?” - Phương nhìn lại tôi và quả quyết: “Đó là đam mê! Nó ngấm trong tim”. Cậu lính trẻ người Bình Định chia sẻ, từ hồi lớp 5, lớp 6 cậu đã mơ ước được trở thành người lính và giờ đây được công tác tại quần đảo Trường Sa, đó là vinh dự và tự hào.
Bồng súng đứng gác tại đảo Đá Đông B, chiến sĩ Bùi Hữu Duy cho biết, em quê Bình Thuận mới nhận nhiệm vụ ở đảo. Các chị, các mẹ trong đoàn vỗ về, động viên, Duy với nụ cười hiền khô nói: “Trước khi đi bộ đội con cũng xa nhà quen rồi, các cô đừng lo!”. Nhưng không thương, không lo sao được khi các bạn lính ở nơi đầu sóng ngọn gió cũng chỉ bằng tuổi con em mình ở nhà.
Trong Đoàn công tác thăm quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK 1/7 có đội văn nghệ xung kích của Nhà hát nghệ thuật truyền thống Nam Định, trong đó có những nghệ sĩ vợ mới đẻ, con nhỏ. Hôm trước còn mệt vì say sóng, nằm bẹp trong phòng, không ăn được cơm, nhưng khi lên đảo, các nghệ sĩ lại xinh đẹp, trẻ trung, đem lời ca, tiếng hát phục vụ cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân.
Xúc động trước tình cảm của những người lính nơi đầu sóng ngọn gió, chị Cù Thị Phương, một thành viên của đoàn Nam Định đã đọc bài thơ mà chị đã ấp ủ cả đêm nói về tâm trạng người lính đảo Trường Sa, trong đó có câu: “Hết nghĩa vụ con sẽ về mẹ nhé/Xa mẹ rồi con thấy yêu mẹ hơn…”. Bài thơ đã lay động trái tim của các chiến sĩ cũng như thành viên Đoàn công tác. Những cái ôm rất chặt và những giọt nước mắt lau vội.
Trở về sau buổi giao lưu văn nghệ tại điểm dừng chân cuối cùng là Nhà giàn DK1/7, cả Đoàn công tác và đội văn nghệ đều phấn chấn. “Trước khi đi cả đội đã hạ quyết tâm phải lên được Nhà giàn và chúng cháu đã làm được!”, các nghệ sĩ hào hứng chia sẻ.
Trước khi rời đảo, tôi và các thành viên Đoàn công tác đã giấu những giọt nước mắt, ôm chặt các chiến sĩ với những lời dặn dò, động viên. Một cậu lính trẻ mắt ươn ướt thì thầm với tôi: “Cô giữ sức khỏe, đừng lo cho bọn con...”.
“Vì Tổ quốc quên mình, vì Nhân dân hy sinh…” lời ca của cán bộ, chiến sĩ và người dân đảo Trường Sa Lớn hòa trong tiếng sóng biển đêm chia tay tiễn Đoàn đầy cảm xúc.
“Đến với Trường Sa, chúng tôi càng thấy trân trọng từng tấc đất, đụn cát, rặng cây, hòn đá… hiên ngang giữa biển trời khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng của Tổ quốc. Đến với Trường Sa, chúng tôi có một niềm tin tất thắng vào ý chí quyết tâm, tinh thần nghị lực, một lòng trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng của cán bộ, chiến sĩ ta. Đến với Trường Sa, cùng với cảm xúc và những điều thu hoạch được, cùng với niềm vui, vinh dự và tự hào, càng thấy trách nhiệm của mình với Tổ quốc, với Trường Sa thân yêu. Qua chuyến đi này, chắc chắn mỗi người không chỉ có thêm tri thức về chủ quyền biển đảo mà còn có ý thức, mong muốn được đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền thông qua lĩnh vực công tác của mình…”.
(Ông Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại Lễ tổng kết chuyến đi)