Với địa hình dốc, nhiều sông suối nhỏ, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, có rất nhiều thủy điện đã và đang xây dựng, như: Rào Trăng 3, Rào Trăng 4, A Lin B1, A Lin B2. Khởi công năm 2016, thủy điện Rào Trăng 3 nằm trên sông Rào Trăng, có công suất lắp máy 11MW, tổng vốn đầu tư hơn 290 tỷ đồng.
Trước bão Nangka, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế đã cảnh báo mưa lũ đặc biệt (lũ lịch sử). Công nhân ở Rào Trăng 3 không về xuôi, dù đi xe máy theo đường 71 về thành phố Huế chỉ hết khoảng một giờ. Họ ngủ trong lán trại và nhà điều hành, dựng ở sườn núi thấp.
0h ngày 12/10, khi công nhân đang ngủ thì phía ngoài có tiếng nổ lớn. Ngay sau đó một nửa quả núi cao hơn 120 m đổ ụp xuống công trường đang thi công, đẩy lán trại, nhà điều hành và máy móc xuôi về hạ nguồn sông Rào Trăng. Mưa to liên tục mấy ngày, đất ngấm nước trở nên bở bục, tràn xuống như thác lũ.
Mấy chục cán bộ, công nhân hò nhau chạy thật xa khỏi điểm sạt lở. Công nhân Hồ Văn Điều (22 tuổi, trú huyện Đrakông, Quảng Trị) kể với người nhà, trong đêm tối sáu người trong nhóm anh băng rừng tháo chạy về phía hạ nguồn. Một người lớn tuổi bị đất đá đè lên, không thể chạy.
Năm công nhân dừng lại tìm cách cứu đồng nghiệp, nhưng đất đá tiếp tục sạt xuống, như muốn vùi lấp. Họ phải tránh ra chỗ khác, chờ đất đá sạt xuống hết rồi quay lại kéo đồng nghiệp lên. Lúc này bùn đất ngập ngang người họ. Cả năm thay nhau cõng người bị thương lội theo con suối, tìm đến một quả đồi cao.
Họ đội mưa chờ đến khi trời sáng, sau đó lội đường ngập ngụa bùn đất đến đầu gối, hướng về thủy điện Rào Trăng 4 ở phía hạ nguồn. Cả nhóm sau đó được người của công ty thủy điện tìm thấy, dùng ôtô chở về công trình Rào Trăng 4.
"Quãng đường 10 km có nhiều đoạn sạt lở. Những đoạn nước ngập phải tăng bo bằng cano. 11h trưa 12/10, chúng tôi mới về đến Rào Trăng 4, nhờ người gọi điện báo về xuôi", công nhân Hồ Văn Thoàng (27 tuổi, huyện Đkrông, Quảng Trị) trong nhóm tháo chạy cùng anh Điều kể.
40 người ở thủy điện Rào Trăng 3 chia thành nhiều nhóm, gồm nhóm của anh Điều, anh Thoàng và 3 chuyên gia Ấn Độ thoát nạn khi về đến Rào Trăng 4. Nhưng 17 đồng nghiệp khác mất tích.
Chiều 12/10, Phó tư lệnh Quân khu 4, thiếu tướng Nguyễn Văn Man cùng ông Nguyễn Thanh Bình, Phó chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế, dẫn đầu đoàn công tác hơn 20 người, vào hiện trường để tổ chức cứu hộ. Trời vẫn mưa to, đường 71 vào thủy điện Rào Trăng 3 có hơn 10 điểm sạt lở, 4 con suối nước chảy xiết.
Lúc 23h cùng ngày, đoàn báo về còn cách thủy điện Rào Trăng 3 khoảng 13 km. Không thể đi tiếp do đêm tối, mưa to, đoàn vào Trạm Kiểm lâm Sông Bồ, thuộc tiểu khu 67 (còn gọi Trạm Kiểm lâm 67) nghỉ chân. Dựa lưng vào núi, Trạm Kiểm lâm 67 là dãy nhà cấp 4, lợp mái tôn, dựng trên địa hình khá bằng phẳng.
Khi đoàn cứu hộ mới nghỉ được một tiếng thì đất đá từ trên núi cao đổ xuống, gần như san phẳng cả khu vực hàng chục nghìn mét vuông. Nghe tiếng tri hô, ông Nguyễn Thanh Bình cùng 7 người khác đang ở phòng ngoài gần đường, hô nhau tháo chạy. Họ vượt 14 km đường rừng về trụ sở UBND xã Phong Xuân cấp báo.
"13 người đang mất tích", thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó chánh Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, thông tin về tai nạn sạt lở đất ở Trạm Kiểm lâm 67. Trong số nạn nhân đang được tìm kiếm, có thiếu tướng Nguyễn Văn Man cùng nhiều cán bộ cấp tá của Quân khu 4.
Những ngày sau đó, quân đội cùng chính quyền tổ chức cứu nạn bằng đường bộ, đường thủy, đường không. Quân khu 4 và tỉnh Thừa Thiên Huế đã lập Sở chỉ huy tiền phương tại trụ sở UBND xã Phong Xuân, cách công trường thủy điện Rào Trăng 3 khoảng 30 km.
Hai phương án ban đầu là lựa chọn một mũi chở công binh bằng xe cơ giới đi theo đường 71, giải phóng các đoạt sạt lở để nhanh chóng vào hiện trường; mũi thứ hai là đi xuồng cao tốc theo đường thủy từ nhà máy thủy điện Hương Điền ngược lên. Tuy nhiên, mũi tiếp cận nào cũng khó khăn do sạt lở nhiều, các tuyến đường đều bị chia cắt.
Đến tối 13/10, lực lượng cứu hộ đường thủy đã đến được Rào Trăng 4. Anh Điều cùng năm người khác được dìu xuống cano, chuyển về Bệnh viện Đa khoa Bình Điền cấp cứu. Họ bị kiệt sức, phải truyền đạm. Lo ngại nhóm công nhân đang hoảng loạn tinh thần, bệnh viện không cho người tiếp cận.
Chiều 14/10, tại thủy điện Rào Trăng 4, lực lượng cứu hộ đưa được 19 người ra ngoài an toàn. Tại thủy điện Rào Trăng 3, một thi thể được tìm thấy. Thượng tá Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết do trời tối, đoàn đã rút về đơn vị để đảm bảo an toàn.
"Hôm nay 15/10, lực lượng cứu hộ quay trở lại thủy điện Rào Trăng 3 và khu nhà kiểm lâm để tìm kiếm các nạn nhân", ông Tuấn nói. Tính đến nay, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã đưa được 25 người ở Rào Trăng 3 ra ngoài, trong đó có một người tử vong đang chờ người thân nhận diện.
Từ ngày 6 đến 13/10, ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới và không khí lạnh, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi mưa rất to. Tổng lượng mưa trong 10 ngày đầu tháng 10 ở Thừa Thiên Huế, Quảng Trị gấp 2-6 lần so với trung bình nhiều năm cùng kỳ. Đến sáng 15/10, mưa lũ làm hơn 135.320 hộ dân bị ngập, 40 người chết, 8 người mất tích (chưa tính thiệt hại ở Rào Trăng 3 và Trạm Kiểm lâm 67).
Hiện nước rút nhanh, tỉnh Quảng Bình còn 2 điểm ngập, tỉnh Quảng Trị ngập 3 xã vùng trũng ven sông thuộc huyện Hải Lăng, tỉnh Thừa Thiên Huế ngập 4 xã thuộc các huyện Quảng Điền, Phú Vang.