Hạn chế cấp Phiếu Lý lịch tư pháp số 2: Bảo vệ bí mật đời tư hay gây khó cho công dân?

(PLO) - Đó là vấn đề được đưa ra tại Phiên họp toàn thể lần thứ 6 của Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội diễn ra hôm qua (2/8) để thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp (LLTP). 
Theo Dự thảo Luật, Phiếu LLTP số 2 sẽ không cấp cho cá nhân.

Phiếu LLTP số 2 bị lạm dụng

Những năm gần đây, cứ vào đầu mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng, dư luận lại “nóng” lên cùng với những thông tin về các trường hợp thí sinh có điểm khá cao nhưng bị đánh trượt khỏi các trường thuộc ngành Công an vì vướng ở khâu…lý lịch. Chính bởi vậy, việc bảo vệ bí mật đời tư của công dân, hay xoá án tích… là những quy định mới trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật LLTP lần này. 

Theo Tờ trình của Chính phủ, trong 6 năm thi hành Luật, công tác cấp Phiếu LLTP đã cơ bản đáp ứng yêu cầu của người dân và thể hiện vai trò quan trọng của Phiếu LLTP trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Tuy nhiên, công tác LLTP có nhiều hạn chế, như chưa phản ánh được những nội dung mới của Hiến pháp năm 2013; chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách thủ tục hành chính; việc cấp Phiếu LLTP số 2 (thể hiện cả những án tích đã được xóa) bị lạm dụng… 

Phát biểu tại phiên họp, nhiều ý kiến đánh giá cao những quy định mới được thể hiện trong Dự thảo Luật lần này, đặc biệt là việc bỏ quy định về cấp Phiếu số 2 để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, cũng như bí mật đời tư của cá nhân, không làm ảnh hưởng đến ý nghĩa nhân đạo của chế định xoá án tích. Theo đại diện Bộ Tư pháp, quyền yêu cầu cấp Phiếu số 2 hiện nay đang bị lạm dụng và từ năm 2012 đến nay, tình trạng lạm dụng yêu cầu cá nhân phải nộp Phiếu số 2 ngày càng gia tăng. Để tránh tình trạng này, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp và bí mật đời tư của cá nhân, không làm ảnh hưởng tới ý nghĩa nhân đạo của chế định xóa án tích, Dự án Luật đã bỏ quy định về cấp Phiếu số 2 của Luật LLTP năm 2009. 

“Dự án Luật sẽ đảm bảo đồng bộ theo hệ thống pháp luật hiện hành, đồng thời đảm bảo thực hiện theo đúng Hiến pháp năm 2013. Đặc biệt ở đây là nhấn mạnh đến quyền con người, quyền nhân thân đó là quyền bí mật đời tư; quyền được hoà nhập với cộng đồng; quyền được tham gia các sinh hoạt nghề nghiệp và sinh hoạt xã hội khác, khi mà công dân đã phạm tội và được xoá án tích”- ông Hoàng Quốc Hùng, Giám đốc Trung tâm LLTP quốc gia cho biết.

Cần thêm nhiều loại phiếu lý lịch khác

Cẩn trọng hơn, một số đại biểu đề nghị việc bỏ Phiếu số 2 cần được xem xét, đánh giá toàn diện cả ưu và nhược điểm. Theo ông Nguyễn Công Hồng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Dự án Luật chưa có đánh giá tác động của việc bỏ cấp Phiếu LLTP số 2. Trên thực tế, chỉ có số lượng rất nhỏ các trường hợp trong số các đối tượng xin cấp Phiếu số 2 đã từng có án tích, nên không thể vì bảo đảm bí mật của đối tượng này mà ảnh hưởng đến nhiều cá nhân khác. Mặt khác, đánh giá của Chính phủ cho thấy nhu cầu cấp Phiếu số 2 của cá nhân ngày một tăng để phục vụ mục đích xin thị thực nhập cảnh, định cư, kết hôn, xuất khẩu lao động… theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức trong nước và nước ngoài. Nếu Dự án Luật bỏ quy định về cấp Phiếu số 2 có thể gây khó khăn và ảnh hưởng đến quyền lợi của chính công dân Việt Nam. 

Từ thực tế này, nhiều đại biểu cho rằng việc các tổ chức nước ngoài yêu cầu LLTP cũng cần được xem xét một cách hợp lý. Bởi nếu họ hoạt động tại Việt Nam thì phải theo quy định pháp luật của Việt Nam, nhưng nếu công dân Việt Nam ra nước ngoài làm việc, học tập cần phải theo quy định pháp luật nước sở tại và yêu cầu của tổ chức đó.

Đưa ra quan điểm “trước mắt không đồng ý bỏ Phiếu LLTP số 2”, nhưng Luật sư Trương Trọng Nghĩa đề nghị Dự án Luật cần quy định rõ cơ quan, tổ chức nào được yêu cầu cung cấp Phiếu LLTP số 2 và chứng minh dùng để làm gì, quy định chế tài thật nghiêm nếu để lộ thông tin của cá nhân…

Ngoài hai loại ý kiến trên, một số đại biểu lại đề xuất ý kiến cần thêm nhiều loại phiếu LLTP với các cấp độ khác nhau để phù hợp với nhu cầu, yêu cầu thực tế. 

Trước đó, tại phiên họp đầu tiên của Ban soạn thảo Dự án Luật do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long - Trưởng Ban soạn thảo chủ trì, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) Trần Xuân Long cho rằng phải đánh giá có đúng Phiếu số 2 vi phạm bí mật đời tư của cá nhân hay không vì Luật hiện hành đang cho phép công dân được quyền yêu cầu cấp Phiếu số 2, nhưng dự kiến sửa đổi không còn quyền này nữa liệu có hợp lý không? Trong khi đó, đại diện VKSNDTC cũng kiến nghị cân nhắc có nên tiếp tục duy trì quy định về Phiếu số 2, bởi một khi đã được xóa án tích thì người đã được xóa án tích phải bình đẳng với người không có án tích, trong khi Phiếu số 2 thể hiện cả những án tích đã được xóa là ảnh hưởng đến việc tái hòa nhập cộng đồng của họ.

Đánh giá cao các hồ sơ của Ban soạn thảo cơ bản đầy đủ, nhưng vẫn còn một số vấn đề các thành viên Ủy ban Tư pháp băn khoăn, bởi vậy kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị Ban soạn thảo cần có đánh giá tác động đầy đủ của Dự thảo Luật đối với từng trường hợp cụ thể (đối với đối tượng đi xuất cảnh, kết hôn với người nước ngoài, xuất khẩu lao động, học tập…), qua đó cân nhắc việc Dự thảo Luật có bỏ cấp Phiếu LLTP số 2. 

Đọc thêm