Xu hướng mua sắm trực tuyến ngày một gia tăng
Theo nhận định của Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp TMĐT tại “Diễn đàn bán lẻ Việt Nam 2016”, TMĐT và công nghệ di động đã mang lại những cơ hội to lớn và tác động mạnh mẽ đến các ngành kinh tế, đặc biệt là ngành phân phối bán lẻ khắp toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Cái nhìn toàn cảnh về ngành dịch vụ bán lẻ dưới tác động của TMĐT và công nghệ di động cho thấy nhiều điểm sáng của hoạt động này, điển hình là hoạt động tiếp thị trực tuyến. Ông Nguyễn Thanh Hưng – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TMĐT dự kiến, đến năm 2020 hoạt động tiếp thị trực tuyến sẽ đạt được 1,8 tỷ USD.
Trong những năm qua, TMÐT tại Việt Nam đã phát triển rất nhanh chóng. Phương thức mua bán trực tuyến qua các trang thông tin điện tử được phổ cập trong xã hội. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ đã dựa vào TMÐT để phát triển kênh bán hàng như các hãng hàng không, công ty du lịch, khách sạn... Những “sàn giao dịch” trên môi trường mạng internet đã được thành lập và dần có thương hiệu như Zalora, Baza, vatgia, Lazada, hotdeal, muachung. Tiki, Sendo…, chưa kể các trang web bán hàng của cá nhân, các hoạt động bán hàng qua các trang mạng xã hội (facebook, zalo, youtube, google+…) đã tạo ra một thị trường mua bán hàng hóa trên internet khá sôi động.
Tuy mới phát triển, doanh thu của TMĐT ở Việt Nam đã đạt 4,07 tỷ USD vào năm 2015, tăng gấp 5 lần so với năm 2012, trung bình tốc độ tăng trưởng của TMĐT là hơn 20%/năm dù quy mô giao dịch chưa cao. Với tốc độ này, dự kiến năm 2020 TMĐT sẽ đạt doanh thu 10 tỷ USD, chiếm 5% tổng mức bán lẻ hàng hóa của cả nước như mục tiêu Bộ Công Thương đặt ra cho chiến lược phát triển hoạt động bán lẻ của Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa tin tưởng “mục tiêu này là khó nhưng sẽ đạt được”, nhất là khi xu hướng mua sắm trực tuyến qua điện thoại di động và internet đang ngày một gia tăng.
Việt Nam là thị trường bùng nổ của smartphone, trong vòng 5 năm (2010-2015), lượng người dùng Internet của Việt Nam đã tăng hơn gấp rưỡi, từ 28 triệu lên 43 triệu (153%). Ước đạt trên 40% tổng dân số. Số lượng người sử dụng smartphone cũng được dự báo sẽ tăng từ 20,7 đến 39,2 triệu người vào năm 2020, và còn có thể cao hơn. Số liệu khảo sát của Google APAC cũng cho thấy, ở Việt Nam, 55% người dùng điện thoại thông minh (smartphone). Đến năm 2020 cứ 10 người sẽ có 8 người dùng điện thoại di động. 46% người sở hữu máy tính cá nhân. 70% người mua sẽ lên mạng tìm kiếm thông tin, địa chỉ mua hàng… trước khi quyết định mua sắm; 82% dùng điện thoại di động để quyết định mua hàng ngay khi vào cửa hàng. Gần 50% người sử dụng smartphone ở khu vực thành thị có thực hiện các hoạt động liên quan đến mua sắm trực tuyến (online) trên điện thoại di động. Có đến 92% người sử dụng internet tại Hà Nội và TP HCM mua sắm trực tuyến.
Chỉ rõ những thách thức chính của ngành bán lẻ, ông Phạm Thành Công – Công ty Nielsen cho rằng đó cũng là những cơ hội tiềm năng cho TMĐT cần được khai thác. Đó là 1,3 triệu cửa hàng truyền thống, chiếm 85% doanh thu của ngành bán lẻ và hơn 65 triệu người sống ở khu vực nông thôn, đóng góp 54% tổng doanh số ngành bán lẻ. Đáp ứng được thị trường nông thôn, ngành bán lẻ nói chung và TMĐT nói riêng sẽ có được một bước đà quan trọng để tiệm cận những mục tiêu phát triển đã đặt ra.
|
Các giao dịch qua thương mại điện tử sẽ góp phần minh bạch hóa thị trường. |
Mua online, thanh toán bằng… tiền mặt
Hoạt động kinh doanh trực tuyến trên internet và mạng điện thoại di động đã làm thay đổi nhiều nguyên tắc trong giao dịch để phù hợp với đặc thù của hoạt động mua bán trên internet: người mua và người bán không gặp mặt trực tiếp mà giao dịch trên không gian ảo... Đây vừa là lợi thế trong kinh doanh, vừa tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn cho cả người mua và người bán nếu không được kiểm soát, quản lý chặt chẽ. Thực tế đã cho thấy rất nhiều trường hợp quảng cáo sai sự thật, lừa đảo, cạnh tranh không lành mạnh, trốn thuế... xảy ra qua các giao dịch trên không gian ảo này.
Cùng với đó, hiện dịch vụ bán lẻ trực tuyến ở Việt Nam vẫn duy trì với hình thức “mua trực tuyến, nhận hàng và thanh toán bằng tiền mặt”. Một phần là do hoạt động thanh toán trực tuyến chưa “song hành” khiến hoạt động TMĐT của Việt Nam “chưa hoàn thiện” như vậy. Ông Nguyễn Thanh Hưng phản ánh, còn 90% giao dịch thanh toán bằng tiền mặt (người mua chọn hàng hóa trực tuyến và thanh toán bằng tiền mặt khi nhận hàng) là khó khăn cho sự phát triển của TMĐT toàn diện vì TMĐT cần phải có thanh toán trực tuyến. Yếu tố thanh toán trực tuyến sẽ góp phần làm minh bạch các giao dịch và hạn chế sự “có mặt” của tiền mặt trên thị trường.
Một trong những giải pháp chống tham nhũng đã được nhiều chuyên gia đề cập là chuyển đổi nền kinh tế “tiền mặt” sang nền kinh tế “tài khoản” để hạn chế việc sử dụng tiền mặt vốn khó truy xuất dấu vết nguồn tiền đến và đi, tạo điều kiện cho các hoạt động hối lộ, gây nhũng nhiễu, vòi vĩnh… Tuy nhiên, để làm được thì cần có rất nhiều yếu tố về thể chế, chính sách, hạ tầng kỹ thuật… và quan trọng là phải thay đổi tâm lý và thói quen tiêu dùng kiểu “tiền tươi, thóc thật” trong xã hội. Và khi TMĐT được hoàn thiện bằng việc thanh toán trực tuyến sẽ thực sự giúp hạn chế rất nhiều những cơ hội để tiền mặt có thể “tung hoành” cho những giao dịch “đen” không chỉ trong hoạt động thương mại mà còn trong các lĩnh vực khác của xã hội.
Thậm chí, ông Pieter Pennings, CEL Consulting còn đánh giá: “Cuộc chiến về giá cả và giao nhận hàng hóa TMĐT là một cuộc chiến khốc liệt với 85-95% giao dịch TMĐT được thanh toán theo hình thức trả tiền mặt khi nhận hàng. Điều này nâng cao rủi ro đối với các doanh nghiệp TMĐT thiếu năng lực quản lý hoặc không có những đối tác giao nhận có năng lực và kinh nghiệm về logistics TMĐT. Chính đặc điểm kinh doanh TMĐT ở Việt Nam với tỉ lệ trả tiền mặt cao như vậy cũng phần nào làm nản lòng không ít các doanh nghiệp TMĐT nước ngoài trong việc đầu tư kinh doanh TMĐT tại Việt Nam”.
Tạo niềm tin thực cho gian hàng “ảo”
Do đó, để TMÐT phát triển thì các yếu tố hạ tầng cần được xây dựng một cách đồng bộ từ pháp lý, viễn thông, internet, phương thức thanh toán, nguồn nhân lực. Cùng với đó là các cơ chế, chính sách để các doanh nghiệp có cơ hội phát triển hoạt động TMĐT. Bà Đinh Thị Mỹ Loan – Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam dự báo, khoa học công nghệ luôn phát triển cho phép các nhà bán lẻ mở rộng tầm hoạt động (không chỉ giới hạn ở thị trường nội địa mà còn vươn ra quốc tế), hoạt động đa kênh (online/offline) chứ không còn việc bán lẻ đơn kênh để tăng cơ hội kết nối với khách hàng. Như kênh bán lẻ trực tuyến (online) nổi tiếng Amazon.com đã có các cửa hàng bán lẻ trực tiếp và từ 1/1/2017 dự kiến sẽ phổ cập các cửa hàng Amazon Go (người mua hàng tại cửa hàng thanh toán bằng quẹt thẻ, không cần xếp hàng thanh toán như các cửa hàng truyền thống).
Cùng với đó, điện thoại di động sẽ đóng góp to lớn và phổ biến hơn trong hoạt động mua – bán lẻ. Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, nhiều nhà bán lẻ sẽ chọn giải pháp dựa vào điện toán đám mây, mua sắm qua mạng xã hội… Ngoài ra, theo các chuyên gia về TMĐT, đặc thù của TMĐT là yếu tố “ảo” nên để sức hút của TMĐT đối với người tiêu dùng, các doanh nghiệp hay những người bán hàng cần tạo dựng ứng dụng bán hàng có thể sử dụng trên thiết bị di động hay xây dựng các website mua hàng trực tuyến thực sự tiện ích, đơn giản, dễ dùng, cùng với dịch vụ giao nhận linh hoạt, tiết kiệm, giá cả cạnh tranh với nhiều hoạt động khuyến mại phong phú để khách hàng có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin sản phẩm, những trải nghiệm mua hàng thú vị, tạo niềm tin thực sự với những sản phẩm trên các gian hàng “ảo”…
Qua nghiên cứu thị trường, chuyên gia của Công ty Nielsen cũng cho rằng, phát triển TMĐT cần lưu ý đến việc cung cấp thông tin để người tiêu dùng có thể phân biệt giữa thông tin thực và ảo, có cảm xúc với TMĐT và dần thay thế thói quen mua sắm truyền thống bằng TMĐT. Do đó, hình thức mua sắm ảo (cá nhân hóa những kinh nghiệm mua sắm tại cửa hàng thông qua việc sử dụng các hình ảnh 3 chiều và màn hình thực tế ảo, tạo ra những trải nghiệm mua sắm sống động) cũng sẽ là tương lai ngành bán lẻ Việt Nam thời công nghệ.
Đặc biệt, hiện TMĐT đang vướng về thanh toán trực tuyến. Song với xu hướng thanh toán tiền mặt sẽ mất dần ưu thế, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa nhận định, hoạt động thanh toán trực tuyến sẽ phát triển, góp phần thúc đẩy sự phát triển của TMĐT. Điển hình, năm 2015 chỉ có 11 ngân hàng thì năm 2016 đã có 19 ngân hàng tham gia ngày bán hàng trực tuyến.