Hưởng lợi từ dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới
Thông tin đưa ra tại buổi hội thảo “Dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới: Rà soát quy định pháp luật ở 5 nước Châu Á và lựa chọn chính sách cho Việt Nam” do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư (CIEM) tổ chức hôm 3/5 cho thấy, mặc dù có một số điểm tương đồng, Nhật Bản, Ấn Độ, Indonesia, Philippines đang có những cách tiếp cận rất riêng.
Cụ thể, Phillippines không có một “chính sách kinh tế số” rõ ràng trong khi Ấn Độ đã trở thành một “Ấn Độ Số” và Nhật Bản thì đang hướng tới mục tiêu trở thành “Quốc gia tiên tiến nhất thế giới về công nghệ thông tin”. Phillippines không đưa ra các hạn chế cụ thể về dòng dữ liệu xuyên biên giới và là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên chính thức thông qua cách tiếp cận “Ưu tiên Đám mây”.
Thêm vào đó, Ngân hàng T.Ư Phillippines cũng khuyến khích các ngân hàng thử nghiệm với công nghệ số và dịch vụ để thúc đẩy phát triển tài chính toàn diện và tăng trưởng, trong đó có việc đưa các hệ thống công nghệ chính của ngân hàng lên đám mây.
Những chính sách này đã tạo cơ hội cho các quốc ra phát triển từ dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới. Cụ thể, tại Nhật Bản, việc tận dụng trí tuệ nhân tạo và internet vạn vật được dự đoán sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế lên tới 4,1%, Năm 2030 GDP sẽ tăng 40%.
Việc đẩy nhanh sự tham gia của Ấn Độ vào tất cả các loại dòng chảy dữ liệu toàn cầu trong thập kỷ qua để bắt kịp các quốc gia gia tiên phong đã có thể tăng GDP của nước này lên 1.2 nghìn tỷ USD. Tại Indonesia, tăng cường truy cập và băng thông rộng và sử dụng dữ liệu, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ sẽ giúp GDP tăng 2% và tạo ra 4 triệu việc làm…
Việt Nam - “chưa mở”…
Trong khi đó, theo đại diện ACCA, bà Lim May Ann, Giám đốc điều hành của ACCA, khung pháp lý của Việt Nam về các luồng dữ liệu xuyên biên giới “chưa mở” so với các nước được khảo sát. Kết quả phân lọai này được dựa trên một số yếu tố: Thứ nhất, các yêu cầu cấp phép, yêu cầu hợp tác và tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện “các biện pháp kỹ thuật” khi cần (các biện pháp này có thể được hiểu là cho phép chính quyền truy cập các thông tin được mã hóa theo Luật An toàn Thông tin Mạng);
Thứ hai, các yêu cầu phải có máy chủ ở trong nước để hỗ trợ yêu cầu kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước theo Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và các yêu cầu kiểm soát nội dung trong Thông tư 38/2016/TT-BTTTT hướng dẫn thực hiện Nghị định 72 của Bộ TT&TT; Thứ ba, các chính sách liên quan tới thuế xuyên biên giới có xu hướng trở nên nghiêm ngặt hơn, được thể hiện trong các diễn biến gần đây liên quan tới việc quản lý các công ty kết nối dịch vụ đặt xe và các cơ sở đặt khách sạn trực tuyến.
Theo ACCA, các yêu cầu về mặt quản lý này có thể tạo ra những thách thức đối với các nhà cung cấp dịch vụ dữ liệu xuyên biên giới, khiến họ phải cân nhắc việc tham gia vào thị trường Việt Nam. Hơn thế nữa, điều này cũng có thể tác động tiêu cực đến các DN Việt Nam có nhu cầu sử dụng các công cụ và dịch vụ được cung cấp bởi các công ty cung cấp dịch vụ dữ liệu xuyên biên giới và các dịch vụ điện toán đám mây quốc tế vốn đóng vai trò quan trọng trong việc giúp gia tăng sự phát triển của các DN số tại Việt Nam.
Báo cáo của ACCA trích dẫn một nghiên cứu ước tính rằng Nghị định 72 có thể khiến GDP thực tế của Việt Nam giảm 0,24% trong trung và dài hạn, và một báo cáo trước đó ước tính thiệt hại có thể lên tới 1,7% GDP, 3,1% đầu tư trong nước và 1,5 tỷ USD giá trị phúc lợi tiêu dùng.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ TT&TT) ông Mai Liêm Trực cũng cho rằng quản lý Internet thực chất là quản lý dữ liệu, kinh tế số là nền kinh tế dựa trên dữ liệu, do vậy, chính sách quản lý cần có tư duy thúc đẩy sự phát triển. Nếu lo lắng về bảo vệ dữ liệu cá nhân, an toàn thông tin mạng… mà tính đến quản lý dữ liệu xuyên biên giới sẽ gây ra nhiều rào cản hạn chế sự phát triển.
“Luật An ninh mạng đang được trình lên Quốc hội có nhiều điểm trùng với Luật An toàn thông tin mạng đã được ban hành trước đây. Nếu Luật An ninh mạng mà được thông qua như dự thảo thì cơ hội tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam trở nên xa vời” - ông Trực lo ngại.
Tổng Thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam, ông Vũ Thế Bình băn khoăn khi xu hướng hiện nay mọi ứng dụng phần mềm đều được đưa lên môi trường điện toán đám mây (truy cập và sử dụng qua mạng Internet) và gần như không có quốc gia nào có thể kiểm soát được dữ liệu xuyên biên giới. “Việc kiểm soát này là một thách thức và cần chi phí rất lớn!” - ông Bình quả quyết.
Nhắc lại 3 cuộc cách mạng công nghiệp mà Việt Nam đã bỏ lỡ nhiều cơ hội, Viện trưởng CIEM, TS Nguyễn Đình Cung khẳng định “Bây giờ hoặc không bao giờ!”- Theo ông cuộc cách mạng 4.0 chính là cơ hội để chúng ta tiến nhanh hơn… “Chính sách quản lý dữ liệu xuyên biên giới cần hài hòa với các nước. Việc áp đặt tư duy và cách thức quản lý theo kiểu truyền thống đối với nền kinh tế số là không phù hợp. Quản lý cần phải tạo điều kiện và thúc đẩy, tạo cơ hội phát triển…” - TS Cung bày tỏ quan điểm.
“Chính phủ Việt Nam cần phải có một cách tiếp cận thận trọng để đảm bảo rằng việc xây dựng một môi trường an toàn mạng không vô tình hạn chế và kìm hãm tiềm năng phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số” - bà Lim May Ann, Giám đốc điều hành của ACCA đưa ra lời khuyên.