Hạn chế phạt tù người chưa thành niên

(PLO) - Mặc dù Bộ luật Hình sự (BLHS) hiện hành quy định chế tài áp dụng đối với người chưa thành niên chủ yếu là các chế tài không mang tính giam giữ và hình phạt nghiêm khắc nhất là tù có thời hạn, tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn cho rằng sửa đổi BLHS lần này cần nghiên cứu hạn chế khả năng áp dụng hình phạt tù và bổ sung quy định về tha tù trước thời hạn có điều kiện. 
Một vụ án mà các bị cáo là người chưa thành niên phạm tội được hưởng án treo
Một vụ án mà các bị cáo là người chưa thành niên phạm tội được hưởng án treo
Đề nghị bổ sung một số hình phạt không tước tự do
Với những nguyên tắc hết sức cụ thể về xử lý người chưa thành niên phạm tội được quy định tại Điều 69 BLHS, Nhà nước luôn thể hiện sự khoan dung và tin tưởng khả năng cải tạo thành người có ích của người chưa thành niên phạm tội. 
Điều 70 BLHS cũng quy định, đối với người chưa thành niên phạm tội, Tòa án có thể quyết định áp dụng một trong các biện pháp tư pháp có tính giáo dục, phòng ngừa, đó là giáo dục tại xã, phường, thị trấn và đưa vào trường giáo dưỡng. Điều 71 BLHS quy định về các hình phạt được áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội nêu rõ: Người chưa thành niên phạm tội chỉ bị áp dụng một trong các hình phạt sau đây đối với mỗi tội phạm: Cảnh cáo, Phạt tiền, Cải tạo không giam giữ, Tù có thời hạn.
Như vậy có thể thấy chế tài áp dụng đối với người chưa thành niên theo quy định của BLHS chủ yếu là các chế tài không mang tính giam giữ. Nhìn vào các quy định của BLHS, trong số những hình phạt có thể áp dụng thì phạt tù có thời hạn là hình phạt nghiêm khắc nhất. Đây là hình phạt chỉ có thể áp dụng đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật trong trường hợp thực sự cần thiết mà khi áp dụng các biện pháp chế tài khác nhẹ hơn đã tỏ ra không hiệu quả. 
Thực tiễn xét xử, Tòa án áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người chưa thành niên phạm tội phải căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, đặc điểm nhân thân người phạm tội, những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ để quyết định phạt tù có thời hạn đối với họ.
Tuy nhiên, theo nhóm chuyên gia nghiên cứu hoàn thiện quy định của BLHS về hệ thống chế tài thì quy định về hình phạt tù có thời hạn đối với người chưa thành niên phạm tội còn nhiều bất cập. Cụ thể theo quy định hiện hành của BLHS,  người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì hình phạt được áp dụng đối với họ chỉ có thể là hình phạt tù có thời hạn, mà họ sẽ không có cơ hội được áp dụng các hình phạt không mang tính giam giữ.
Nguyên nhân của thực trạng này, theo nhóm chuyên gia, là do quy định của BLHS về điều kiện áp dụng hình phạt không tước tự do, cụ thể là các hình phạt cảnh cáo, phạt tiền và cải tạo không giam giữ chỉ có thể áp dụng đối với người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi trở lên phạm tội, chứ không thể áp dụng đối với người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội. 
Bởi lẽ, theo quy định tại các Điều 29, 31 và 72 BLHS thì các hình phạt này chỉ áp dụng đối với các tội phạm ít nghiêm trọng và một số trường hợp phạm tội nghiêm trọng. Trong khi đó, Điều 12 BLHS quy định người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Nhóm chuyên gia đề nghị, nghiên cứu bổ sung thêm một số hình phạt không tước tự do vào hệ thống hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội để tạo cơ hội cho người chưa thành niên từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi khi bị truy cứu trách nhiệm hình sự có thể được áp dụng hình phạt không tước tự do, ví dụ như hình phạt lao động phục vụ cộng đồng; đồng thời xác định rõ nguyên tắc hình phạt tù áp dụng đối với người chưa thành niên phải là biện pháp cuối cùng, khi không lựa chọn được các hình phạt khác thích hợp hơn. 
Ưu tiên áp dụng biện pháp tư pháp
Ông Nguyễn Quốc Việt, nguyên Vụ trưởng Vụ Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp tán thành quan điểm của nhóm chuyên gia. Tuy nhiên, ông đề nghị không nên áp dụng hình thức đưa vào trường giáo dưỡng đối với trẻ em vì không phù hợp với Công ước Liên Hợp quốc về quyền trẻ em vì tinh thần của Công ước này là trẻ em không được cách ly khỏi gia đình, trừ khi gia đình “có vấn đề”, bởi gia đình luôn là môi trường tốt nhất cho các em. Lý do thứ hai là ở trường giáo dưỡng sự giáo dục quá nghiêm ngặt, hà khắc sẽ quá sức chịu đựng của các em nhỏ. 
Bà Lê Thị Hòa, Phó Trưởng phòng Pháp luật hình sự, Vụ Pháp luật hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp cũng đề xuất, sửa đổi nguyên tắc tại Khoản 4 Điều 69 BLHS hiện hành theo hướng “khi xét xử, Tòa án ưu tiên áp dụng một trong các biện pháp tư pháp được quy định tại Bộ luật này”, đồng thời bổ sung quy định “khi áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội cần hạn chế áp dụng hình phạt tù, nếu xử phạt tù thì “trong thời gian thích hợp ngắn nhất”. Việc sửa đổi, bổ sung những quy định nói trên có ý nghĩa thiết thực cho thẩm phán khi cân nhắc, lựa chọn giữa các chế tài có thể áp dụng đối với người chưa thành niên để ưu tiên áp dụng các biện pháp tư pháp và chế tài không tước tự do.
Bên cạnh đó, cũng theo bà Hòa, cần mở rộng khả năng áp dụng các chế tài không tước tự do đối với người chưa thành niên phạm tội. Cụ thể là mở rộng khả năng áp dụng hình phạt cảnh cáo đối với cả trường hợp người chưa thành niên phạm tội nghiêm trọng, có nhiều tình tiết giảm nhẹ; mở rộng khả năng áp dụng hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ và biện pháp tư pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn không chỉ áp dụng đối với người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi mà cả với người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi. 
Ngoài ra, đối với hình phạt cải tạo không giam giữ cũng cần cân nhắc mở rộng khả năng áp dụng không chỉ đối với người chưa thành niên đang có nơi làm việc ổn định hoặc nơi thường trú rõ ràng, nhằm tạo chính sách xử lý bình đẳng giữa những người phạm tội.
Dẫn chứng quy định tại Khoản 4 Điều 69 BLHS: “Khi xét xử, nếu thấy không cần thiết phải áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội thì Tòa án áp dụng một trong các biện pháp tư pháp được quy định tại Điều 70 Bộ luật này”,  TS Trịnh Tiến Việt, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Tư pháp hình sự, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, dù không ghi nhận trực tiếp nhưng căn cứ vào nội dung điều luật có thể coi đây là một trường hợp miễn hình phạt có điều kiện đối với người chưa thành niên phạm tội. 
Vì thế, sửa đổi BLHS, ông Việt đề xuất nên ghi nhận trực tiếp tên gọi miễn hình phạt trong điều luật nói trên. Ngoài ra, TS Việt cũng đề nghị quy định cụ thể việc giảm mức hình phạt đã tuyên đối với người chưa thành niên phạm tội.
Được biết, một trong những định hướng xây dựng BLHS sửa đổi về nghiên cứu hoàn thiện chính sách hình sự liên quan đến người chưa thành niên phù hợp với tinh thần Công ước Liên Hợp quốc về quyền trẻ em, Bộ Tư pháp cho rằng cần hoàn thiện các nguyên tắc xử lý người chưa thành niên phạm tội theo hướng bảo đảm lợi ích tốt nhất cho các em, đồng thời có cơ chế bảo vệ tốt hơn người chưa thành niên bị tội phạm xâm hại.  
Bên cạnh đó, nghiên cứu khả năng hạn chế phạm vi truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi theo hướng chỉ coi là tội phạm khi người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện một số tội phạm cụ thể và được quy định trực tiếp trong phần các tội phạm; nghiên cứu hạn chế khả năng áp dụng hình phạt tù trên cơ sở qui định chặt chẽ hơn điều kiện áp dụng hình phạt này đối với người chưa thành niên; tăng cường áp dụng các hình phạt không tước tự do đối với người chưa thành niên từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng; người chưa thành niên từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng. 
Đồng thời, bổ sung quy định về tha tù trước thời hạn có điều kiện áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội để đưa người chưa thành niên bị kết án phạt tù sớm trở về với cộng đồng; nghiên cứu bổ sung quy định áp dụng biện pháp xử lý thay thế biện pháp hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội. Mặt khác, có chính sách xử lý hình sự nghiêm khắc hơn trong trường hợp tội phạm gây thiệt hại cho người chưa thành niên, đặc biệt là đối với các tội phạm xâm hại trẻ em.
Theo Nhóm chuyên gia nghiên cứu hoàn thiện quy định của BLHS về hệ thống chế tài để cân bằng lợi ích giữa việc bảo vệ người chưa thành niên và lợi ích xã hội trong việc bảo vệ trật tự an toàn xã hội thì cần nghiên cứu sửa đổi quy định về chế tài hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội theo hướng nghiêm khắc hơn trong một số ít trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. 
Để thực hiện việc này, cần nghiên cứu đồng bộ 02 vấn đề: Một là, tăng mức tối đa của hình phạt tù có thời hạn đối với người chưa thành niên phạm tội từ 18 năm tù như hiện nay lên đến 20 năm hoặc 25 năm tù; hai là, nghiên cứu sửa đổi quy định về việc tổng hợp hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội, theo đó, hình phạt chung áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội là tù có thời hạn với mức cao nhất được áp dụng có thể lên đến 18 hoặc 25 năm tù tùy thuộc vào độ tuổi của người phạm tội. 

Đọc thêm