Vi phạm nghiêm trọng, pháp nhân vẫn vô can
Một vụ việc doanh nghiệp vi phạm rất điển hình được nhiều chuyên gia dẫn chứng khi nói về bất cập của BLHS hiện hành đó là vụ việc xảy ra tại Công ty tư vấn Quốc tế Thái Bình Dương (PCI) đưa hối lộ. Theo đó, Công ty PCI đã thỏa thuận và bảy lần đưa hối lộ cho Huỳnh Ngọc Sĩ (Giám đốc Ban quản lý dự án Đại lộ Đông– Tây).
Vì thế, PCI đã được tạo điều kiện thuận lợi để trúng hai gói thầu tư vấn thiết kế và tư vấn giám sát. Tòa án Tokyo xét xử 4 bị cáo thuộc Công ty PCI đã đưa hối lộ cho Huỳnh Ngọc Sĩ về tội cạnh tranh không công bằng. Còn Tòa án TP. Hồ Chí Minh đã kết án Huỳnh Ngọc Sĩ chung thân về tội nhận hối lộ.
Như vậy trong vụ việc nói trên, chỉ có 4 bị cáo của Công ty PCI và Huỳnh Ngọc Sĩ phải chịu trách nhiệm hình sự. Tòa án Việt Nam đã không thể truy cứu trách nhiệm hình sự Công ty PCI do không có cơ sở pháp lý về trách nhiệm hình sự của pháp nhân.
Tiến sĩ Hoàng Văn Hùng (Đại học Luật) nhận định, doanh nghiệp phạm tội rất đa dạng nhưng chủ yếu là các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế. Tuy nhiên, bất cập là ở chỗ theo pháp luật hiện hành, trách nhiệm hình sự chỉ được xác định với cá nhân, thông thường là người đứng đầu doanh nghiệp (Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc điều hành). Trong trường hợp có nhiều người phạm tội thì trách nhiệm hình sự cũng được xác định theo trách nhiệm cá nhân nhưng trên cơ sở quy định về đồng phạm.
Chính vì thiếu các quy định về trách nhiệm hình sự của doanh nghiệp nên không thể xử lý, ảnh hưởng đến việc đấu tranh phòng chống tội phạm. Với phân tích này, TS. Hùng cho rằng cần phải có quy định truy cứu trách nhiệm hình sự đối với doanh nghiệp gây thiệt hại cho xã hội nhưng cần lựa chọn phạm vi các tội phạm có thể được thực hiện bởi các doanh nghiệp.
Cùng quan điểm “các biện pháp xử phạt hành chính là chưa đủ sức răn đe”, Th.S Vũ Hải Anh, Đại học Luật Hà Nội cho rằng: “Nếu chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự của cá nhân vi phạm là chưa phù hợp”.
Quy định dễ “hình thức”?
Tổng kết thi hành BLHS, Bộ Tư pháp thừa nhận BLHS hiện hành chỉ quy định trách nhiệm hình sự đối với cá nhân, không quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân, trong khi đó thực tiễn cho thấy nhiều tổ chức, doanh nghiệp (pháp nhân) vì chạy theo lợi nhuận đã bất chấp sự an toàn, tính mạng, sức khỏe của cộng đồng, thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế như đầu cơ, trốn thuế, kinh doanh trái phép, buôn lậu hoặc vi phạm các quy định về hoạt động ngân hàng, chứng khoán, bảo vệ môi trường, bảo hộ lao động. Chủ thể này cần bị xử lý hình sự để răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung. Do vậy, cần nghiên cứu bổ sung các quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân.
Tuy nhiên, vẫn còn những ý kiến trái chiều về vấn đề nêu trên. Phó Viện trưởng VKSNDTC Trần Công Phàn băn khoăn: “Có nên đặt ra vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân hay không vì suy cho cùng, trách nhiệm hình sự là cá thể hóa”. Phó Viện trưởng lưu ý phải thận trọng, nếu không “đặt ra nhiều khi là hình thức”.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Dương Ngọc Ngưu cũng đồng tình: Việc xử lý với pháp nhân vi phạm hiện đã có phạt tiền (mức phạt đã được nâng lên theo Luật Xử lý vi phạm hành chính mới), rút giấy phép hoặc giải thể, người có trách nhiệm cũng có thể bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự… Như vậy đã có đầy đủ cơ chế xử lý nên theo ông Ngưu: “Chưa nên đưa vào quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân”.
Theo quy định, các hình thức xử phạt có thể áp dụng với doanh nghiệp khi có hành vi vi phạm pháp luật là cảnh cáo, phạt tiền, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn...Ngoài các biện pháp xử phạt này, doanh nghiệp còn có thể bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như khôi phục lại tình trạng ban đầu; buộc tháo dỡ công trình xây dựng không phép; buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm...