Hàn Quốc: Tỷ lệ sinh giảm báo động, khiến nhiều ngành nghề lao đao

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên tỷ lệ sinh tại Hàn Quốc đang ở mức đáng báo động, thuộc hàng thấp nhất trên thế giới. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội mà còn kéo theo nhiều hệ lụy khác.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Điển hình là giáo dục mầm non, ngày càng nhiều nhà trẻ mầm non ở xứ Kim chi không thể tiếp tục hoạt động do quá ít trẻ em. Tính đến tháng 8/2022, số trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo giảm 27,3%, từ 1,45 triệu năm 2017 xuống còn 1,05 triệu. Trong khi đó, theo số liệu từ Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc, có 31.099 nhà trẻ ở quốc gia này tính đến tháng 8 vừa qua, giảm 9.139 cơ sở so với năm 2017.

“Hầu hết trung tâm giữ trẻ tư nhân và nhà trẻ nhỏ với quy mô khoảng 20 học sinh đã đóng cửa. Nguyên nhân chính là do tỷ lệ sinh thấp đã ảnh hưởng đến mọi mặt của cuộc sống”, Chi Sung Ae, cựu Giám đốc Hiệp hội Giáo dục mầm non Hàn Quốc cho biết.

Trong bối cảnh suy giảm kinh tế kéo dài và giá nhà đất tăng chóng mặt, ngày càng nhiều người trẻ Hàn Quốc trì hoãn hoặc từ bỏ việc kết hôn, sinh con.

Theo dữ liệu được Cục Điều tra Dân số Hàn Quốc công bố hồi tháng 8, nước này đang đối mặt với viễn cảnh giảm hơn một nửa dân số vào cuối thế kỷ 21 với tổng tỷ suất sinh ở Hàn Quốc (số con trung bình một phụ nữ sinh trong đời) xuống mức thấp kỷ lục vào năm 2021, cũng là năm thứ 4 liên tiếp xuống dưới 1%. Cụ thể, tỷ lệ sinh trung bình của phụ nữ Hàn Quốc năm 2021 là 0,81 con/người, gần bằng một nửa mức trung bình của các quốc gia khác thuộc nhóm của OECD là 1,59.

Tỷ lệ sinh giảm được cho là sẽ đẩy nhanh sự sụt giảm dân số trong độ tuổi lao động, hiện tượng được gọi là "vách đá nhân khẩu". Dân số trong độ tuổi lao động giảm dẫn đến nguồn cung lao động giảm, làm ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

Tỉnh Gyeonggi là địa phương có số nhà trẻ đóng cửa nhiều nhất với 2.330 cơ sở phải ngừng hoạt động so với cùng kỳ, trong khi số trẻ mẫu giáo giảm 75.794 bé. Tiếp theo là Seoul với các con số tương tự là 1.477 và 71.528. “Khu vực thủ đô có nhiều trung tâm giữ trẻ nhất nên cũng ghi nhận số lượng cơ sở đóng cửa nhiều nhất. Tỉnh Gyeonggi đặc biệt bị ảnh hưởng nặng nề vì nhiều cặp vợ chồng định cư ở đây sau khi kết hôn”, Kim Young Sook thuộc Hiệp hội Chăm sóc - Giáo dục Hàn Quốc thông tin.

Không chỉ nhiều nhà trẻ đóng cửa do tỷ lệ sinh thấp, nghề bác sĩ sản phụ khoa cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Cụ thể, cứ 4 bệnh viện ở Hàn Quốc thì có một cơ sở không có bác sĩ sản phụ khoa hoặc bác sĩ phụ khoa. Phòng sinh nở cũng trong tình trạng thiếu thốn tương tự.

Theo dữ liệu được công bố bởi Cục Thống kê Hàn Quốc và Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc vào ngày 9/10, 63 trong số 250 thành phố, quận và huyện trên toàn quốc thiếu bác sĩ chuyên về sản khoa và phòng hộ sinh tính đến cuối năm 2021.

Vào tháng 6/2011, con số tương ứng là 51. Hầu hết khu vực đều ở ngoại ô, nơi cuộc khủng hoảng dân số diễn ra nghiêm trọng nhất. Số lượng bệnh viện xử lý các ca sinh đẻ đã giảm từ 1.027 vào năm 2007 xuống chỉ còn 474 vào năm ngoái.

Số bác sĩ sản phụ khoa làm việc trong các phòng sinh nở tại Hàn Quốc đã giảm 38,1% từ 777 người năm 2011 xuống còn 481 người vào năm ngoái. Trong năm 2004, cả nước có 1.311 bác sĩ làm việc trong phòng sinh nở. Dữ liệu cho thấy 20 khu vực nông thôn hoàn toàn không có bác sĩ đỡ đẻ, những nơi có dân số chỉ từ 16.000 đến 52.000 người và hiện tại vẫn đang liên tục thu hẹp.

Theo một cuộc khảo sát năm 2019 của Hiệp hội Sản phụ khoa Hàn Quốc, 57% sinh viên theo học ngành sản khoa cho biết họ không có kế hoạch theo đuổi ngành này khi đã có giấy phép hành nghề.

Hiện Hàn Quốc đang cố gắng đảo ngược xu hướng này bằng cách cung cấp hỗ trợ tài chính trị giá 1 tỷ won cho các phòng khám sản phụ khoa mở ở những khu vực không có bệnh nhân, nhưng khoản trợ cấp này chưa thấy có tác dụng đáng kể nào.

Ông Lee Sang-lim, nhà nghiên cứu tại Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc, cho biết: “Thay vì cố gắng xây dựng thêm nhiều phòng khám phụ khoa, chính quyền nên nghĩ ra những cách tốt hơn để hỗ trợ phụ nữ mang thai. Ví dụ như có chương trình kiểm tra sức khỏe thường xuyên và hợp tác với các trung tâm y tế công cộng và sở cứu hỏa địa phương để xây dựng một hệ thống cấp cứu cho trẻ em”.