Hàng giả được xuất hiện… hợp pháp?

(PLO) - Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học Công nghệ) nhiều năm nay vẫn song song cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu và văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp (KDCN) cho các DN có đơn đăng ký. Tuy nhiên, việc cấp song song 2 loại văn bằng bảo hộ này đã bộc lộ những vấn đề rất đáng nghi ngại…
Giấy Hà Nội đang phải đối mặt với hàng giả có văn bằng bảo hộ của Cục SHTT
Giấy Hà Nội đang phải đối mặt với hàng giả có văn bằng bảo hộ của Cục SHTT

Hàng giả có thể được cấp văn bằng bảo hộ… 

Mới đây, Công ty Tiến Hiếu (Hà Nội) đã phát hiện ra việc xuất hiện sản phẩm có “nhận dạng” tương tự như nhãn hiệu Giấy Hà Nội với Logo TIE và chữ Hà Nội Silk cách điệu đã được Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu cho Tiến Hiếu từ tháng 5/2009. 

Theo bà Đinh Thị Kim Định, Giám đốc Công ty Tiến Hiếu, loại giấy xâm phạm nhãn hiệu Giấy Hà Nội có bao bì sản phẩm giống hệt bao bì của Tiến Hiếu từ logo TIE tới chữ HÀ NỘI cách điệu. Nếu quan sát kỹ mới thấy chữ bên dưới logo có khác nhau khi hàng chính hãng có tên Công ty Tiến Hiếu Co.ltd, còn hàng không chính hãng chỉ có chữ chung chung là Hà Nội Việt Nam. 

Thậm chí, trên bao bì hàng không chính hãng có ghi số bằng bảo hộ KDCN, thậm chí có cả tem chống hàng giả. Trong khi bao bì của Tiến Hiếu trong suốt 10 năm xây dựng thương hiệu trên thị trường không có những yếu tố này. 

Điều đáng ngạc nhiên là văn bằng bảo hộ KDCN được cấp cho sản phẩm hàng gần giống với sản phẩm của Công ty Tiến Hiếu mới chỉ được cấp từ tháng 3/2018. Chủ sở hữu của văn bằng bảo hộ KDCN này là Hộ kinh doanh Nguyễn Thị Hà ở Biên Giang (Hà Đông, Hà Nội). Và kiểu dáng được bảo hộ chính là bao bì của Giấy Hà Nội đã có mặt trên thị trường gần 10 năm mà Công ty Tiến Hiếu đã mất nhiều công sức xây dựng. 

Bà Kim Định cho biết thêm, Công ty Tiến Hiếu đã được Cục SHTT cấp Bằng bảo hộ độc quyền nhãn hiệu giấy Hà Nội với các thành phần chính (logo TIE và chữ HÀ NỘI SILK) từ ngày 5/3/2009. “Vậy mà bây giờ Cục SHTT lại cấp bằng bảo hộ bao bì giấy Hà Nội cho người khác. Văn bằng này chẳng khác nào cấp phép cho người ta làm giả hàng chúng tôi. Tức là cho người ta có quyền làm hàng giả hợp pháp” - bà Định bức xúc. 

Kẽ hở trong việc cấp văn bằng bảo hộ SHTT

Đây không phải là lần đầu tiên Cục SHTT bị phản ứng về vấn đề này. Bởi khoảng một năm trước, Báo PLVN cũng đã phản ánh về việc Cục SHTT cấp Bằng bảo hộ nhãn hiệu “nước mắm Cửa Hội” cho Công ty Thuỷ sản Nghệ An và sau đó cũng cấp bằng KDCN cho nhãn hàng hoá của Công ty cổ phần chế biến thuỷ sản và dịch vụ Cửa Hội với tên thương hiệu “nước mắm Cửa Hội” gây ra sự xung đột giữa 2 Công ty. 

Theo lý giải từ các thẩm định viên của Cục SHTT, các thẩm định viên của Phòng KDCN không thể thẩm định việc tên thương hiệu trong nhãn hàng hoá được cấp chứng nhận KDCN đã từng tồn tại. Ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục SHTT cũng cho rằng, có thể dấu hiệu trên KDCN tương đồng, tương tự hoặc gần giống thậm chí là trùng lặp với nhãn hiệu của người khác được bảo hộ nhưng vì nó là đối tượng khác nhau và nằm ở cơ sở dữ liệu khác nhau thuộc các chuyên môn khác nhau thì thẩm định viên KDCN không thể tra cứu hết được. 

Ông Lâm cho biết thêm, trong trường hợp do không có thông tin, Cục SHTT cấp văn bằng bảo hộ KDCN chứa dấu hiệu tương tự nhãn hiệu được bảo hộ thì Luật SHTT cho phép chủ sở hữu nhãn hiệu nộp đơn yêu cầu xem xét dấu hiệu đó. Nếu thực sự 2 dấu hiệu đó tương tự thì quyền khai thác KDCN sẽ bị dừng lại. 

Rõ ràng đã xuất hiện hiện tượng nhiều DN lợi dụng kẽ hở nói trên của Cục SHTT để đăng ký nhãn hàng hoá có tên thương hiệu trùng với nhãn hiệu đã có tên tuổi trên thị trường, dẫn đến hiện tượng “hàng giả, hàng nhái được bảo hộ”. Vậy Cục SHTT có cần xem xét lại việc cấp song song văn bằng bảo hộ nhãn hiệu và văn bằng bảo hộ KDCN cho nhãn hàng hoá?.

Đọc thêm