Nhiều mặt hàng công bố mức giá mới sau khi giá xăng điều chỉnh tăng. Riêng các doanh nghiệp vận tải, dự kiến cước có thể tăng 7 – 10%...
Ảnh minh họa. |
Chịu tác động trực tiếp từ giá xăng đầu tiên có thể kể đến là khối các doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Đại diện một hãng taxi có hơn 600 đầu xe tại Hà Nội cho biết, lần tăng giá trước đây, hãng không điều chỉnh mức cước tăng theo giá xăng, bởi có tăng thêm vài trăm đồng/km thì cũng không đáng kể và hệ lụy dẫn tới là có thể bị mất khách. Tuy nhiên, đợt tăng giá xăng lần này quá gần với mức điều chỉnh lần trước nên chắc chắn giá cước taxi sẽ được tính toán tăng lên.
“Không chỉ hãng tôi mà nhiều hãng cũng đã tính đến chuyện tăng giá cước”, đại diện hãng taxi này cho biết.
Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Hùng, nói, việc giá xăng tăng liên tiếp 2 lần cộng với khoản tiền phí bảo trì đường bộ sắp phải nộp trong thời gian tới đã khiến cước vận tải “không thể không tăng giá”. Theo ông Hùng, nhiều doanh nghiệp vận tải có thể cân nhắc tăng giá cước khoảng 7-10%...
Sau khi giá xăng được điều chỉnh, Hiệp hội vận tải Hà Nội cũng đã có văn bản gửi các doanh nghiệp vận tải, khuyến cáo nên cân đối và điều chỉnh cho hợp lý để doanh nghiệp khỏi lỗ. Nếu có điều chỉnh thì cố gắng đợi sau ngày 1/5 tới đây.
“Ăn theo” giá xăng và cước vận tải, nhiều mặt hàng khác cũng “nhấp nhổm” tăng giá. Tại chợ đầu mối Long Biên, một số tiểu thương phản ánh, kể từ khi áp giá xăng mới, chi phí vận chuyển hàng hoá vào chợ đã có mức tăng lên đáng kể. Theo đó, các mặt hàng tại đây cũng được điều chỉnh giá theo mức tăng dần lên, dù không đáng kể.
Do tác động bởi chi phí vận chuyển tăng, nên một số chợ đầu mối khác như chợ đầu mối Thanh Trì, Kim Liên, Trương Định… cũng đã có sự thay đổi về mức giá đối với các mặt hàng.
Bà Nguyễn Thị Hải, một tiểu thương tại chợ Nghĩa Tân cho biết, thông thường nếu giá xăng tăng ít thì không ảnh hưởng lắm đến mức giá đối với các mặt hàng. Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá xăng tăng liên tục như vừa qua đã thật sự tác động vào chi phí vận chuyển, vì vậy mức giá các mặt hàng được giao tại quầy vì thế cũng được tăng theo.
Những mặt hàng chịu sự tác động trực tiếp trong lần tăng giá xăng lần này chủ yếu là hàng thực phẩm tươi sống, hoa quả… “Những mặt hàng này được vận chuyển từ xa lên, nếu như ở chợ Kim Liên thì hàng hải sản được nhập từ Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa…”, tiểu thương tên Vân ở chợ Kim Liên, cho biết.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho hay, việc điều chỉnh giá xăng dầu hai đợt vừa qua quá gần nhau nên giá cả hàng hóa bị tác động tăng theo là khó tránh khỏi. Cũng theo bà Lan, chỉ số giá tiêu dùng trong quý I tăng không nhiều nhưng do giá xăng dầu đầu tháng 3, tháng 4 tăng khá cao nên sẽ ảnh hưởng những tháng tiếp theo.
Hoàng Lan