Hàng hóa Việt Nam luôn trong nguy cơ bị áp thuế suất cao?

(PLVN) - Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) vẫn được cấp đúng quy trình nhưng vì sao Việt Nam lại liên tục bị nhắc nhở về việc có thể bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại khi xuất khẩu (XK) sang Hoa Kỳ, châu Âu?
Mặt hàng gỗ dán có nguy cơ cao bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại
Mặt hàng gỗ dán có nguy cơ cao bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại

Nguy cơ cao bị lợi dụng xuất xứ hàng hóa

Bà Trần Thu Hương, Giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) cho biết, từ khi Hoa Kỳ áp thuế hàng hóa XK từ Trung Quốc đã xuất hiện làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam. 

Từ năm 2018 đến nay, tổng số doanh nghiệp (DN) có nguồn vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt từ Trung Quốc, đề nghị cấp C/O không ưu đãi cho hàng hóa XK sang Hoa Kỳ tăng nhanh. Các mặt hàng khá mới như gỗ ván ép (hiện bị Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá lên đến 183,36% và thuế chống trợ cấp lên đến 194,9%), các loại dây cáp, củ sạc, sạc pin không dây, thiệt bị điện tử…

Tuy nhiên, các sản phẩm như củ sạc, dây cáp cho các thiết bị điện tử, máy móc chuyên dụng là nhóm sản phẩm bị từ chối cấp C/O nhiều nhất do quy trình sản xuất không vượt qua được công đoạn gia công chế biến đơn giản sau khi VCCI kiểm tra thực tế như nhập khẩu (NK) toàn bộ nguyên phụ liệu về gia công lắp ráp kết nối…

Trước việc Việt Nam có nguy cơ cao về việc bị lợi dụng xuất xứ để xuất hàng đi Hoa Kỳ, VCCI đã thường xuyên cập nhật danh sách các mặt hàng có nguy cơ cao XK vào Hoa Kỳ để nhắc các tổ cấp C/O kiểm tra cẩn thận các mặt hàng này.

Trong 9 tháng năm 2019, tổ cấp C/O của VCCI đã kiểm tra 262 cơ sở sản xuất hàng hóa XK, trong đó có 70% các cơ sở sản xuất hàng hóa XK sang Hoa Kỳ và 20% cơ sở XK sang EU. Khi kiểm tra đều mang theo những mẫu linh kiện để đối chiếu xem khai báo và xuất trình có đúng và phù hợp không, kiểm tra từng model sản phẩm. VCCI cũng đã từ chối cấp C/O cho 30 sản phẩm, nhiều nhất là điện tử, đèn led, dây cáp…

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, tỷ lệ C/O mà Bộ Công Thương đã cấp cho DN bị hải quan nước NK yêu cầu xác minh chỉ chiếm rất nhỏ. Kết quả xác minh cũng cho thấy các lô hàng được cấp C/O đều đáp ứng các điều kiện được cấp C/O.

Tuy nhiên, vẫn có hiện tượng các DN làm giả C/O để gian lận xuất xứ (GLXX). Ví dụ, trong số hơn 170.000 bộ C/O xuất sang thị trường Hàn Quốc, đã xác minh lại 71 bộ C/O, có 1 bộ do DN làm giả và Bộ Công Thương đã chuyển vụ việc sang cơ quan cảnh sát điều tra xử lý. 

Trước mắt cần chủ động ứng phó 

Ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, đến hết tháng 10, kim ngạch XK của Việt Nam tăng 7,4% nhưng XK vào Mỹ tăng hơn 26%; Năm 2017 phát hiện 3 vụ việc lớn liên quan đến GLXX; Năm 2018 cũng phát hiện 3-4 vụ việc nhưng 2019 phát hiện 13 vụ việc nghiêm trọng, ghi xuất xứ Việt Nam trong khi hàng đến từ các nước khác. Các mặt hàng khá đa dạng, từ giày dép, xe đạp, linh kiện điện tử… trong đó có một số mặt hàng nhạy cảm xuất sang Hoa Kỳ đang được xem xét. 

Tuy nhiên, theo ông Khánh, vấn đề mà Việt Nam đang phải đối mặt không đơn giản là vấn đề GLXX mà chính là việc có thể bị áp thuế chống lẩn tránh thuế bất kỳ lúc nào. Ông Khánh ví dụ, Việt Nam nhập bột mỳ từ nước thứ 3, sản xuất thành chiếc bánh mỳ và xuất sang Hoa Kỳ nhưng Hoa Kỳ vẫn áp thuế cao cho bánh mỳ Việt Nam vì cho rằng trong trường hợp này có sự lẩn tránh thuế (thông qua việc nhập nguyên liệu đầu vào từ nước bị áp thuế cao). 

Mặt hàng thép cũng tương tự, chủ yếu Mỹ áp thuế chống lẩn tránh thuế để tránh trường hợp nguyên liệu từ một nước đang bị áp thuế cao lại xuất sang Hoa Kỳ dưới hình thức của một sản phẩm khác từ Việt Nam. “Trong trường hợp này chúng ta không thể làm được gì trừ khi không NK nguyên liệu từ quốc gia bị áp dụng thuế phòng vệ thương mại nữa” - ông Khánh chia sẻ. 

Ngoài ra, ông Khánh cũng cho biết, một khó khăn nữa trong việc khó kiểm soát hàng hóa xuất đi có đáp ứng được xuất xứ hay không là do một số thị trường không yêu cầu chứng nhận xuất xứ. Ví như Hoa Kỳ, Canada quy định nhà NK tự cam kết và chịu trách nhiệm về xuất xứ hàng hóa. Vì vậy cơ quan hải quan Hoa Kỳ không yêu cầu phải có C/O của Việt Nam cấp cho hàng hóa xuất đi Hoa Kỳ. “Do vậy, không có cơ sở để phòng tránh GLXX, nếu các nhà NK yêu cầu thì việc giải quyết GLXX sẽ rất nhanh” - ông Khánh quả quyết.

Do đó, giải pháp được ông Khánh đưa ra là cần xác định thị trường có nguy cơ (như Hoa Kỳ, châu Âu) và xác định sản phẩm có nguy cơ để có thể chủ động ứng phó. Và nếu nguy cơ không đến từ cấp C/O mà đến từ “lỗ hổng” pháp lý của Hoa Kỳ, châu Âu thì Việt Nam cần ngồi cùng với họ xem xét để lấp “lỗ hổng” này.

Trước mắt, Bộ Công Thương đã theo dõi, phối hợp với Bộ Tài chính, Cơ quan Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ xây dựng cập nhật danh sách cảnh báo các mặt hàng có nguy cơ GLXX, chuyển tải bất hợp pháp, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Hiện danh sách đã có 25 mặt hàng (tính đến hết tháng 9) có nguy cơ cao xuất sang Hoa Kỳ, châu Âu, Canada như gỗ dán, đá nhân tạo, đệm mút, xe đạp điện, thép chống ăn mòn, tấm nhôm hợp kim, ghim đóng thùng…

Đọc thêm