Hết thời "vào khó, ra dễ"?
Việc ban hành quy định cảnh báo, đình chỉ hoặc buộc thôi học đối với SV đã được các trường đại học áp dụng từ nhiều năm nay và cũng trở nên bình thường với nhiều trường. Tại Hà Nội, ông Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, mỗi năm, ĐH Bách khoa Hà Nội có tới 700-800 SV bị buộc thôi học.
Và số thí sinh buộc thôi học này khá lớn ở TP HCM. ĐH Luật TP HCM cho biết, danh sách kỷ luật học sinh mà trường vừa công bố có hơn 220 SV chính quy và văn bằng hai chính quy, dự kiến bị cảnh cáo học vụ, đình chỉ học một năm hoặc buộc thôi học vì có kết quả học tập yếu kém. Trong số này, có nhiều SV bỏ ngang việc học để ôn thi ngành khác, nhiều SV do học yếu, điểm rất kém...
Cụ thể, 66 SV hệ chính quy văn bằng 1 bị cảnh báo do điểm trung bình chung học tập của học kỳ 2 năm học 2016-2017 đạt dưới 1,0 điểm (thang điểm 4). 41 SV khác của hệ này bị buộc thôi học do bị cảnh báo học vụ hai lần (điểm trung bình chung học kỳ 1 và học kỳ 2 năm học 2016-2017 dưới 1,0). Đối với hệ chính quy văn bằng 2, có 52 SV bị đình chỉ học một năm do điểm trung bình học tập năm học 2016-2017 dưới 5,0 và 71 người bị buộc thôi học do điểm này dưới 3,5. Như vậy, 112 SV của ĐH Luật TPHCM bị buộc thôi học kể từ học kỳ 1 năm học 2017-2018.
Trước đó, Trường ĐH Nông lâm TPHCM cũng đã đình chỉ một năm học đối với 15 SV vì nhờ người thi hộ ở đợt thi lấy chứng chỉ tiếng Anh chuẩn B1 cuối học kỳ 1 năm học vừa qua. Quyết định đình chỉ 15 SV được thông báo trong toàn trường, để làm gương cho các SV khác trong việc chấp hành nội quy, quy chế nhà trường. Quyết định này cũng được gửi về gia đình để phối hợp quản lý. Quá trình chịu kỷ luật, các SV bị đình chỉ học nếu tích cực rèn luyện, sẽ được xem xét cho học lại.
Và cũng gần đây nhất, tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM vừa có cảnh báo học vụ hơn 600 SV học kỳ 2, năm học 2016-2017 vì điểm kém so với chất lượng đào tạo của nhà trường và buộc thôi học tới gần 120 SV. Các trường như ĐH Công nghiệp thực phẩm TP HCM, ĐH Giao thông Vận tải TP HCM… cũng cho biết mỗi năm nhà trường phải buộc thôi học tới hàng trăm SV ở các ngành học khác nhau.
Không có chuyện… xả hơi
Đành rằng, đây không phải là lần đầu chuyện SV bị buộc thôi học gây xôn xao dư luận. Vài năm trước, riêng ĐH Tây Nguyên cũng đã công bố hàng ngàn SV bị buộc thôi học. Tuy nhiên, với hàng trăm SV bị cảnh báo, đình chỉ học ở mỗi trường trong một năm đặt ra câu hỏi vì sao những SV từ những thí sinh có học lực khá, giỏi, kiên cường vượt qua kì thi lại không còn giữ được phong độ sau quá trình rèn luyện ở phổ thông?.
Không thể phủ nhận, nếu như ở bậc phổ thông, học sinh phải học cật lực để giỏi đều các môn, mới hy vọng vượt qua kì thi tốt nghiệp và bứt phá xét tuyển vào ĐH. Khi vào ĐH, SV sẽ bỡ ngỡ bởi cách học như “buông” hoàn toàn. Cùng với đó, học theo tín chỉ, SV sẽ phải lượng sức để tự học, tự nghiên cứu! Có nghĩa sức học đến đâu các em sẽ hoàn thành chương trình sớm đến đó. Nhưng thực tế, khi các em được buông lỏng, không ít em đã mải chơi, hoặc ham “làm giàu” thần tốc mà bỏ bê học hành.
Theo ông Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, việc thay đổi môi trường học, phương pháp học, định hướng nghề nghiệp chưa rõ ràng khiến nhiều SV bị “lạc” trong chính kiến thức mà mình gặp phải. Và với mô hình đào tạo theo tín chỉ, tự đăng ký môn học, nhiều em theo tâm lý đám đông, đăng ký nhiều tín chỉ nhưng không hoàn thành. Nhiều SV từ phổ thông vào ĐH dễ bị thất vọng vì chương trình đào tạo khi phải học các môn đại cương, các môn chính trị sau đó mới được học những kiến thức về chuyên ngành. Chính bởi vậy, dù đầu vào của ĐH Bách khoa cao nhưng điểm trung bình 2 năm đầu của các em chỉ xoay quanh 2/4. Giáo viên ở trường chấm điểm rất chặt.
Chưa kể đến việc các SV quá sa đà vào các trò chơi điện tử, chưa xác định rõ con đường phía trước nên chưa có mục tiêu phấn đấu. Tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, các SV phải chịu áp lực lớn bởi môn Toán cao cấp và Vật lý đại cương được dạy ngay từ năm đầu. Nếu SV không phấn đấu trong học tập thì sẽ không tránh khỏi nguy cơ bị buộc thôi học, ông Trần Văn Tớp cảnh báo.
Do vậy, để khắc phục, Trường ĐH Bách khoa cũng cho biết sẽ cấp mã số tài khoản quản lý học tập cho SV và cả phụ huynh để phụ huynh nắm được lịch học của con mình, kiểm soát được tình hình sau đó sẽ định hướng cho con em mình ổn định tinh thần, giúp đỡ SV học tập ổn định hơn, tránh tình trạng xấu nhất.
Đồng quan điểm, TS.Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Khoa học Giáo dục Hà Nội cũng cho rằng, những năm gần đây hiện tượng một bộ phận SV có tư duy lệch lạc rằng vào đại học để chơi, để hưởng thụ dẫn đến nhiều hệ lụy. Nhiều SV chưa xác định được lý tưởng học tập, con đường phấn đấu cho riêng mình. Dễ chạy theo các trào lưu, mải chơi, sa đà vào chơi bời, yêu đương… một bộ phận SV còn buông thả, mắc vào tệ nạn xã hội.
“Theo tôi, các trường không nên dung túng, dễ dãi để SV thích học thì học, thích nghỉ là nghỉ, học kém cũng được tốt nghiệp. Nhà trường nên tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, tọa đàm để nâng cao lý tưởng sống và học tập cho SV. Các em cần có hoài bão để thôi thúc học tập, cống hiến cho xã hội”.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia giáo dục, phần lớn các SV khi nhập học mới bắt đầu cuộc sống tự lập, vì vậy, cần có sự quan tâm sát sao của nhà trường, tránh những sai lầm đáng tiếc khi sự đã rồi…