Hàng hóa tết: Lượng tăng, giá chỉ biến động nhẹ
Còn ba tuần nữa là đến Tết. Trên thị trường, các mặt hàng phục vụ Tết đã “án ngữ” ở những vị trí bắt mắt nhất. Hệ thống Saigon Co.op đã tăng số lượng hàng thiết yếu lên gấp hai, ba lần so với những tháng trước.
Theo lãnh đạo Saigon Co.op, siêu thị đã chủ động nguồn cung từ rất sớm, tập trung vào những mặt hàng sản xuất trong nước như thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô, hàng may mặc, hàng gia dụng, đồ uống…
Tổng lượng hàng hóa cung ứng cho ba tháng trước, trong và sau Tết khoảng 90.000 tấn, tăng gần 15% so với tết 2014. Còn tại hệ thống Lotte Mart, danh mục hàng hóa từ 30.000 mẫu đã tăng lên 60.000- 65.000 mẫu, gồm các mặt hàng như bánh, kẹo, mứt, thịt nguội, xúc xích, các loại khô chế biến sẵn…
Tại hệ thống Big C, lượng hàng hóa phục vụ Tết cũng đã ngập tràn trên các kệ hàng. Ngoài chợ, một số mặt hàng không thể thiếu dịp Tết cũng đã bắt đầu nhích giá, như các mặt hàng gà thịt, trứng gia cầm, hàng khô (măng, miến), nhưng mức tăng chỉ “chút xíu” gọi là có không khí Tết.
Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, hiện hầu hết các mặt hàng trong nhóm thực phẩm đều tăng giá do nhu cầu tăng để phục vụ cho Tết Nguyên đán, nhưng mức tăng không cao, cụ thể như sau: giá thịt lợn tăng 0,31%; giá thịt bò tăng 0,49%; giá thịt gà tăng 0,71%; giá thịt gia cầm tăng 0,58%; giá trứng gia cầm tăng 0,96%; giá thủy sản tươi sống tăng 0,45%; giá thủy sản chế biến tăng 0,29%.
Cũng do nhu cầu chuẩn bị Tết Nguyên đán cùng với tỷ giá USD tăng nên giá các mặt hàng trong nhóm đồ uống và thuốc lá đều tăng với mức tăng từ 0,17 đến 1,06%; riêng mặt hàng bia hơi giảm 0,07% do vào mùa lạnh, nhu cầu giảm. Nhóm may mặc và giày dép tăng 0,51%; theo đó, một số mặt hàng quần áo mùa đông tăng từ 2-4%; vải các loại tăng 0,46%; giày dép tăng 0,34%, dịch vụ may mặc tăng 1,31% so tháng trước.
Không để giá cả tăng mạnh
Các chuyên gia thị trường của Tổng cục Thống kê cũng cho rằng, mặc dù tháng 1/2015 là tháng giáp Tết Nguyên đán, nhu cầu của các mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng lên nhưng do giá xăng dầu giảm mạnh, giá cước vận tải giảm theo nên giá lương thực, thực phẩm không tăng cao. Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 1 chỉ tăng 0,28% so với tháng trước, thấp hơn nhiều so với tháng 1 của những năm trước (năm 2011 tăng 2,47%; năm 2012 tăng 1,01%; năm 2013 tăng 1,34%; năm 2014 tăng 0,77%).
Đại diện Sở Công Thương TP.HCM cho biết, giá bán hàng hóa tham gia chương trình bình ổn thị trường Tết 2015 đảm bảo ổn định, không tăng giá trong hai tháng tết. Còn Sở Công Thương Hà Nội cho biết, các DN tham gia bình ổn giá cam kết luôn đảm bảo lượng hàng hóa dự trữ, bán ra thị trường với giá ổn định.
Trong đó, tập trung dự trữ và tổ chức bán ra trên thị trường 7 nhóm hàng thiết yếu sẵn sàng phục vụ Tết như: gạo, thịt lợn, thịt gà, dầu ăn, rau củ, trứng gia cầm, thủy hải sản đông lạnh với tổng trị giá trên 276 tỷ đồng.
“Lượng hàng hóa sản xuất, dự trữ hiện nay sẽ cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô trong dịp tết. Cho nên sẽ không xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá trong dịp này” - đại diện Sở Công Thương cho biết.
Theo dự báo của các chuyên gia Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), CPI của tháng 2/2015 sẽ ổn định và có thể giảm nhẹ so với tháng 1, dù tháng 2 là tháng tết, thông thường giá lương thực, thực phẩm, các nhu cầu chi tiêu thiết yếu của tháng này tăng cao nhưng nhờ giá xăng dầu giảm mạnh đợt vừa qua sẽ kéo theo chi phí sản xuất, vận chuyển thấp… sẽ khiến cho giá cả các mặt hàng tương đối ổn định.